Nơi “chắp cánh ước mơ” cho học sinh DTTS ở huyện Đăk Glei

29/03/2023 06:01

Với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ DTTS cho địa phương, thời gian qua, bên cạnh việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, Trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Glei còn được Nhà nước đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống trường lớp, khu nội trú, mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và đáp ứng với nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh.

Năm học 2022-2023, Trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Glei có 430 em học sinh DTTS theo học từ khối 9 đến khối 12; trong đó chủ yếu là DTTS Giẻ-Triêng, còn lại là học sinh dân tộc Xơ Đăng và Ba Na. Tất cả học sinh của nhà trường đều được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước nên rất thuận lợi trong việc ăn ở tại trường, có đầy đủ sách vở, đồ dùng phục vụ cho việc học tập.

Hiện nay, cơ sở vật chất của nhà trường tiếp tục được nâng cấp đồng bộ. Từ nguồn ngân sách của nhà nước với kinh phí 13,8 tỷ đồng, nhà trường đang được xây dựng mới 10 phòng học, 1 dãy nhà hiệu bộ; sửa chữa 8 phòng học, 20 phòng ở cho học sinh. Dự kiến các công trình này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2023, qua đó đáp ứng tốt hơn nữa môi trường làm việc, học tập, sinh hoạt của giáo viên và học sinh toàn trường.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Glei tích cực học tập. Ảnh: T.L

 

Em Y Huyền, học sinh lớp 12A2, Trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Glei chia sẻ: Trong 3 năm học tập tại mái trường này, em và các bạn được các thầy cô tận tâm dạy dỗ, giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Thầy cô cũng dành thời gian chăm lo ân cần, chu đáo cho chúng em trong việc ăn, ở nội trú. Em sẽ cố gắng học tập tốt để có thể hiện thực được ước mơ làm giáo viên trong tương lai.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh- Tổ trưởng tổ Ngữ văn-Ngoại ngữ, cho hay: Đội ngũ giáo viên của nhà trường thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực, qua đó thực hiện rất hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học theo hình thức lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên chúng tôi luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ với học sinh, khích lệ các em nỗ lực học tập, rèn luyện để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn, cống hiến cho quê hương, đất nước nhiều hơn.

Những năm gần đây, chất lượng giáo dục toàn diện tại Trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Glei đạt nhiều kết quả rất tích cực; 3 năm liền nhà trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đạt 100%; hằng năm, nhà trường đều có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; nhiều em đạt giải cao tại các cuộc thi thể dục, thể thao do ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các DTTS tại chỗ được nhà trường chú trọng và khuyến khích thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể, phong phú. Nhà trường vinh dự đạt giải Nhất tại Hội thi cồng chiêng-xoang học sinh trường Phổ thông DTNT, Phổ thông dân tộc bán trú do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 11/2022.

Phòng ở cho các em học sinh nội trú. Ảnh: TL 

 

Đáng chú ý, hàng năm nhà trường có trên 60% học sinh khối 12 đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Nhiều em học tập xong về công tác, làm việc tại địa phương; một số em phát huy được năng lực, đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước.

Thầy giáo Phạm Ngọc Tuấn- Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Glei cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng nhân lực, tạo nguồn cán bộ DTTS cho địa phương, trong thời gian đến, Trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Glei tăng cường các giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về “nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, chú trọng đảm bảo học 2 buổi/ngày cho học sinh; đánh giá năng lực của từng đối tượng học sinh để có kế hoạch phù đạo, bồi dưỡng hợp lý; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho học sinh. Tổ chức tốt việc ăn, ở nội trú cho học sinh; phân công giáo viên quản lý, hướng dẫn học sinh tự học vào ban đêm. Đồng thời, nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giảng dạy; tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khóa để các em học sinh rèn luyện kỹ năng sống, phát triển toàn diện.

Tấn Lộc

Chuyên mục khác