Nối đôi bờ Pô Kô

17/03/2019 06:41

Từ nhiều năm nay, bến đò Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà luôn tấp nập người và phương tiện qua lại. Bến đò nối đôi bờ sông Pô Kô này đã giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, sản xuất, thăm hỏi nhau mỗi ngày…

Khi thôn Kon Gung còn chìm trong làn sương trắng mờ ảo buổi sáng, anh A Trao đã dậy để xuống bến đò chuẩn bị và khởi động chiếc phà, chở người dân ở các xã Đăk Mar, Đăk Hring, Đăk Ngọk… của huyện Đăk Hà đang chờ sẵn để sang bên thôn Đăk Wơk (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) làm rẫy.

Chuyến phà cập bến, người dân xã Hơ Moong cũng đang chờ phà, để rút ngắn khoảng cách đi qua thị trấn Đăk Hà và thành phố Kon Tum.

Khi thuỷ điện Plei Krông hoàn thành, bến đò Kon Gung có một chiếc phà nhỏ chỉ đủ chở khoảng chục người. Qua 12 năm tồn tại, đến nay, bến đò đã đủ phà lớn, bé. Phà ở đây ngoài chở người còn chở được nhiều phương tiện khác như: ôtô, xe tải, xe công nông…

Bến đò giúp người dân thuận lợi rất nhiều trong di chuyển và sản xuất

 

Anh A Trao, là người dân thôn Kon Gung, cũng là người lái phà được 3 năm nay chia sẻ: Trước kia, người lái phà là ông Trần Thanh Nhân (quê ở Bình Định), sau này vì nhiều lí do nên ông nhượng lại chiếc phà cho gia đình chúng tôi. Gắn bó với bến đò nhiều năm, được nhìn người nhà lái hàng ngày, tôi yêu thích công việc lái phà từ lúc nào không hay. Cách đây 3 năm, tôi quyết định xuống Quảng Nam để học lái tàu thuỷ ở Trung tâm Đào tạo nghề Quảng Nam.

“Hàng ngày, tôi lái phà qua lại 2 bên bờ sông từ sáng sớm đến chiều muộn để đón mọi người. Mỗi chiếc xe máy tôi lấy 10.000 đồng, ôtô hay phương tiện khác lấy 50.000 đồng, còn người đi phà thì không lấy tiền” - anh A Trao nói.

Người dân Hơ Moong và Đăk Mar bây giờ đời sống đã khấm khá hơn trước đây rất nhiều, mỗi gia đình trung bình sở hữu từ 2 đến 3ha cà phê hoặc cây công nghiệp khác. Với vùng đất màu mỡ như xã Hơ Moong, ngày càng có nhiều người dân đến đây để mua và thuê đất để trồng trọt. Điều này làm cho bến đò Kon Gung càng thêm tấp nập.

Thời điểm sau Tết Nguyên đán, người dân tiếp tục vụ tưới cà phê của mình, sẽ không lạ khi bắt gặp hình ảnh những chuyến phà chở đầy người và phương tiện phục vụ sản xuất qua lại 2 bờ Kon Gung và Đăk Wơk.

Ông Nguyễn Hải Độ, người dân xã Đăk Ngọk cho biết, ông đã gắn bó với bến đò hơn 10 năm nay. Mỗi ngày, ông đều đi phà để qua xã Hơ Moong chăm sóc 1,8ha cà phê của mình. Nhìn lại thời gian tồn tại và thay đổi của bến đò, ông Độ mỉm cười và nói: Bây giờ việc đi qua bến đò không còn như ngày trước, không phải chờ đợi, thuận tiện và an toàn hơn rất nhiều.

Cũng như ông Độ, anh Nguyễn Hiển Vinh (thôn 11, xã Đăk Hring) chia sẻ: Cách đây 4 năm tôi qua xã Hơ Moong mua 1ha đất để đầu tư trồng cà phê. Đất tốt đem lại hiệu quả cao. Đến nay, diện tích cà phê của gia đình tôi đã tăng 2ha. “Có bến đò, tôi đi lại thuận tiện lắm. Mỗi ngày tôi đều đi qua đây, trừ những hôm có mưa bão, vì lúc đó bến đò sẽ tạm ngừng hoạt động” - anh Vinh nói.

Thời điểm tháng 7, 8, 9 vào mùa mưa, có những hôm gió to sóng lớn, những chiếc phà ở bến đò phải neo đậu không được chở khách vì lí do an toàn. Anh A Trao nhớ lại, nhiều năm trước, cứ trước mùa mưa, thủy điện lại xả nước, bến đò lúc này trở thành vùng đầm lầy, đàn ông phụ nữ cứ xắn quần lội qua chỗ cạn để qua bờ bên kia, đi lại rất khó khăn. Nhưng 2 năm nay, từ khi có kiến nghị, thủy điện xả nước nhưng vẫn để nước dâng ở mức phà vẫn di chuyển được nên bà con, người dân rất phấn khởi.

“Thủy điện xả nước, sẽ tạo ra những dòng chảy và xoáy, tôi phải lái xuôi theo dòng chảy, khi nào qua hẳn rồi mới bẻ lái lại”, anh A Trao chia sẻ kinh nghiệm khi lái phà mùa thủy điện xả nước.

Là người cẩn thận, trước khi phà rời bến, anh A Trao đều nhắc nhở mọi người mặc áo phao và neo đậu phương tiện chắc chắn. Tuy nhiên, ít người để ý đến điều này, người thì ngồi trên yên xe máy, người thì đứng cạnh lan can của phà. Một người đi phà cho biết: vì quãng đường giữa 2 bờ ngắn và bao lâu nay đều đi phà mỗi ngày nên thấy quen, mặc dù trên phà có trang bị áo phao nhưng thấy bất tiện và không thấy ai mặc bao giờ.

Ngoài việc thuyết phục, nhiều hôm trời trở mưa và có gió, anh A Trao đều yêu cầu tất cả mọi người mặc áo phao rồi mới cho phà rời bến. “Tết Nguyên đán vừa rồi, những chuyến phà chạy đến tận đêm 30 Tết và mùng 2 bến đò đã hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu đi lại thăm hỏi, chúc Tết của người dân” - anh A Trao cho hay.

Bến đò Kon Gung không chỉ giúp người dân 2 bờ Pô Kô đi lại thuận tiện mà còn giúp người dân nơi đây ngày càng đoàn kết, nghĩa tình, cùng nhau xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế, ấm no, hạnh phúc.          

Bài và ảnh Đức Thành

Chuyên mục khác