Nỗ lực đưa tiền hỗ trợ đến với người dân đang gặp khó khăn

11/05/2020 06:03

Hiện nay, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng của tỉnh phối hợp triển khai thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ trên tinh thần khẩn trương, chính xác, với phương châm vừa tiến hành hỗ trợ, vừa rà soát bổ sung danh sách đảm bảo không bỏ sót đối tượng thụ hưởng và không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.

Ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để tạo thuận tiện cho các địa phương trong quá trình triển khai từ công tác rà soát, thống kê, niêm yết danh sách đến việc chi tiền cho các đối tượng theo quy định. Tất cả những việc đó nhằm giúp quá trình triển khai thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, không sai sót, không để có người lợi dụng, trục lợi chính sách.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phân công cán bộ phụ trách từng mảng, từng lĩnh vực phối hợp với Tổ giúp việc Ban chỉ đạo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp nhận, giải đáp các ý kiến thắc mắc của người dân về việc triển khai thực hiện chính sách.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành thành lập các tổ kiểm tra, hướng dẫn các thủ tục kê khai đến các đối tượng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thực hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong triển khai thực hiện gói hỗ trợ các đối tượng theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Chính phủ.

Cấp tiền hỗ trợ người có công tại phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum). Ảnh: Minh Phượng

 

Thống kê ban đầu, toàn tỉnh hiện có 172.662 đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cần được hỗ trợ với tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ là 237,581 tỷ đồng. Cụ thể, có 3.980 người thuộc nhóm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thoả thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 5.880 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4, 28.149 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc; 5.430 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 11.920 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 117.303 người thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12.

Trong khi chờ nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, UBND tỉnh đã quyết định tạm cấp số tiền 166,3 tỷ đồng, (tương đương khoảng 70% nhu cầu kinh phí) nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Số tiền này được giao cho các đơn vị, địa phương để thực hiện chi trả 1 lần kinh phí hỗ trợ 3 tháng cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và chi trả cho các đối tượng còn lại theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, nhưng không quá 3 tháng.

Trước mắt, các địa phương tiến hành giải quyết cho đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, bởi đây là nhóm đối tượng các địa phương có danh sách quản lý chi trả trợ cấp hàng tháng. Tính đến ngày 5/5, 7/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tiến hành chi trả cho gần 48.000 người với số tiền hỗ trợ là 35,5 tỷ đồng; quá trình chi trả bảo đảm an toàn về nguồn tiền, đúng người, đối tượng thụ hưởng.

Cùng với quá trình thực thi chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê các đối tượng còn lại liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể để làm căn cứ triển khai hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Trung Thuận, mặc dù các địa phương trên địa bàn tỉnh đang rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ; tuy nhiên, việc rà soát, xác định và phân loại đối tượng được hưởng trợ cấp do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gặp nhiều khó khăn, vì thời gian triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP ngắn mà số lượng đối tượng được hưởng hỗ trợ nhiều, có nhiều loại đối tượng. Riêng đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, một số địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát thêm một lần nữa, rà từng hộ, từng khẩu để tránh trùng lặp. Bởi, việc rà soát, thống kê người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc là rất khó. Ngoài ra, việc phối hợp rà soát các hộ kinh doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng, các doanh nghiệp, người lao động mất việc, thiếu việc, ngừng việc, bị giảm sâu thu nhập cũng rất phức tạp và mất nhiều thời gian thẩm định, xác nhận qua các ngành chức năng, UBND xã, phường, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố…Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến, kiến nghị lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có hướng dẫn cụ thể làm cơ sở triển khai thực hiện.

Việc chính quyền các cấp và ngành chức năng nỗ lực để sớm đưa tiền hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ đến với những đối tượng khó khăn là việc làm hết sức quan trọng nhằm góp phần giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống và thể hiện chính sách an sinh xã hội ưu việt của Nhà nước. Tuy nhiên, “để không ai bị bỏ lại phía sau”, ngoài trách nhiệm của các địa phương và các ngành chức năng, người dân cần chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để đăng ký kê khai các thông tin theo đúng biểu mẫu quy định để được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời. 

Thùy Hương

Chuyên mục khác