Nỗi đau đuối nước

22/02/2022 06:04

Chỉ trong ít ngày đầu tháng 2, riêng trên địa bàn thành phố Kon Tum đã xảy ra 2 vụ đuối nước làm 3 trẻ em tử vong. Mỗi vụ tai nạn là một nỗi đau đớn không gì bù đắp được với các gia đình. Điều đó tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về một chuyện đã cũ, nhưng nỗi đau đuối nước ở trẻ em chưa khi nào cũ.

Hai vụ tai nạn đuối nước xảy ra chỉ trong chưa đầy 1 tuần khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa. Đó là, vào ngày 6/2 tại thôn Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất) một em bé đã tử vong do rơi xuống giếng nước của gia đình. Vài ngày sau (11/2), tại thôn Plei Klếch (xã Ngok Bay) lại tiếp tục xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm nữa khi các em nhỏ chơi ở gần suối không may bị trượt chân xuống suối đã cướp đi sinh mạng của 2 em bé mới chỉ từ 6 – 11 tuổi.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. Riêng ở tỉnh ta, trong năm 2021, toàn tỉnh có 22 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có tới 21 em tử vong do đuối nước. 

Con số này cho thấy, tai nạn đuối nước là vấn đề đáng báo động. Mỗi vụ việc xảy ra không chỉ cướp đi mạng sống của chính những đứa trẻ mà còn gây mất mát, tổn thương không gì bù đắp được đối với người thân, gia đình các em và cả những ân hận, day dứt của nhiều người lớn.

Căn nguyên đã được các ngành chức năng xác định và chỉ ra từ nhiều năm nay, nhưng hàng năm, các vụ đuối nước vẫn xảy ra. Trước hết là do trẻ em không biết bơi, chưa học kỹ năng an toàn trong môi trường nước và xử lý tình huống khi bơi, không có kỹ năng cứu đuối.

Mặc dù, nhiều năm qua, công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em cũng đã được các cấp, các ngành và nhiều gia đình quan tâm. Đặc biệt, ngành Giáo dục cũng đã triển khai chương trình dạy bơi trong trường học, tuy nhiên, số trẻ em có điều kiện học bơi chưa nhiều; việc dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em vẫn chưa phổ quát, chưa liên tục... Vì vậy, số trẻ biết bơi và có kỹ năng an toàn dưới nước còn ít nên chưa tạo ra chuyển biến thực sự trong việc hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Nguyên nhân chủ yếu của nhiều vụ tai nạn đuối nước là do sự bất cẩn của người lớn; sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh khi chưa trông nom, giám sát trẻ, để trẻ tự do vui chơi gần những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn như ao, hồ, hố nước sâu, sông, suối, những nơi nguy hiểm. Trong khi con trẻ thì luôn hiếu động và chưa hiểu biết hết những mối nguy hiểm ở xung quanh dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Trẻ em vùng nông thôn thường rủ nhau bơi lội, tắm sông, tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước. Ảnh: TH

 

Từ 2 vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ ở thành phố Kon Tum tử vong có thể thấy rõ, chỉ một thoáng lơ là, xao nhãng, vô ý của người lớn khi trông trẻ đã dẫn đến hậu quả thương tâm và không có cơ hội để sửa sai.

Tình trạng nhiều trẻ em bị đuối nước còn cho thấy một vấn đề đáng báo động là thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 Trong báo cáo về kết quả thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em năm 2021, UBND tỉnh cũng nêu rõ, tính đến nay toàn tỉnh có 142 điểm vui chơi, trong đó có 4 điểm do cấp tỉnh quản lý, 10 điểm do cấp huyện quản lý và 128 điểm do cấp xã, phường, thị trấn quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các huyện chưa có nhà văn hóa thiếu nhi, chưa có khu vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em và các thiết chế văn hóa chủ yếu phục vụ cho hoạt động cộng đồng. Chính quyền địa phương chưa dành riêng quỹ đất xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em và xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Việc đầu tư điểm vui chơi trong trường học được bảo quản và sử dụng tốt, tuy nhiên chưa bố trí nguồn tài chính để duy trì và bảo dưỡng hàng năm, nên công trình nhanh xuống cấp. Các điểm vui chơi, thiết bị còn sơ sài và phần lớn các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điểm vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em. Thế nên, trẻ em ở nông thôn, miền núi thường trốn cha mẹ đi chơi, tắm sông, tắm suối, nhất là trong thời gian nghỉ hè, lễ, tết.

Đuối nước ở trẻ em là vấn đề không mới và hoàn toàn có thể phòng tránh được. Song không chỉ gia đình, hay một ngành đơn lẻ nào có thể triển khai toàn bộ các hoạt động được mà cần tăng cường phối hợp, cùng chung tay hành động phòng, tránh đuối nước cho trẻ của tất cả các ngành, địa phương, đơn vị và mỗi gia đình. Có như vậy, những vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em mới có thể giảm bớt và để không còn những nỗi đau kéo dài, đặc biệt nhất là hiện nay đã bước vào thời điểm nắng nóng và không lâu nữa các em sẽ được nghỉ hè ở nhà.

THÙY HƯƠNG

Chuyên mục khác