Những vết sạt lở

22/07/2023 13:06

Những vết sạt lở ăn sâu vào bờ sông, như những cái miệng đang nham nhở cười. Trưởng thôn nói: “Hồi trước, bờ sông còn ở xa cả chục mét. Bây giờ thì sát móng nhà rồi”.

Mùa mưa lũ năm ngoái, tôi từng đến nhiều khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở, ở Sa Thầy, Tu Mơ Rông. Có khi tham gia cùng cơ quan chuyên môn, phần nhiều là tự đi.

Tại một khu vực sạt lở bên sông Đăk SNghé (huyện Kon Rẫy), khoảng 40 hộ gia đình đã quen với việc gói ghém sẵn đồ đạc, di dời đi nơi khác vì nguy cơ sạt lở đất đang hiện hữu.

Trưởng thôn dẫn chúng tôi đi xem mấy ngôi nhà nằm gần bờ sông, nhà nào cũng nằm trong diện nguy hiểm. Sau nhiều ngày mưa liên tục, nước sông dâng cao, đục ngầu, cuồn cuộn chảy xói mạnh vào bờ đất cao lở loét. 

Đó, ở cuối cùng là nhà A Trầm, bờ sông đã lở vào gần đến nhà ở rồi đó, nguy hiểm lắm- trưởng thôn chỉ. Những vết sạt lở ăn sâu vào bờ sông, như những cái miệng đang nham nhở cười.

“Hồi trước, bờ sông còn ở xa cả chục mét. Bây giờ thì sát móng nhà bếp rồi”- ông nói.

A Trầm xăng xái dẫn tôi ra sát mép sông để chỉ cho thấy vệt sạt lở mới tinh, chỉ cách móng nhà chưa tới 10m.

Sông đã ‘’nuốt’’ gần hết đất vườn nhà A Trầm. Ảnh: H.L

 

“Nó mới sạt lở vài hôm thôi, do mưa nhiều quá, đất yếu, không chịu nổi. Trước đây, đất nhà mình rộng lắm, bờ sông ở tít ngoài kia, thế mà nay đã lở đến đây rồi, mình lo năm nay sẽ đến nhà mất”.

Vậy sao A Trầm vẫn ở lại? Nhà mình thì mình vẫn phải ở chứ- A Trầm nói- mình có đất rẫy phía trên đồi, nhưng do chưa có kinh phí để làm nhà nên chưa đi.

Nhìn vậy chứ đồ đạc trong nhà mình đã gói ghém sẵn sàng rồi, chỉ cần mưa lớn là đưa đồ đạc đi gửi, đưa con cái lên ở nhờ nhà anh em ngay. Mấy năm nay đều như vậy.

Cạnh con suối nhỏ chảy len lỏi sau những ngôi nhà ở thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tôi gặp người đàn ông nhỏ thó, đen đúa đang nhổ cỏ trên mấy luống rau. Đến nay thì những cơn mưa đầu mùa vẫn chưa đủ làm cho dòng chảy lớn hơn.

Đừng nhìn thấy dáng vẻ nhỏ bé, hiền lành của nó bây giờ mà nhầm-  nói- người đàn ông nói. Vào mùa mưa, nó hung dữ lắm, nước ngập bờ, chảy siết, gây sạt lở đất vườn nhà tôi. 

Đó, những vết nứt chạy dọc kia xuất hiện vào mùa mưa năm ngoái, mai mốt không biết sẽ bị lở lúc nào, có khi đang đêm lũ về, nghe ầm một cái, sáng mai dậy đã không thấy đâu nữa- người đàn ông chỉ về bờ suối.

Tôi chụp ảnh những luống rau xanh mơn mởn nằm sát mấy vết nứt; những giàn dưa leo nở mấy chùm hoa vàng như đốm nắng vươn ra mép suối. Rồi nhận ra rằng chúng cũng thật đẹp. Nhưng rất có thể, chỉ một cơn mưa lớn, nước lũ sẽ ào tới cuốn phăng tất cả.

Mới đây, tôi trở lại những khu vực sạt lở từng đi. Vẫn gặp lại những chủ đất cũ. Chỉ có điều, các vết sạt lở mới hơn, ăn sâu vào bờ hơn.

Cần xây dựng bản đồ sạt lở. Ảnh: HL

 

Sạt lở không phải đến bây giờ mới có, mà ngày càng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, thống kê sơ bộ cho thấy có hàng chục vị trí sạt lở ven sông suối, từ thành phố Kon Tum đến các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy.

Nguyên nhân sạt lở, ngoài thiên tai, biến đổi khí hậu, còn do con người, khi từng có giai đoạn rừng đầu nguồn bị tàn phá hoặc bị suy thoái nặng nề. Nạn khai thác cát trái phép từng hoành hành cũng khiến nhiều sông, suối bị “bào mòn”, thay đổi dòng chảy, lòng sông sâu hơn, tạo ra hiện tượng “nước đói”, xâm thực bờ sông.

Đại diện Chi cục Thủy lợi cho rằng, giải pháp hiện nay là tiến hành tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở, bố trí đến nơi ở ổn định, an toàn; đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ven sông. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chống sạt lở không thể giải quyết đơn giản bằng một vài biện pháp nhỏ lẻ, mà cần có một hệ thống giải pháp chủ động và dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư trong thời gian lâu dài.

Về phía chính quyền và ngành chức năng, cần thực hiện điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở, từ đó  vẽ bản đồ sạt lở để cung cấp cái nhìn tổng thể về hiện trạng. Trong đó bao gồm cảnh báo những khu vực có nguy cơ cao để theo dõi và ứng phó.

Về phía người dân, lời khuyên của các chuyên gia là hãy cố gắng di chuyển ra khỏi những khu vực có nguy cơ ngập lụt càng sớm càng tốt và cố gắng xây dựng lại cuộc sống ở một nơi an toàn hơn.

Để thực hiện được điều này, các cấp chính quyền cần quan tâm thiết lập một kế hoạch di dời cụ thể, vừa hỗ trợ vừa đảm bảo quá trình di dời không xảy ra rủi ro về tài sản, tính mạng và tổn thất về sinh kế của người dân.

Về lâu dài, căn cứ vào bản đồ sạt lở, chính quyền địa phương có thể rà soát các điểm nguy cơ cao và quy hoạch lại các khu sinh cư sinh sống gần sông, suối, tạo hành lang an toàn.

Mùa mưa đã tới, với những dự báo không mấy lạc quan về diễn biến của nó. Bởi vậy, châm ngôn “Phòng còn hơn chống” không chỉ cần học thuộc mà còn phải được áp dụng hiệu quả.

Hồng Lam

Chuyên mục khác