Niềm tin đi tới

02/09/2019 06:05

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang vững tin bước vào chặng đường mới, tiếp tục đưa Kon Tum phát triển giàu mạnh.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum ghi nhớ: Tháng Tám năm 1945, cách mạng có mặt tại Kon Tum nhờ một bộ phận của quân khởi nghĩa ở huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) tiến lên theo hướng huyện Kon Plông và một phần lực lượng do Ủy ban Cách mạng lâm thời Pleiku hỗ trợ tại thị xã Kon Tum. Việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, đoàn kết Kinh-Thượng, khởi nghĩa giành chính quyền từ tay quân Nhật đã diễn ra thuận lợi. Ủy ban Cách mạng lâm thời được thành lập với nòng cốt là nhóm trí thức gồm các ông Võ Văn Dật, Hoàng Lẫm, Tôn Thất Hy… Mít-tinh trọng thể đã được tổ chức tại cửa ngõ vào trung tâm tỉnh lỵ, nay thuộc khu vực Công viên Giọt nước-bờ Bắc cầu Đăk Bla.

Cách mạng Tháng Tám đã mở đường cho nhân dân vùng cực Bắc Tây Nguyên bước vào những chặng đường mới, kiên trì đấu tranh cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 và cùng cả nước bước vào công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Một góc thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: Duy Tuyên

 

Trong tâm trí của bà Y Giáo và người dân ở làng Kon Sà Côi, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc thoát khỏi sự thống trị của chế độ phong kiến và ách đô hộ của thực dân; trải qua bao gian khổ, hy sinh của nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào, mới có cuộc sống hòa bình, độc lập và phát triển như ngày nay. Ở ngôi làng nhỏ của bà, cuộc sống đã đổi thay trông thấy. Không chỉ làm ruộng, làm rẫy, đánh cá trên sông Đăk Pne, Đăk Snghé, Đăk Bla; bà con còn được Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường bê tông, lắp đặt lưới điện, hệ thống nước sạch. Con em có trường lớp khang trang để học hành. Người dân ốm đau được chữa bệnh; khó khăn được hỗ trợ trồng cây cao su, cà phê... để phát triển kinh tế gia đình. Gia đình bà Y Giáo là một trong số hộ gương mẫu giảm nghèo, sản xuất khá của địa phương.

Đi lên từ thực trạng hạ tầng thấp kém, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND- UBND tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, chung tay nỗ lực tạo sự chuyển biến vượt bậc; đạt nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng.

Thành phố bên sông Đăk Bla. Ảnh: Thế Binh 

 

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm luôn được duy trì trên 9%. Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2015-2020), mặc dù gặp nhiều khó khăn, song trong năm 2018, thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đã đạt hơn 2.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 37,49 triệu đồng/người/năm. 

Mọi tiềm năng, thế mạnh đã được tập trung khai thác, phát huy hiệu quả phục vụ yêu cầu giảm nghèo và phát triển bền vững. Nhiều đề án, phương án phát triển nông- lâm nghiệp được triển khai, nổi bật là kết quả thực hiện đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, đề án giao rừng, cho thuê rừng, phương án thí điểm giao rừng gắn với cộng đồng, gia đình; phương án nâng cao chất lượng đàn bò địa phương... Toàn tỉnh hiện có hơn 74.000ha cây hàng năm, trên 100.000ha cây lâu năm... Hơn 193.000ha rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ. Trong đó, trên 62.600ha rừng và đất rừng được giao cho hộ dân, hơn 3.700ha rừng và đất rừng được giao cho cộng đồng thôn làng...

Quán triệt triển khai 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 của tỉnh, trọng tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và chương trình phát triển cây dược liệu gắn với chế biến, xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bước đầu thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế.

Nỗ lực thu hút các nguồn lực để thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển 3 vùng kinh tế động lực, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, xây dựng nông thôn mới-đô thị văn minh, giảm nghèo đa chiều... từng bước đạt hiệu quả.

Mùa thu hoạch trên cánh đồng xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum). Ảnh: Thế Binh

 

Lĩnh vực văn hóa-xã hội đã có nhiều chuyển biến vượt bậc. Chất lượng giáo dục toàn diện nói chung và chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS nói riêng được nâng lên đáng kể. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được cải thiện. Đã có gần 90% dân số có thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. Mạng lưới y tế cơ sở được kiện toàn, củng cố, nâng cấp... Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 17,29% và tiếp tục phấn đấu để giảm bình quân 3-4% hộ nghèo/năm trong những năm tới. Từ nền tảng đã có 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách; song phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang vững tin bước vào chặng đường mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV; chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tạo động lực tiếp tục đưa Kon Tum phát triển giàu mạnh.          

Thanh Như

Chuyên mục khác