Nỗi buồn mang tên “lạm thu”

25/10/2022 06:07

Nếu các trường học chỉ chú ý đến huy động tài chính, lạm thu, thu các khoản trái quy định thì đó sự bóp méo nội dung của xã hội hóa giáo dục. Và nếu cứ như vậy, vào mỗi đầu năm học mới, nỗi buồn mang tên “lạm thu” vẫn mãi kéo dài…

Tôi không bất ngờ khi cậu con trai đang học một trường THCS trên địa bàn thành phố Kon Tum mang về 120 nghìn đồng (được bỏ cẩn thận vào bì thư) bảo là cô giáo gửi lại tiền thu hôm đầu năm. Cu con có giải thích nhưng không được rõ ràng, riêng tôi cũng như các bậc phụ huynh không chỉ trong lớp mà cả trong toàn trường đều hiểu và nắm rõ, vì giáo viên chủ nhiệm đã nhắn trên Zalo nhóm phụ huynh của lớp (Lớp trả lại khoản thu 80 nghìn đồng phí liên lạc điện tử và 40 nghìn đồng quỹ Đội) với lý giải: nhà trường sẽ xây dựng lại cách thức liên lạc giữa nhà trường – phụ huynh; và Đội sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện quỹ kế hoạch nhỏ khi có văn bản chỉ đạo. 

Vì sao tôi không quá bất ngờ? Thứ nhất là hai khoản thu nhà trường trả lại tiền không thuộc vào nhóm các danh mục được thu vào đầu năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ hai, phần thu quỹ Đội sẽ thuộc về trách nhiệm của Đội (mà cụ thể về từng lớp là chi đội, ban chỉ huy chi đội, chi đội trưởng) thu theo hình thức nào (tiền mặt theo từng tháng, từng quý hay thông qua kế hoạch nhỏ); còn về phần liên lạc điện tử thì khi việc chuyển tải thông tin thông qua các nhóm zalo hết sức thuận tiện, đến với đông đảo phụ huynh, học sinh ngay trong từng nhóm lớp thì thông tin liên lạc điện tử như những năm trước đây với mức phí khá cao mà hiệu quả lại thấp dần không còn phù hợp. Biết là vậy, nhưng trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm thông qua danh sách các khoản thu đầu năm (trong đó hai khoản thu như vừa nêu) thì hầu như tất cả số phụ huynh có mặt đều đồng ý. Mặc dù có công việc không tham dự được buổi họp phụ huynh đó, nhưng bản thân tôi khi có thông báo nộp tiền đã chuẩn bị, nộp đầy đủ (và tất nhiên cũng không ý kiến gì thêm).

Các khoản thu thông báo trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Ảnh: N.P

 

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà một số bậc phụ huynh khác cũng vậy, biết là các khoản thu không trong quy định nhưng vẫn sẵn sàng nộp cho con trên cơ sở thống nhất các khoản thu tại buổi họp phụ huynh đầu năm. Phần vì nghĩ nộp thêm các khoản chung quy lại cũng là góp phần làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, phục vụ cho con mình được học tập tốt hơn. Phần khác thì nghĩ, cả lớp, cả trường em nào cũng đóng, có vài chục nghìn đồng, số tiền không nhiều, thôi thì đóng nộp cho con cho đàng hoàng…

Nghĩ vậy nên phụ huynh nào cũng nộp và phụ huynh nào cũng được nhận lại tiền…

Chuyện trả lại tiền cho phụ huynh không mới. Đầu năm học mới nào cũng vậy, lạm thu, thu sai các khoản, thu trên danh nghĩa “tự nguyện”, “xã hội hóa giáo dục”…. vẫn mãi chưa có hồi kết. Chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có công văn 4185/BGDĐT –VP đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động đầu năm học, trong đó có việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. UBND tỉnh cũng đã có văn bản 3234/UBND-KGVX, trong đó có nội dung “tuyệt đối không để phát sinh các khoản thu ngoài quy định, gây bức xúc trong cha mẹ học sinh và xã hội….”.

Dù chỉ đạo là vậy nhưng trên thực tế những băn khoăn, những thắc mắc về các khoản thu đầu năm vẫn còn đâu đó trong các bậc phụ huynh. Thắc mắc quỹ lớp, quỹ hội mức đóng cao thế, sao lại có thêm khoản đó, khoản kia. Băn khoăn ở chỗ xã hội hóa giáo dục được “đẩy” sang Hội cha mẹ học sinh để hợp thức hóa; băn khoăn vì mặc dù 100% phụ huynh “tự nguyện” nhưng lại là tự nguyện có “định mức”, tự nguyện nhưng thiếu thuận lòng… Trường học con trai tôi là một ví dụ. Hay như một số trường học trên địa bàn huyện Sa Thầy mà báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, ngoài các khoản thu như quỹ lớp, quỹ trường, còn có thêm khoản thu “xã hội hóa”, “vận động tài trợ” theo hình thức “tự nguyện”…

Không ít phụ huynh cho rằng, việc chăm lo, bảo đảm điều kiện cho con em mình học tập là trách nhiệm, nghĩa vụ và nguyện vọng chính đáng của các bậc làm cha mẹ song không thể không băn khoăn, suy nghĩ trước các khoản đóng góp cho con, mà trong đó có những khoản được định danh là “tự nguyện”, “xã hội hóa giáo dục”…

... và thông báo trả lại tiền. Ảnh: NP

 

Công bằng mà nói xã hội hóa giáo dục là việc làm cần thiết nhằm huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Bởi, trong điều kiện ngân sách đầu tư còn hạn chế, nếu không làm tốt công tác này thì làm sao có thể xây dựng một xã hội học tập; mặt khác, xã hội hóa giáo dục tốt sẽ tạo điều kiện để các em học tập, vui chơi - đây là mong ước của toàn xã hội. Trong quá trình huy động xã hội hóa giáo dục có 2 nguồn lực: nguồn lực vật chất (tài lực, vật lực, nhân lực, đất đai, trường sở, trang thiết bị,...) phục vụ giảng dạy và học tập; nguồn lực phi vật chất (việc tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, các yếu tố tinh thần, sự ủng hộ chủ trương giáo dục, sự tư vấn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm)... 

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, các nhà quản lý giáo dục cấp cơ sở chưa tập trung đúng mức để khai thác các nguồn lực mà chỉ chú trọng vào những đóng góp của phụ huynh học sinh. Vậy nên dường như mỗi khi nhắc đến cụm từ “xã hội hóa giáo dục” đầy nhân văn thì không chỉ đa phần người dân mà cả giáo viên đều nghĩ đến hai chữ: đóng tiền.

Huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục là một chính sách đúng; nhưng, nếu các trường học chỉ chú ý đến huy động tài chính, lạm thu, thu các khoản trái quy định thì đó sự bóp méo nội dung của xã hội hóa giáo dục. Và nếu cứ như vậy, vào mỗi đầu năm học mới, nỗi buồn mang tên “lạm thu” vẫn mãi kéo dài… 

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác