Nơi hội tụ của niềm tin

14/06/2021 06:02

Xung quanh tôi, người thân, bạn bè và cả những người không quen biết vẫn đang ngóng chờ đến ngày được tiêm vắc xin. Vì vậy, với mỗi tin nhắn, mỗi khoản tiền ủng hộ quỹ là chúng ta đang góp phần để ngày ấy đến nhanh hơn.
Nhắn tin ủng hộ qua Cổng 1400. Ảnh: HL

 

Tôi dán mắt vào màn hình điện thoại sau khi nhắn tin ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ qua Cổng 1400. Gần như ngay lập tức, hệ thống có tin hồi đáp: “Cảm ơn quý vị đã ủng hộ số tiền là… cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ”.

Và tôi thấy mình nhẹ nhõm, bởi đã làm một việc nên làm và đáng làm của bất cứ người dân Việt Nam nào vào lúc này. Do đặc thù nghề nghiệp, tôi thuộc diện ưu tiên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt đầu, nhưng xung quanh tôi, người thân, bạn bè và cả những người không quen biết vẫn đang ngóng chờ đến ngày được tiêm vắc xin. Mỗi đóng góp của chúng ta đang góp phần để ngày ấy đến nhanh hơn.

Chưa bao giờ câu chuyện mua vắc xin phòng Covid-19 lại được người dân quan tâm nhiều đến như vậy. Bộ Y tế dự kiến mua 150 triệu liều của nhiều hãng dược với tổng kinh phí, kể cả vận chuyển, bảo quản, phân phối, tiêm chủng, ước 25,2 nghìn tỷ đồng, tính ra khoảng 168.000 đồng mỗi liều.

Có thể thấy yêu cầu về nguồn kinh phí là rất lớn. Vì vậy, chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vắc xin tiêm kịp thời cho người dân.

Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 nhằm huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin. 

Rất nhanh chóng, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 trở thành nơi hội tụ của niềm tin. Mọi người đều tin rằng, mỗi đóng góp của mình vào Quỹ đều hướng tới mục tiêu bảo đảm cuộc sống an toàn hơn của bản thân, gia đình, cộng đồng và cả xã hội.

Kể từ khi Quỹ vắc xin phòng Covid-19 được thành lập, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, địa phương mà rất nhiều cá nhân, trên mọi miền của Tổ quốc, đều đã nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp cho quỹ. Làn sóng, phong trào ủng hộ không ngừng lớn mạnh và lan xa. Đã có hàng nghìn tỷ đồng được gửi về Quỹ vắc xin, bằng cách này hay cách khác, chuyển trực tiếp bằng tiền mặt hay nhắn tin qua Cổng 1400.

Hàng trăm doanh nghiệp mặc dù phải đối mặt với khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng rất tích cực đóng góp cho Quỹ, chung tay với Chính phủ lo cho người dân.

Có những mẹ già không tự đi được, đã nhờ con cháu chở đến địa chỉ nhận ủng hộ để quyên góp toàn bộ số tiền chắt chiu, dành dụm được qua nhiều năm. Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn hình ảnh mẹ Đào Thị Sữa (Thành phố Hồ Chí Minh), dù có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn lên phường ủng hộ số tiền 500 nghìn con gái “cho dằn túi”, và hỏi “thối lại 100 nghìn để trả tiền xe ôm được không?”.  

Và rất tự hào khi đọc tin cháu Nguyễn Ngọc Minh (Đông La, Hoài Đức, Hà Nội)- học sinh lớp 5 Trường Marie Curie đã đập con lợn đất “nuôi” suốt 4 năm và nhờ mẹ đưa đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để trao tặng cho Quỹ phòng, chống Covid-19.

Ở tỉnh Kon Tum, ngày 8/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn có Thư kêu gọi toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ vắc xin Covid-19 và Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kon Tum.

Ngay sau đó, phong trào ủng hộ được lan tỏa mạnh mẽ. Hàng loạt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia, từ số tiền lớn hàng trăm triệu đồng của các sở, ngành, doanh nghiệp, đến vài chục nghìn đồng tiết kiệm tiền ăn sáng của các em học sinh. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đều phát động phong trào ủng hộ một ngày lương; nhắn tin qua cổng 1400.

Ngày 7/6, tôi đã không kìm được xúc động khi chứng kiến cô giáo trẻ, dạy tại một trường mầm non tư thục ở thành phố Kon Tum, đã ủng hộ số tiền 5 triệu đồng. Đây là toàn bộ số tiền lãi em thu được từ việc bán hàng online trong tháng qua- cô nhẹ nhàng nói.

Từ đầu tháng 5 đến nay, trường học đóng cửa do dịch bệnh, cô không có việc làm, phải xoay sở mưu sinh bằng bán hàng online. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà cô giáo trẻ lãng quên trách nhiệm của một công dân.

Trên thực tế, trước khi Quỹ vắc xin phòng Covid-19 được lập, cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đề nghị được chia sẻ trách nhiệm, chung tay với Chính phủ trong giải bài toán kinh phí mua vắc xin.

Ngay cả một số chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, dù sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn cũng cho tôi biết, họ sẵn sàng đóng góp kinh phí mua vắc xin phòng Covid- 19, nhằm tăng thêm nguồn cung, để người lao động của doanh nghiệp sớm được tiếp cận vắc xin.

Việc đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 không có mức tối thiểu hay tối đa. Tất cả đều trên cơ sở tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Mỗi đóng góp, dù từ vài trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp, tổ chức hay vài chục nghìn đồng của các em nhỏ, học sinh, sinh viên hay người già… đều được thấu hiểu và trân quý.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ sự cảm động khi được biết, những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương để ủng hộ Quỹ với tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Như bất cứ một sự kiện quan trọng nào của đất nước, của dân tộc, trên mạng xã hội, các tổ chức thù địch, chống phá lại đăng tải nhiều thông tin, bình luận xuyên tạc về việc Chính phủ kêu gọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ kinh phí mua vắc xin phòng Covid-19, đại loại như “Việt Nam không minh bạch trong việc mua và sử dụng vắc-xin”, “Chính quyền ép buộc người dân đóng góp tiền mua vắc-xin”…

Mục đích của chúng là gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận, kích động tâm lý nghi ngờ trong cộng đồng, tìm cách phủ nhận thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đánh vào lòng tin của người dân đối với hệ thống chính trị, gây khó khăn cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Nhưng thực tế những ngày qua cho thấy, âm mưu xấu xa của những kẻ chống đối đã chẳng đạt được điều gì ngoài sự coi thường của người dân trong nước. Sự lan tỏa mạnh mẽ, nhanh chóng của phong trào ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 khẳng định rằng, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là chủ trương đúng đắn, là nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng của người dân Việt. Và cũng cho thấy, mỗi người dân Việt Nam luôn tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc; lạc quan, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của Chính phủ và các ngành, địa phương; đoàn kết đồng lòng, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng đại dịch Covid-19 này.

Tất nhiên, dù vắc xin là vũ khí rất quan trọng, nhưng tôi cho rằng, sự đồng lòng, ý thức tự giác của mỗi người trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tuân thủ 5K, cũng có ý nghĩa quyết định không kém gì vắc xin.

Hồng Lam

Chuyên mục khác