Nỗ lực khắc phục thiếu giáo viên

06/05/2023 13:54

Suốt trong năm học qua, dù thiếu giáo viên nhưng ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện linh hoạt các biện pháp như thực hiện dồn lớp, sáp nhập trường, điều chuyển bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo công tác giảng dạy cũng như chất lượng giáo dục.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, toàn tỉnh thiếu gần 1.000 giáo viên, chủ yếu ở cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (THCS). Cụ thể, cấp mầm non thiếu trên 440 giáo viên, tiểu học thiếu gần 390 giáo viên và THCS thiếu trên 140 giáo viên. Trước tình trạng thiếu giáo viên, ngành Giáo dục tỉnh và các huyện, thành phố đã tiến hành tuyển dụng theo chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên cũng không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với các huyện vùng sâu, vùng xa.

Đơn cử như ở tại huyện Tu Mơ Rông, nhu cầu xét tuyển 200 chỉ tiêu nhưng sau đó chỉ có vài chục hồ sơ đăng ký. Thậm chí, chỉ tiêu giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học nhu cầu nhiều nhưng lại quá ít hồ sơ nên không thể tuyển được số lượng giáo viên cần tuyển. Bên cạnh đó, có những người trúng tuyển sau một thời gian giảng dạy thì tìm cách xin về vùng thuận lợi hoặc nghỉ việc vì điều kiện làm việc khắc nghiệt, vất vả mà chế đãi ngộ quá thấp.

Khó tuyển dụng giáo viên về các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Ảnh: H.N

 

Trước tình trạng đó, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp khắc phục để bảo đảm công tác giảng dạy. Đơn cử ở huyện Đăk Tô, với số lượng học sinh hiện có thì so với định mức vẫn còn thiếu 160 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. Việc thiếu giáo viên gây khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Mặc dù thiếu vậy, nhưng năm học này, Đăk Tô lại không có chỉ tiêu tuyển thêm giáo viên. Vì vậy, buộc ngành Giáo dục huyện phải triển khai các biện pháp linh hoạt để khắc phục, đảm bảo cho công tác giảng dạy.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Tô cho biết: Phòng đã chủ động triển khai phương án sắp xếp bố trí giáo viên tăng giờ, tăng tiết; đồng thời, hợp đồng giáo viên dạy tự chọn môn tiếng Anh cho các lớp 4 và lớp 5 tại các trường vùng thuận lợi. Ưu tiên bố trí giáo viên biên chế dạy môn Tin học và tiếng Anh lớp 3, điều chuyển giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học lớp 3 dạy liên trường trên cùng địa bàn xã, thị trấn để đảm bảo điều tiết trường thừa, tiết thiếu đối với môn tiếng Anh, Tin học lớp 3.

Tuy nhiên, theo thầy Hùng đó chỉ là giải pháp trước mắt và trong thời gian ngắn, chứ nếu kéo dài, giáo viên sẽ rất vất vả, khó có thể chịu đựng trong thời gian dài.

Tương tự, năm học 2022- 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum thiếu 159 giáo viên, trong đó, thiếu 121 giáo viên mầm non và 38 giáo viên tiểu học. Để đảm bảo công tác giảng dạy cũng như chất lượng học tập, Phòng Giáo dục và đào tạo đã sắp xếp, sáp nhập 7 điểm trường, điều chuyển giáo viên; bố trí giáo viên dạy liên trường và bố trí giáo viên môn tiếng Anh, Tin học cấp trung học cơ sở dạy cấp tiểu học.

Đăk Tô nỗ lực khắc phục thiếu giáo viên. Ảnh: HN

 

Tuy nhiên, theo ông Thái Khắc Hòa- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum, đây cũng là giải pháp tình thế, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết việc thiếu giáo viên. Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị cấp trên xem xét bố trí, bổ sung chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục thành phố để đảm bảo theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ.

Trước tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên về các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu trên địa bàn tỉnh, mới đây, tại Hội nghị phát triển giáo dục Tây Nguyên (diễn ra cuối tháng 3/2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức),  đồng chí Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, trong đó, có cơ chế đặc thù để khuyến khích  giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS như chính sách thu hút, chính sách tiền lương, hoàn thiện chính sách tuyển dụng đối với đối tượng đào tạo theo địa chỉ cử tuyển đối với đội ngũ nhà giáo là người DTTS dạy trẻ em người DTTS. Ngoài ra, đề nghị Bộ Nội vụ không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo lộ trình. Không cắt giảm số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục tỉnh Kon Tum nhằm đảm bảo số lượng giáo viên cho công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.      

Hà Nam

Chuyên mục khác