Nỗ lực cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS

31/05/2023 06:05

Là tỉnh miền núi, có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, do đó, cùng với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, nhất là trẻ em DTTS luôn được tỉnh ta quan tâm với nhiều chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng cho trẻ.

Theo đó, ngành Y tế triển khai lồng ghép tư vấn xét nghiệm HIV và các biện pháp giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị sớm ARV cho phụ nữ nhiễm HIV. Truyền thông giáo dục dinh dưỡng, vận động phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi, tổ chức nói chuyện chuyên đề “chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”, phát động tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển”.

Nâng cao chất lượng bữa ăn giúp giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng DTTS. Ảnh: T.H

 

Để góp phần phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ, các trạm y tế duy trì công tác theo dõi cân nặng và chiều cao, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và theo dõi tăng trưởng của trẻ em; đảm bảo trên 90% trẻ em dưới 2 tuổi được cân, đo ít nhất 3 tháng/lần, 95% trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi được theo dõi về dinh dưỡng hàng tháng.

Từ năm 2021 đến nay, ngành Y tế còn triển khai chương trình giám sát và can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp tại 41 trạm y tế xã vùng có đông đồng bào DTTS, tiến hành bổ sung đa vi chất trẻ em cho trẻ ở các huyện Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Đăk Glei, Kon Rẫy; sàng lọc và đưa vào điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với 151 trẻ, cấp tính vừa đối với 733 trẻ.

Bên cạnh đó, ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình vườn- ao- chuồng giúp cải thiện thu nhập và tạo nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng cho gia đình. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là các phụ nữ có con nhỏ lựa chọn, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn sẵn có để tổ chức bữa ăn gia đình đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và an toàn.

Nhờ đó, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em có sự cải thiện đáng kể trong khoảng 5 năm trở lại đây. Năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh là 38,1%, năm 2022 giảm xuống mức 32,7%.

Triển khai nhiều hoạt động để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng DTTS. Ảnh: T.H

 

Tuy có giảm, nhưng theo đánh giá của Sở Y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức khá cao và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương trong tỉnh, tập trung nhiều ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Bởi, ở các khu vực này, điều kiện kinh tế nhiều gia đình khó khăn, không có điều kiện cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ; người dân thiếu kiến thức về dinh dưỡng, một số nơi còn duy trì những tục tập lạc hậu làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông, theo dõi tăng trưởng trẻ em nhiều nơi còn thiếu, không đáp ứng được công tác cân, đo trẻ định kỳ.

Để tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng khó khăn, DTTS, từ năm 2022, tỉnh ta triển khai chương trình về phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào DTTS và miền núi (Kế hoạch số 1479/KH-UBND, ngày 17/5/2022). Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Dự án số 7- “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, hộ nông dân nghèo và cận nghèo về các chủ trương, chính sách pháp luật, kiến thức dinh dưỡng; đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương; củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng.

Mục tiêu tỉnh ta đề ra, đến năm 2025, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống còn 29,5%, thể gầy còm xuống dưới 5,2%, trên 95% trẻ dưới 5 tuổi được bổ sung vi chất dinh dưỡng, trên 35% trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trên 50% trẻ em từ 6- 23 tháng được ăn bổ sung đúng, đủ; trên 90% hộ gia đình dùng muối i-ốt. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 2 tuổi.

Trước mắt, năm 2023, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống còn 29,8%.

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em nói chung, vùng DTTS nói riêng là giải pháp quan trọng để nâng cao sức khỏe người dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, để công tác này đạt được kết quả như mong muốn, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, mỗi gia đình và người dân.

Thiên Hương

Chuyên mục khác