Niềm vui lớn của người “gieo chữ”

21/11/2022 13:07

Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn là nghề được người dân và xã hội trọng vọng. Để được người dân và xã hội trọng vọng, đòi hỏi người thầy phải tâm huyết với nghề, hết lòng với nghề và phải biết thương yêu học sinh của mình. Đối với người thầy tâm huyết, có tâm, có tầm với nghề, thường tìm được niềm vui của mình trong quá trình “gieo chữ”, nhất là khi thấy học sinh chăm chỉ học tập, trưởng thành, biết “tôn sư trọng đạo”, trở thành người hữu ích cho xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải nói thật rằng, nghề giáo là một nghề lao động khó nhọc. Để tạo niềm hứng thú, chuyển giao kiến thức cho học sinh, đòi hỏi người thầy có tâm phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, nâng cao kiến thức, khơi mở tư duy cho học sinh chứ không chỉ giảng những gì có trong giáo trình, sách giáo khoa. Có như vậy, các em mới say mê học tập, dễ tiếp thu kiến thức, nâng cao tầm hiểu biết, để sau này có nhiều  sáng tạo, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội, của đất nước.

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”. Và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, đồng thời thấy được vai trò to lớn nghề giáo trong sự nghiệp trồng người, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, có những chủ trương, chính sách đúng đắn góp phần ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho những người làm nghề giáo, để người thầy toàn tâm với nghề. Tuy nhiên, nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục có hạn, thu nhập của nghề giáo chưa phải là cao. Mặc dù vậy, nhưng đại bộ phận những người làm nghề giáo đều xác định được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, vượt qua những khó khăn, thử thách, không để tư tưởng bị dao động, nỗ lực vươn lên hoàn tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

Học sinh một trường tiểu học ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy miệt mài học chữ trong thời điểm dịch Covid-19. Ảnh: V.N

 

Cùng với đội ngũ những người làm nghề giáo trong cả nước, những người làm nghề giáo trong tỉnh ta vẫn giữ được niềm tin yêu với nghề, vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường, miệt mài “gieo chữ” và có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp trồng người.

Từng đi công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, tôi chứng kiến những thầy giáo, cô giáo ngoài việc truyền dạy con chữ, còn chia sẻ niềm thương yêu với các em học sinh của mình như một người mẹ, người cha. Các em đau ốm không đến trường, các thầy cô đến nhà hỏi han, động viên, đưa đi trạm xá khám bệnh, lấy thuốc về cho các em uống; bỏ tiền túi ra mua cho các em cây kẹo, hộp sữa để các em bồi dưỡng, mau khỏi bệnh.

Đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, thường hay bỏ học phụ giúp gia đình, các thầy cô đến nhà khuyên nhủ, động viên gia đình, các em, hỗ trợ thêm để các em có điều kiện đến trường. Đối với các em mất cha, mất mẹ, khó có điều kiện đến trường, các thầy cô phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tìm mọi cách để an ủi, động viên, hỗ trợ các em. Có nhiều thầy cô còn bỏ tiền túi của mình ra để chia sẻ với các em, kêu gọi các mạnh thường quân quyên góp để các em được đến trường.

Tấm lòng của các thầy cô đối với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa khó kể hết. Trong một lần đi công tác ở xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei), tôi nghe một em học sinh mất cả cha lẫn mẹ nhưng được các thầy cô trong trường thương yêu đùm bọc vẫn tiếp tục đến trường đã thổ lộ: Các thầy cô ở trường thương em, thường mua thức ăn, gạo cho em nấu cơm; tặng quần áo, sách vở cho em đi học. Nếu không có các thầy cô, em khó có thể đến trường. Vừa nói, vừa rớm rớm nước mắt, em cảm ơn các thầy cô và hứa phấn đấu học tập tốt để đền đáp công ơn thầy cô.  

Do yêu cầu của nghề nghiệp, tôi quen biết nhiều thầy cô dạy học ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Có thầy cô chia sẻ rằng, không như các thầy cô ở thị trấn hay ở thành phố có điều kiện, Ngày Nhà giáo Việt Nam, các thầy thường được nhận nhiều bó hoa hồng tươi thắm, còn ở vùng sâu, vùng xa, các thầy cô chỉ nhận lời chúc mừng líu lo, lời cảm ơn, có khi chỉ là đóa hoa rừng, quả bắp, củ mì tươi do cha mẹ các em học sinh biếu. Tuy nhiên, đó là tất cả tấm chân tình, các thầy cô đều cảm thấy xúc động và coi đó niềm vui. 

Các thầy cô tận tâm, yêu nghề còn tâm sự, niềm vui lớn nhất với nghề giáo là nhìn thấy các học trò thân yêu của mình ngày càng trưởng thành, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của địa phương, đất nước.

Xin được tri ân các thầy cô giáo. Và tôi tin rằng, các thầy cô giáo tận tâm với nghề, yêu nghề vẫn luôn luôn hướng đến những điều tốt đẹp, cao cả trong sự nghiệp trồng người.  

Văn Nhiên

Chuyên mục khác