Nỗi khổ “ma trận quy hoạch”

25/08/2020 13:03

Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua của HĐND tỉnh, người dân thành phố Kon Tum có nhiều kiến nghị về các dự án quy hoạch. Luật Đất đai quy định, dự án kéo dài không quá 5 năm, thế nhưng đến giờ hàng trăm người dân ở thành phố Kon Tum sống trong nỗi khổ về “ma trận quy hoạch”. Có dự án quy hoạch kéo dài hàng chục năm qua mà không bị xóa. Nhiều nhà rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở không xong”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Chinh ở 215 đường Ure, phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) có đến gần 30 năm sống chung với… quy hoạch treo, vì nhà bà ở ngã ba đường Ure và Đinh Núp. Dù đất nhà bà Chinh đang ở đã có giấy tờ sang nhượng, mua bán từ lâu kể từ khi chưa có đường Đinh Núp, nhưng khi đường Đinh Núp được đưa vào quy hoạch mở rộng (năm 2009), thì từ đó đến nay, bà không được sửa chữa lại nhà cửa, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Dự án này bị “treo” quá lâu, trong khi đó ngôi nhà của gia đình tôi xây dựng đã mấy chục năm nay không được sửa sang lại nên xuống cấp, tường nhà bong tróc. Chúng tôi từng ngày mong mỏi dự án sớm được triển khai và đền bù cho người dân để có tiền mua đất đai nhà cửa ở nơi khác. Còn nếu chỉ xây dựng bê tông xi măng đường Đinh Núp như vừa rồi (đường hẻm) thì chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm ra quyết định xóa quy hoạch và thông báo cho người dân biết, để chúng tôi xây dựng lại nhà cửa, mà an tâm cuộc sống ở đây - bà Chinh bức xúc nói.

Vùng quy hoạch ở thôn 4, xã Đăk Cấm. Ảnh: D.L

 

Một cán bộ của ngành xây dựng - quy hoạch cho rằng, vấn đề đất đai liên quan đến các dự án quy hoạch nhưng kéo dài chưa triển khai gây ảnh hưởng cuộc sống và các giao dịch liên quan đến đất đai chính là điều gây bức xúc và ngành chức năng cũng khó lý giải nhất cho người dân. Cùng là đất đai được người dân tạo lập hợp pháp, nhưng người nào có đất nằm trong vùng quy hoạch thì giá trị đất đai, kể cả nhà cửa, công trình trên phần đất đó lập tức bị xuống giá, thậm chí còn không mua bán được. Những câu chuyện như vậy ở tỉnh thành nào cũng có, bởi theo quy định của Luật Xây dựng và nhiều pháp luật liên quan khác về đất đai, hầu hết các tỉnh, thành đều phải lập quy hoạch xây dựng. Và quy hoạch này là cơ sở để cơ quan Nhà nước cấp phép xây dựng hoặc xem xét cho người dân được quyền chuyển mục đích sử dụng đất…

Theo ý kiến của chuyên gia, dù chính quyền và ngành chức năng có “linh hoạt” trong công tác giải tỏa đền bù nhưng người dân trong vùng quy hoạch luôn chịu thiệt thòi, nhất là đối với các dự án “quy hoạch treo”. Ngay cả việc phải giải tỏa nhà, đất dù một phần hay toàn bộ đã là một sự thiệt thòi rất lớn với người dân. Do vậy, luật pháp phải tiếp cận theo hướng cần có sự hỗ trợ (bên cạnh đền bù) thỏa đáng cho người có đất đai bị giải tỏa. Việc này không những an dân mà còn giúp công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian đầu tư xây dựng và sớm đưa công trình vào vận hành. Việc chậm thực hiện các dự án quy hoạch chẳng những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Kon Tum mà còn “treo” quyền lợi người dân trong vùng quy hoạch.

Trả lời kiến nghị của người dân trong những lần tiếp xúc cử tri gần đây, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ chỉ đạo UBND thành phố Kon Tum phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát lại các quy hoạch. Đối với những trường hợp quy hoạch theo đúng pháp luật thì sẽ xem xét tính khả thi của quy hoạch đó. Một khi quy hoạch không có tính khả thi hoặc không còn hợp lý, cơ quan đã phê duyệt quy hoạch phải hủy quyết định phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Trong trường hợp quy hoạch có tính khả thi mà chưa được thực hiện, thành phố Kon Tum phải đề ra biện pháp để thực hiện có hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống người dân. 

Dương Lê

Chuyên mục khác