Niềm vui lao động

30/04/2017 08:08

​Mỗi người một việc, một cách làm khác nhau, nhưng những người nông dân “chân lấm tay bùn” đều có điểm chung là hăng say lao động, lấy lao động làm niềm vui, niềm hạnh phúc…

Mỗi con người ta khi sinh ra đều có những ước mơ, hoài bão cho riêng mình. Để thực hiện ước mơ đó, trước tiên chúng ta cần phải lao động, suy nghĩ làm việc hết mình để góp phần nâng cánh những ước mơ trở thành hiện thực. Vì vậy, lao động là đôi cánh của ước mơ, là cội nguồn của niềm vui và sáng tạo...

Lao động không mệt mỏi còn giúp chúng ta vơi đi những nỗi buồn, nỗi đau trong cuộc sống. Cũng chính từ lao động, chăm chỉ làm việc mà cuộc sống của chúng ta dần được cải thiện và thành quả của lao động sẽ góp phần rất lớn vào cuộc sống vật chất, tinh thần của mỗi người, mỗi gia đình.

Vâng, điều này tôi được nghe, được thấy ở rất nhiều người lao động là những thợ hồ, thợ xây. Dù cực nhọc, vất vả nhưng họ vẫn luôn nở nụ cười vui vẻ vì được làm, được lao động. Bởi, lời Bác Hồ đã dạy: “Lao động là vinh quang, có lao động phẩm giá, nhân cách con người mới được rèn luyện, nâng cao…”.

Trời nắng cháy da cháy thịt, nhưng tôi vẫn thấy chị Thừa, chị Chiếu, anh Hùng, anh Bình (ở thành phố Kon Tum) bốc từng viên gạch, xúc từng xẻng hồ mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm áo. Tuy thế, họ vẫn luôn cười nói vui vẻ, vừa để vơi đi nỗi mệt vừa nâng cao hiệu quả công việc.

Những người lao động chân tay như chị Thừa, chị Chiếu, anh Hùng, anh Bình… khiến tôi rất cảm động và khâm phục. Với họ, lao động không chỉ là niềm vui mà còn là niềm hạnh phúc.

Chị Chiếu tâm sự: Mình muốn ngày nào cũng có việc để đi làm. Đi làm vừa vui, vừa có tiền lo cho cuộc sống gia đình. Chứ mỗi ngày nghỉ là mất gần 200 ngàn rồi. Hơn nữa, mình đi làm phụ hồ quen rồi, ngày nào nghỉ là buồn lắm...

“Mỗi tháng mình cố gắng đi làm đầy đủ. Chỉ trừ có việc gia đình mình mới nghỉ thôi. Nghỉ ngày nào tiếc ngày đó. Mỗi tháng mình thường đi làm đều được từ 28-30 ngày. Vậy mà mình vẫn chưa bằng chị Thừa. Có tháng chị Thừa làm đến cả 31, 32 công (làm tăng thêm ban đêm- PV)”- chị Chiếu nói thêm.

Đúng như lời chị Chiếu nói, hơn một tháng nay, tôi được chứng kiến chị Thừa không một ngày nghỉ. Dù có hôm tôi nghe chị nói hơi mệt nhưng vẫn cố gắng đi làm. Bởi theo chị một phần do ham việc, một phần cố gắng đi làm để còn lo toan cho cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học.

Theo lời tâm sự của chị Thừa, chị không muốn nghỉ vì ở nhà cũng buồn, hơn nữa đi làm để lo cho cuộc sống, nâng cao thu nhập và điều quan trọng là nuôi hai đứa con ăn học. Với chị dù vất vả bao nhiêu chị cũng chịu được, miễn là từ thành quả lao động của mình con cái hiểu, chăm lo học tập thì đó là niềm vui nhất.

Với chị Thừa, niềm vui của chị thể hiện rõ trên ánh mắt, khuôn mặt khi chị kể với tôi về người con trai của chị luôn đứng trong tốp đầu về thành tích học tập của Trường THPT Kon Tum. Chị kể trong niềm tự hào khi khoe với tôi về những điểm thi của con mình trong các kỳ thi cho dù con chị không một ngày đi học thêm. Vâng, đó là niềm vui và hạnh phúc nhất đối với người làm cha, làm mẹ. 

Cũng trong niềm vui lao động, với chị Y Bắp (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) giờ được ăn, ở, sinh hoạt trong căn nhà to, kiên cố đầy đủ tiện nghi của gia đình và 2 người con được ăn học đàng hoàng là niềm mơ ước của nhiều người.

Chi y Băp cũng đã tạo viêc làm thường xuyên cho gần 10 người dân. Ảnh: V.P

 

Thành quả đó không ngẫu nhiên tự có mà đó là sự nỗ lực lao động, sự quyết tâm và ý chí học hỏi của chị Y Bắp. Dày công lao động trong suốt 15 năm qua, đến nay, mô hình kinh tế VACR của gia đình chị Y Bắp đã phát triển được gần 10ha; trong đó có 4,5ha bời lời, 2,3ha cà phê, 1ha mì, 1,2ha lúa nước hai vụ và khoảng gần 1ha sâm dây; mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ hiệu quả trong việc phát triển kinh tế trang trại, hiện nay gia đình chị Y Bắp không chỉ thoát khỏi cảnh đói nghèo, mà còn là một trong những hộ có thu nhập cao trong thôn Đăk Viên và ở xã Tê Xăng.

Ông Nguyễn Hạnh (50 tuổi) ở xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) là một trong những người đầu tiên đưa giống cam sành ở miền Tây Nam bộ lên miền cực bắc Tây Nguyên trồng, đã và đang mang lại thành công, mỗi năm cho thu hàng trăm triệu đồng… Với sự dày công, miệt mài lao động, hiện nay ngoài 2ha cam sành ở huyện Đăk Hà, ông Hạnh còn đầu tư trồng 21ha cây ăn quả các loại tại Măng Đen (huyện Kon Plông) đã và đang mang lại hiệu quả giúp cuộc sống gia đình ông sung túc hơn.

Ông Hạnh bên vườn cam sành ra trái sắp cho thu hoạch. Ảnh: V.P

 

Hay trường hợp của ông Nguyễn Văn Thành (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà), giờ đây trang trại tổng hợp rộng hàng chục héc ta của gia đình ông là điểm được huyện, tỉnh thường xuyên đưa các đoàn trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi. Lẽ dĩ nhiên, để có được thành quả đó không phải đơn giản, ông Thành đã phải miệt mài xây dựng, tích cực lao động hàng chục năm nay mới được. Tuy vậy, niềm vui lớn nhất với ông là sự lao động miệt mài ấy đã được đền đáp.

Nhờ tích cực lao động nên thành quả đã đến với những trường hợp chúng tôi nêu trong bài viết này. Đây chính là một trong những ví dụ điển hình của niềm vui có được từ lao động chân chính.

Văn Phương

Chuyên mục khác