Nỗ lực thoát nghèo

25/01/2022 06:03

Với 1,5ha cà phê, hàng chục con trâu và heo làng, trồng gần 5 sào đương quy, gia đình A Vương (thôn Đăk Ne, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) đã tìm được hướng đi để thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.

A Vương sinh ra và lớn lên ở thôn Kon Năng, xã Măng Cành (huyện Kon Plông). Năm nay, anh 36 tuổi. Sau khi lấy vợ, anh chuyển qua nhà vợ ở thôn Đăk Ne (xã Măng Cành) sinh sống.

Bố vợ đã mất nên anh A Vương trở thành người đàn ông trụ cột và là lao động chính của gia đình. Được mẹ vợ để lại cho 3 sào ruộng, anh chịu khó trồng cây lúa để có gạo ăn. Ngoài ra, vợ chồng anh tích cực đi làm thêm phụ hồ và làm thuê ở rẫy của người khác để kiếm tiền nuôi gia đình.

Năm 2008, anh quyết định vay 50 triệu đồng với thời hạn trả trong 3 năm dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông, cùng số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng, anh A Vương mua 2 con trâu giống rồi dựng chuồng để nuôi. Anh là người đầu tiên của làng dựng chuồng để nuôi trâu. Khoản tiền còn lại, anh mua vật liệu rồi làm 1 căn nhà mới bằng gỗ cho gia đình nhỏ của mình ngay bên cạnh căn nhà của bố mẹ vợ. Nhìn căn nhà gỗ mới, anh như có thêm động lực để tiếp tục quyết tâm lao động sản xuất để giúp gia đình có cuộc sống đỡ khó khăn hơn.

Anh A Vương chăm sóc vườn đương quy xen canh cà phê. Ảnh: Đ.T

 

Anh A Vương kể lại: Con trâu là đầu cơ nghiệp, giúp mình làm ruộng, bớt công lao động nên mình phải chịu khó, chăm sóc bài bản, nuôi nhốt có chuồng trại để bảo đảm trâu luôn khỏe mạnh. Ở Đăk Ne, Kon Năng, Kon Du hay những thôn, làng khác trong xã Măng Cành, mọi người nuôi trâu hay chăn thả, đến mùa đông mưa rét kéo dài, trâu hay bị chết vì đói lạnh. Vì vậy mình tìm hiểu rồi dựng chuồng nuôi trâu vừa tiện chăm sóc, vừa bảo vệ khi mùa đông giá rét.

Những năm tiếp theo, việc làm thuê, nuôi trâu của gia đình anh A Vương gặp nhiều thuận lợi. Nhờ làm công tốt nên số lần được thuê và tiền công nhận được của anh chị tăng dần. Trung bình mỗi năm, gia đình A Vương bán được 1-2 con trâu trưởng thành, thu về khoản tiền từ 30- 60 triệu đồng.

Nuôi trâu hiệu quả, anh A Vương tiếp tục lấy tiền tích góp được, đầu tư dựng chuồng và mua 2 con heo cái giống bản địa về nuôi trong khuôn viên phía sau nhà ở.

Nuôi nhốt heo và trâu, anh A Vương tận dụng nguồn nguyên liệu thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Anh cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc xin phòng bệnh cho con vật đầy đủ. Đàn trâu và đàn heo cứ thế sinh trưởng khỏe mạnh, phát triển tăng số lượng con lên từng năm. Riêng đàn heo với 4 con heo nái, mỗi năm sinh sản gần 60 heo con, giúp anh A Vương có thêm khoản thu nhập hàng chục triệu đồng từ việc bán heo giống và heo nuôi lấy thịt.

Từ nguồn thu hàng năm nhờ nuôi heo và trâu, năm 2017, anh A Vương đầu tư mua 1,5ha đất rẫy để trồng cây cà phê xứ lạnh. Sau 2 năm, vườn cà phê mang lại cho gia đình từ vụ thu bói 15 triệu đồng, đến năm 2020 thu được 30 triệu đồng và năm 2021 thu hơn 50 triệu đồng.

Nỗ lực lao động sản xuất, năm 2018, gia đình anh A Vương chính thức thoát nghèo. Ảnh: ĐT

 

Thấy địa phương khuyến khích người dân trồng cây sâm dây và đương quy, năm 2018, anh A Vương quyết định tìm hiểu cách chăm sóc và đầu tư mua cây giống sâm dây và đương quy về trồng trên diện tích 4 sào đất rẫy.

Ban đầu, anh A Vương trồng 2 sào sâm dây và hơn 2 sào đương quy chuyên canh. Nhưng sau 1 năm thu hoạch, thấy được những ưu, nhược điểm và lợi thế tiêu thụ của từng loại cây, A Vương quyết định tập trung trồng cây đương quy trên toàn bộ diện tích hơn 4 sào trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, anh còn trồng cây đương quy xen canh với cây cà phê.

“Trong 2 vụ thu hoạch của năm 2019 và năm 2020, từ hơn 4 sào trồng cây sâm đương quy của gia đình, mỗi vụ mình thu được 2 tấn gốc và củ cùng 1 tấn thân và lá. Bán cho các thương lái và hợp tác xã thu mua theo giá thị trường, 25 triệu đồng/tấn gốc củ và 3 triệu đồng/tấn thân lá”, anh A Vương cho hay.

Anh A Vương chia sẻ, cây đương quy có chi phí đầu tư không cao, không tốn nhiều công chăm sóc. Khi trồng xen canh với cây cà phê, anh khai thác sử dụng được hết diện tích đất rẫy, cây đương quy cũng hưởng lợi khi anh bón phân cho cây cà phê.

Anh A Vương bộc bạch, phải thật sự quyết tâm và nỗ lực lao động sản xuất, dám nghĩ dám làm, mới gặt hái được thành công, thoát nghèo và từng bước ổn định đời sống gia đình. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh cũng có tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Mai Hoàng Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết, anh A Vương trước kia là trưởng thôn Đăk Ne và hiện nay đang là Trưởng ban công tác mặt trận của thôn. Anh có nhiều nỗ lực trong việc phát triển kinh tế, giúp gia đình thoát nghèo vào năm 2018. Là cán bộ thôn, anh còn tích cực trong công tác tuyên truyền vận động thực hiện theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất và thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả.

Đức Thành

Chuyên mục khác