Những triệu phú chân đất

20/10/2020 13:03

Mỗi người một hoàn cảnh, xuất phát điểm khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là ý chí quyết tâm, không cam chịu đói nghèo, tự lực đi lên bằng đôi chân của mình, thi đua lao động sản xuất làm giàu chính đáng. Họ là những con người giàu nghị lực, một tấm gương sáng trong phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi.

Tỷ phú từ cá

Là con lớn trong gia đình có 6 anh em, cuộc sống khó khăn nên sau khi học hết trung học phổ thông, ông Nguyễn Hữu Tá (thị trấn Đăk Hà- huyện Đăk Hà) không thi vào đại học mà đi làm thuê để kiếm sống. Ông rời mảnh đất Đăk Hà đi sang tỉnh Đăk Lăk và xin vào học việc tại Công ty Thủy sản Đăk Lăk. Sau khi tích lũy được ít kinh nghiệm và một số vốn nhỏ, năm 1994 ông Tá trở về thị trấn Đăk Hà đầu tư kinh doanh cá giống với 2 hồ chứa cá giống khoảng 15m2. Thời gian đầu, cơ sở của ông chỉ cung cấp cho một số ít hộ dân ở Đăk Hà nuôi cá. Nhưng sau đó, nhu cầu người dân ngày càng tăng, ông Tá quyết định thành lập Trung tâm cá giống. Hơn 10 năm hoạt động, trung tâm của ông là nguồn cung cấp cá giống chính cho bà con nông dân trong huyện Đăk Hà. Cứ vậy, dần dần Nguyễn Hữu Tá quyết định đầu tư cả giống cá, kỹ thuật nuôi, thức ăn cho cá và tiêu thụ sản phẩm cá thịt cho bà con nông dân. Đến năm 2019 để đáp ứng mở rộng về quy mô sản xuất kinh doanh Trung tâm cá giống Tá Tiến đã chuyển đổi mô hình trở thành Công ty TNHH MTV Tá Tiến. Như vậy, từ đầu vào lẫn đầu ra của người dân nuôi cá làm ăn với ông Tá là cả một quy trình khép kín.

Ông Tá cho biết: Với tôi, phương châm kinh doanh “dân có lợi - mình có lời, dựa vào dân và đồng hành cùng người dân” nên tôi đã tích cực phổ biến kiến thức, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho bà con, đầu tư không lấy lãi từ con giống, thức ăn cho cá, trực tiếp tư vấn kỹ thuật, bảo hành chất lượng và khi rủi ro sẽ khoanh nợ, hỗ trợ cho người chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân.

Tỷ phú từ cá Nguyễn Hữu Tá (giữa). Ảnh: V.P

 

Cũng từ việc làm đó, đến nay, riêng trên địa bàn huyện Đăk Hà, đã có khoảng 500 hộ nông dân và khoảng 50 bạn hàng trong các tỉnh, với diện tích trên 300 ha ao cá và 250 cái lồng bè…trở thành bạn hàng thường xuyên của Công ty. Theo thống kê của Công ty, giai đoạn 2000-2010, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện là 1.500 tấn/năm, giai đoạn 2010-2014 tăng lên 3.000 tấn/năm và đến giai đoạn 2014-2019 đạt 4.000 -5000 tấn/năm. Công ty TNHH MTV Tá Tiến đã tiêu thụ khoảng 60% sản lượng trên cho người dân, xuất bán, tiêu thụ ở toàn bộ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số nơi khác trong cả nước. Hiện, Công ty của ông Tá đã liên kết được với một số doanh nghiệp xuất khẩu cá đi EU để xuất bán sản phẩm ra thị trường ngoài nước.

“Bên cạnh sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn; sự đồng hành của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh và bằng sự cố gắng, tìm tòi học hỏi, mạnh dạn đầu tư, cá giống Tá Tiến đã khẳng định được uy tín và chỗ đứng của nghề nuôi trồng thủy sản” - ông Tá chia sẻ.

Cá giống Tá Tiến đã trở thành thương hiệu khá nổi tiếng không chỉ ở Kon Tum mà còn ở vùng Tây Nguyên. Nhờ cá mà ông Nguyễn Hữu Tá-Giám đốc Công ty TNHH MTV Tá Tiến từ hai bàn tay trắng đã trở thành tỷ phú với mức thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Người phụ nữ nghị lực

Chị Y Năng (48 tuổi, thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô) là một tấm gương làm giàu từ nghị lực đáng khâm phục, vừa làm kinh tế, vừa một mình tần tảo nuôi 6 người con khôn lớn.

Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị Y Năng vừa khai hoang, vừa tích cực lao động, tuy nhiên, do khó khăn về vốn, nên dù có đất sản xuất nhưng cuộc sống gia đình vẫn luôn “thiếu trước hụt sau” nhà cửa tạm bợ, con cái không được ăn no, mặc đẹp để đến trường.

