Nỗ lực xóa mù chữ trong vùng đồng bào DTTS

04/01/2024 06:11

Xóa mù chữ cho đồng bào DTTS là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Với đặc thù là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 54%, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh cùng các cấp chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác xóa mù chữ và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tỉnh ta có đông đồng bào DTTS sinh sống với nhiều xã đặc biệt khó khăn nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới; trong đó có những thôn, làng vẫn còn có những người dân chưa biết chữ, dù chính quyền cơ sở và ngành Giáo dục rất quan tâm triển khai công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD,XMC).

Xác định công tác PCGD, XMC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, tỉnh ta huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ mạnh dạn đăng ký ra lớp học.

Các lớp học sáng điện mỗi tối cho người lớn ở các thôn làng không còn xa lạ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BC

 

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác PCGD, XMC trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, xem công tác PCGD, XMC là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Nhờ vậy, hiện nay các lớp học dành cho người lớn tuổi sáng điện mỗi tối ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã không còn xa lạ trên địa bàn tỉnh. Các lớp xóa mù chữ liên tục được mở đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí ở các địa phương cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. 

Mặc dù năm nay đã ngoài 55 tuổi, nhưng bà Y Phiên ở thôn Đăk Chun, xã Măng Bút (huyện Kon Plông) các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần vẫn đều đặn đến lớp học để tìm con chữ.

Bà Y Phiên cho biết: Ban ngày chúng tôi bận phải đi làm rẫy, buổi tối đúng 18 giờ là chúng tôi vào lớp học. Có những hôm trời mưa lạnh, đường sá trơn, nhưng chúng tôi vẫn soi đèn đến lớp học, bởi cô giáo đang trông chúng tôi đến học chữ. Do tuổi đã cao, tay chân quen làm rẫy nên việc học chữ đối với tôi khó khăn hơn những người nhỏ tuổi, nhưng với sự giúp đỡ, động viên tận tình của các giáo viên, tôi tự nhủ rằng cố gắng học tập để biết đọc, biết viết; hơn thế, sau này có thể học hỏi nhiều kiến thức để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, giúp gia đình bớt khổ cực. Đến nay tôi đã biết đánh vần và biết viết tên của mình.

Để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, giáo viên của các lớp XMC phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để các học viên dễ hiểu, dễ nhớ.

Nhiều người tuổi cao vẫn chuyên cần đến lớp tìm con chữ. Ảnh: BC

 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng- Trưởng Phòng Quản lý chất lượng và Giáo dục chuyên nghiệp của Sở GD&ĐT cho biết: Theo kế hoạch, trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh mở 68 lớp xóa mù chữ với khoảng 1.729 học viên, trong đó huyện Sa Thầy mở 17 lớp với 480 học viên; huyện Đăk Glei mở 4 lớp với 96 học viên; huyện Tu Mơ Rông mở 2 lớp với 60 học viên; huyện Đăk Hà mở 33 lớp với 754 học viên; huyện Kon Plông mở 5 lớp với 129 học viên; huyện Kon Rẫy mở 4 lớp với 110 học viên và huyện Ngọc Hồi mở 3 lớp với 100 học viên.  

Qua triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ, nhiều người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS giờ đây đã dễ dàng hơn khi tiếp cận các thông tin mới để phát triển kinh tế. Nhờ chú trọng công tác xóa mù chữ, nên tỷ lệ người trong độ tuổi biết chữ ở tỉnh đã tăng cao trong những năm gần đây.

Đến nay, số người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đã đạt 98,5%; chuẩn biết chữ mức độ 2 là 95,89%. Trong năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên theo học, bảo đảm số lượng và chất lượng, nhằm củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ mức độ 2 và nâng cao tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi 15-60.

Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCGD, XMC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công bằng trong giáo dục và thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Bảo Châu

Chuyên mục khác