Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

02/01/2021 06:15

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong năm 2020, tỉnh ta đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nỗ lực xây dựng nền tảng phát triển chính quyền điện tử và một số hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Dấu ấn rõ nét nhất trong xây dựng chính quyền điện tử năm 2020 là hoàn thành và đưa hệ thống Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (giai đoạn 1) vào vận hành. Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Kon Tum được xây dựng hướng tới mục tiêu phát triển địa phương thông minh và xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp. Trung tâm là nơi tổng hợp, chỉ huy, điều hành toàn bộ các hoạt động của tỉnh thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, phân tích, xử lý, đưa ra các báo cáo, quyết định và chỉ huy các hoạt động của tỉnh, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 52, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Đây là nền tảng để có thể tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh vào hệ thống nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh được đưa vào sử dụng. Ảnh: PN 

 

Tỉnh cũng chú trọng triển khai hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động của cơ quan nhà nước theo hướng nhanh chóng, công khai, minh bạch. Cụ thể, tập trung cập nhật kịp thời thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, tin tức sự kiện, thời sự chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Tính đến ngày 25/11, đã cập nhật lên Cổng thông tin điện tử tỉnh 1.532 tin, bài các loại, bình quân 139 tin bài/tháng; đăng tải 1.581 văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và 87 dự thảo văn bản để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân theo quy định .

UBND tỉnh  phê duyệt cung cấp trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh 725 dịch vụ trực tuyến (trong đó, 310 dịch vụ công mức độ 3 và 415 dịch vụ công mức độ 4). Đến nay, đã tích hợp công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 251 dịch vụ công và đang tiếp tục đề nghị tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia thêm trên 200 dịch vụ công, nâng tổng số dịch vụ công mức độ 3, 4 đề nghị tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 465 dịch vụ công.

Bên cạnh đó, tiếp tục sử dụng, vận hành và khai thác có hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice). Tính đến nay, đã cấp tổng cộng 5.672 tài khoản cho CB,CC,VC của 22 đơn vị cấp tỉnh, 10 đơn vị cấp huyện/thành phố, 102 xã/ phường/ thị trấn sử dụng. Hệ thống đã triển khai kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia và đáp ứng yêu cầu liên thông văn bản 4 cấp. Trong năm 2020 (tính đến ngày 30/11), đã tiếp nhận 19.963 văn bản đến; phát hành 7.420 văn bản đi, trong đó văn bản có ký số là 7.383 (đạt tỷ lệ 99%) và được gửi đi thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Nhằm đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả, tăng số lượng đại biểu dự họp, lại tiết kiệm được thời gian, chi phí, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Theo thống kê, trong năm 2020, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của UBND tỉnh đã phục vụ 93 cuộc họp trực tuyến (56 cuộc họp của Trung ương với tỉnh và 37 cuộc họp nội tỉnh). Ngoài ra, đã triển khai thử nghiệm giải pháp họp trực tuyến qua phần mềm VNPT Meeting nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh kịp thời, hiệu quả.

Có thể thấy rằng từ khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động, cùng với đó là xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để tiếp nhận, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã thì việc giải quyết các TTHC đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân, doanh nghiệp. Từ ngày 1/1 đến ngày 18/11, tổng số hồ sơ giải quyết TTHC thông qua Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh là 61.877 hồ sơ, trong đó, 56.714 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp, 51.592 hồ sơ từ kỳ trước chuyển sang, 3.571 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Ngoài ra, còn triển khai ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR code qua Zalo) được nhanh chóng, hiệu quả…

Những kết quả đạt được bước đầu trong xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua của tỉnh ta đã nhận được những đánh giá tích cực của người dân, doanh nghiệp. Với mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, phát triển toàn diện, vững chắc, việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử sẽ tiếp tục mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu giải quyết các dịch vụ công của các tổ chức, cá nhân.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác