Những trang sử vàng

11/10/2023 06:09

60 năm qua, lính biên phòng Kon Tum không chỉ chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc, mà  luôn sẵn sàng làm "tất cả những gì có thể làm" cho đất nước, cho nhân dân.
Tuần tra bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ảnh: TH

 

1.Từ ngày 8/10/1963, khi lực lượng An ninh vũ trang- tiền thân của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum- được thành lập, đến nay đã tròn 60 năm.

Và suốt 60 năm qua, lính biên phòng Kon Tum không chỉ chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc, mà  luôn sẵn sàng làm "tất cả những gì có thể làm" cho đất nước, cho nhân dân.

Trong những năm kháng chiến vất vả, gian lao mà anh dũng, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã không ngại gian khổ, hy sinh cống hiến cho Tổ quốc, cho quê hương.

Bằng niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và lòng trung với nước, với dân, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã lập nên nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sau giải phóng lại kiên cường chiến đấu chống quân Khơ me Đỏ xâm lược bảo vệ biên giới; truy quét FULRO và bọn phản động xâm nhập chống phá cách mạng, ngăn chặn vượt biên, giữ vững an ninh biên giới.

Những thế hệ chiến sĩ thời bình cũng miệt mài theo khúc quân hành, viết tiếp trang sử, dù lặng lẽ nhưng không kém phần hào hùng, luôn đi đầu, là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, xóa đói giảm nghèo.

Ấm tình quân dân nơi biên giới. Ảnh: TH

 

Ở khu vực biên giới, dù là thôn làng xa xôi, hẻo lánh nhất đều in dấu chân chiến sĩ biên phòng. Họ cùng ăn, cùng làm, cùng ở với người dân; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Ở tất cả các mặt trận, từ giúp dân xóa đói, giảm nghèo; xóa bỏ hủ tục; làm đường giao thông đến xây dựng thôn, làng “no đủ - vững mạnh - an toàn”, đều in đậm dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh.

Các anh tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Đồn và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đơn vị đứng chân trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh chính trị địa bàn.

Với phương châm “ba bám, bốn cùng” với đồng bào biên giới, các anh đã tích cực và tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, với nhiều chương trình, mô hình đã được triển khai hiệu quả như: “Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “ Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Xóa mù chữ”, “Điểm sáng văn hóa vùng biên”, “Tiếng loa biên phòng”.

Tin yêu Bộ đội Biên phòng, nhiều hộ gia đình đã làm lễ kết nghĩa với cán bộ, chiến sĩ. Với sự giúp đỡ của "anh em kết nghĩa", nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp, xây dựng nếp sống mới, thực hiện các mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vì vậy, cũng chẳng có gì lạ, khi nhân dân khu vực biên giới luôn xem các anh như người thân, trở thành tai mắt của bộ đội biên phòng, sát cánh cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc của Tổ quốc. Từ đó, nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc.

Vì vậy, không có gì bất ngờ khi ta được một già làng quả quyết nói rằng: "Già và dân làng tin và làm theo bộ đội biên phòng vì các anh nói điều hay, lẽ phải, làm việc tốt giúp dân làng".

Thời bình, không có nghĩa người lính biên phòng bớt gian khổ và hy sinh. Cho đến bây giờ, đơn vị, đồng đội và gia đình vẫn còn nguyên nỗi đau trước sự hy sinh của liệt sĩ Phạm Ngọc Hải (Đồn Biên phòng Sông Thanh, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei).

Trước đó, vào lúc 20 giờ, ngày 11/10/2020, khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Phạm Ngọc Hải di chuyển từ trạm kiểm soát Biên phòng Đăk Blô về chốt phòng, chống dịch Covid-19 thì bị nước lũ cuốn trôi.

Những trang sử truyền thống của Bộ đội Biên phòng tỉnh được viết bằng ý chí, bằng máu xương, bằng công sức, mồ hôi của biết bao thế hệ vẫn đang dày thêm theo từng năm tháng.

2. Hơn 20 năm làm báo, tôi đã có nhiều đêm thao thức ở vùng biên ải, nằm nghe tiếng chân người lính biên phòng đổi gác. Có những lần, chúng tôi căng bạt ngủ nhưng chưa bao giờ tôi lại ở gần biên giới đến vậy, chỉ chưa tới 1 cây số đường chim bay.