Đã nghèo rồi lại gặp eo, năm 2014, chồng chị đã vĩnh viễn ra đi sau một vụ  tai nạn giao thông. Thế là một mình Y Năng thành lao động chính nuôi 6 đứa con nheo nhóc. Quá khổ vì cuộc sống, cũng đã có lúc Y Năng nghĩ đến cái chết, nhưng rồi, nghĩ về những đứa con, chị cố gượng dậy. Quyết không để các con chịu thiệt, sẵn có đất, chị lao vào làm kinh tế. Lấy ngắn nuôi dài, vừa làm, vừa tiết kiệm, chị mạnh dạn vay mượn mở rộng diện tích cây trồng, thực hiện chuyển đổi sang các loại cây trồng như cà phê, cao su...

Đến nay, chị Y Năng đã có trong tay gia tài lớn với hơn 20 ha đất canh tác các loại cây trồng, trong đó có 10 ha cao su đang khai thác, 5 ha cà phê (trong đó có 3 ha cà phê kinh doanh, 2 ha cà phê mới trồng), 5 ha mì, hơn 200m2 ao cá... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm chị Y Năng thu lãi trên 350 triệu đồng.

Với mức thu nhập ổn định như vậy, đến nay, chị Y Năng không chỉ thoát khỏi hộ nghèo mà là một trong những hộ khá giả nhất ở làng Kon Tu Dốp II và xã Pô Kô. Chị được huyện tuyên dương khen thưởng là tấm gương nông dân sản xuất giỏi.  

Không chỉ là hộ nông dân sản xuất giỏi, chị Y Năng còn luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Gia đình sống hòa thuận, đoàn kết với làng xóm, nuôi dạy con cái ngoan hiền. Đặc biệt, chị Y Năng thường xuyên hỗ trợ các hộ hàng xóm, láng giềng về cây giống, kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm để giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống...

Trưởng thôn gương mẫu

Với Thao Lợi (dân tộc Brâu, 53 tuổi, ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) không chỉ là người trưởng thôn nhiệt tình gương mẫu, mà anh còn là tấm gương trong phong trào thi đua lao động sản xuất. Hơn 10 năm làm trưởng thôn, Thao Lợi luôn được người dân tin yêu, cảm mến.

Trước đây khi chưa được người dân bầu làm trưởng thôn, gia đình anh cũng gặp nhiều khó khăn, cuộc sống luôn thiếu thốn. Nhưng kể từ khi được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, Thao Lợi luôn đắn đo, suy nghĩ, mình là trưởng thôn thì phải gương mẫu trong mọi lĩnh vực, kể cả phát triển kinh tế. “Mình có làm thì bà con mới làm theo”- Thao Lợi tự nhủ.

Thao Lợi (phải) trò chuyện với người dân làng Brâu bên mái nhà rông truyền thống. Ảnh: V.P

 

Cũng từ đó, anh cùng gia đình tích cực lao động sản xuất, trồng 2 ha mì để “lấy ngắn nuôi dài”; trồng 2 sào lúa nước để đảm bảo nguồn lương thực ổn định cho cuộc sống, đồng thời, tích cực khai hoang chuyển đổi diện tích đất sang trồng cà phê, trồng tre lấy măng và kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Sau nhiều năm miệt mài lao động, “đất không phụ công người”, hàng năm mô hình kinh tế của gia đình cho thu lời năm sau cao hơn năm trước. Từ đó, đời sống của gia đình Thao Lợi dần khá hơn và có của ăn của để. Đến nay, với hơn 2 ha mì, 2 ha cà phê, 1 sào măng tre và chăn nuôi gia súc, gia cầm mỗi năm cũng cho thu lời gần 200 triệu đồng.

Thao Lợi tâm sự: Bà con người Brâu trình độ dân trí còn thấp, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nên mình phải là người gương mẫu đi đầu để bà con học tập làm theo. Mình có kinh nghiệm rồi tuyên truyền, vận động, truyền đạt lại cho bà con cách làm ăn. Nhờ vậy đến nay, thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo trong tổng số 170 hộ.

Không chỉ sản xuất giỏi, Thao Lợi còn là người thôn trưởng tận tụy, tận tâm và trách nhiệm với công việc. Nhờ đó, năm nay, Thao Lợi vinh dự được chọn là một trong những điển hình tiên tiến của tỉnh đi dự Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam.

Những tấm gương lao động sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh như Thao Lợi, Y Năng, Nguyễn Hữu Tá thì rất nhiều. Họ chính là những con người nghị lực, ý chí, quyết tâm và là những bông hoa đẹp làm chúng ta trân trọng…  

Văn Phương

Chuyên mục khác