Cũng từ những chuyến đi này mà tôi có nhiều bạn đang khoác trên người bộ quân phục và quân hàm xanh, tượng trưng cho núi rừng, biển cả và đồng lúa xanh tươi mát.

Sau này, bất ngờ thay, một người trong số họ lại chuyển về sinh sống ở gần nhà tôi.

Hơn 20 năm gia nhập vào đội ngũ “quân hàm xanh”, dấu chân của anh đã in khắp các nẻo biên cương, từ vùng Mô Rai, Rờ Kơi (Sa Thầy), Pờ Y, Sa Loong (Ngọc Hồi) đến Đăk Long, Đăk Nhoong (Đăk Glei); đã trực tiếp tham gia hàng chục lần đánh án ma túy và buôn lậu, nhiều lần cận kề với hiểm nguy.

Những khi rảnh rỗi, anh lại cùng động đội bám làng bám hộ, giúp dân phát triển kinh tế, dạy chữ, cắt tóc cho con em họ. Ngẫm ra thì anh cũng lắm tài vặt. Bàn tay đầy vết chai do siết quai súng mà cầm phấn, cầm kéo rất dẻo. 

Hơn 20 năm qua, số lần anh có mặt ở nhà đón giao thừa với gia đình, vợ con đếm không hết 10 đầu ngón tay "vì các đối tượng hay lợi dụng dịp này để thực hiện ý đồ xấu".  Ngày lễ, ngày thường anh cũng đi biền biệt.

Lâu lâu mới về được một ngày, anh lại lụi hụi với luống đất bên hông nhà, nhổ cỏ, xới đất, bón phân, mua hạt giống về gieo, rồi tíu tít chở con đến lớp, dẫn con đi mua sách. Anh như muốn bù lại cho vợ con những ngày tháng vắng chồng, vắng cha.

Để rồi sáng hôm sau, khi con trẻ còn say giấc, chị lại bịn rịn đứng sau cánh cổng nhìn chiếc xe máy phủ đầy đất đỏ của chồng khuất dần. Xa gia đình dằng dặc năm tháng, hẳn rằng cũng có lúc nao lòng, nhưng tôi dám chắc một điều: anh bạn tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ buông bỏ.

Có lần, trong một cuộc trò chuyện, tôi đã hỏi anh rằng, trong cuộc chiến chống tội phạm nơi biên giới nhiều gian nan và cạm bẫy hiện nay, có khi nào anh nao núng không? Hoặc thoái hóa, biến chất để rồi sa ngã, "bắt tay" đối tượng xấu làm xằng làm bậy?

Không né tránh câu hỏi có phần gai góc ấy, anh cười: Đã có nhiều người hỏi những câu hỏi này, và hỏi từ lâu rồi. Không thể phủ nhận đã có những trường hợp như vậy.

Nhưng vượt qua tất cả, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh vẫn vững vàng trong hàng ngũ, vững niềm tin với Đảng, Nhà nước, vẫn kiên cường chắc tay súng bảo vệ biên cương.

Với họ “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” không phải để “hô khẩu hiệu”, mà là phương châm sống của mỗi người và của cả tập thể.

Ngày 8/10, kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Bộ đội Biên phòng tỉnh, tất nhiên là sẽ có những lời chúc nồng ấm và những bó hoa tươi thắm gửi tói các anh.

Về phần mình, vừa nhắn tin chúc mừng bạn bè trong quân ngũ, tôi vừa nhớ đến những vết gai cào rách áo của lính biên phòng khi vượt qua bao đồi núi, sông suối trên đường tuần tra; những lưng áo xanh ướt đẫm mồ hôi khi giúp dân làm đường, sửa nhà, cuốc ruộng, cõng người ra trạm y tế.

Và càng nhớ hơn câu nói “Là người lính mang quân hàm xanh, phải chấp nhận cuộc sống hiểm nguy, xa gia đình, sinh hoạt không theo quy luật gì cả ông ạ” của anh sĩ quan biên phòng gần nhà.

Trong đầu tôi lại hiện lên cái xe máy luôn bê bết bụi đỏ của anh và ánh mắt dõi theo đau đáu của người vợ.

Thành Hưng

Chuyên mục khác