Những “thí sinh” ngoài cánh cổng

28/06/2023 19:11

Hôm nay, cùng với hơn 1 triệu thí sinh trên toàn quốc, hơn 5.000 thí sinh trên toàn tỉnh bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 kéo dài 2 ngày. Trong khi các thí sinh đang nỗ lực trong phòng thi, thì bên ngoài cũng có nhiều, rất nhiều “thí sinh” toát mồ hôi.

Ngày 28/6, mới hơn 5 giờ sáng, tôi nhận được điện thoại của anh bạn công tác ở huyện.

Mình đưa con gái xuống thi tốt nghiệp THPT. Bây giờ ông ra quán cà phê gần điểm thi ngồi với tôi nhé- anh nói.

Hóa ra anh chị xin nghỉ làm hẳn mấy ngày để đồng hành cùng con gái đầu bước vào kỳ thi quan trọng nhất. Để đảm bảo cho con có không gian, anh thuê một căn phòng dưới này. Cả hai vợ chồng và thằng út đang nghỉ hè, ở nhà không có ai trông, cũng đi theo.

Và thế là tôi lọ mọ ra khỏi nhà, chạy tới quán cà phê. Tới nơi, tôi giật mình vì trông anh phờ phạc hẳn, mắt thâm quầng.

Thấy ánh mắt dò hỏi của tôi, anh cười trừ: Mình hơi lo lắng. Học lực của con gái mình không được tốt cho lắm, nên các hình thức xét tuyển khác đều không ổn, đành trông vào kết quả thi tốt nghiệp để vào đại học.

Chị vợ ngồi bên than: Mấy ngày nay, anh ấy có ngủ được đâu. Làm cho cả nhà lo lắng, căng thẳng theo. Còn ép con bé học ngày học đêm.

Đó, như sáng nay, ổng kêu con bé dậy từ mờ sáng, giục con chuẩn bị bút mực, nhắc nhở lại nội quy phòng thi (được anh tham khảo từ nhiều nguồn và chép cẩn thận vào giấy); hối hả đưa con đi ăn sáng và hối hả... chở đến điểm thi.

Anh phân bua: Người ta cứ nói, với những phương thức xét tuyển hiện nay thì kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đơn giản là để… tốt nghiệp, nên không có nhiều áp lực. Nhưng tôi thì nghĩ khác. Nói gì thì nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một kỳ thi quan trọng nhất.

Tôi đồng ý với anh rằng, kỳ thi này không chỉ để đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục THPT, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn là cơ sở đánh giá chất lượng dạy và học. Mặt khác, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Tôi cũng thấy như anh rằng, chuyện "vượt vũ môn" của các sĩ tử vẫn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh.

Nhưng tôi không hài lòng với việc anh ép con học bài khi ngày thi đã cận kề. “Lẽ ra anh nên cho cháu thư giãn, để đầu óc thanh tỉnh, có sức thi cho tốt”- tôi kiến nghị.

Anh gạt đi: Phải xem lại bài vở chứ, thi xong tha hồ thư giãn. Ngày xưa, anh với chú có thời gian thư giãn đâu. "Tụng" bài đến khi vào phòng thi ấy chứ.

Ôi chao. Lại ngày xưa. Không biết có bao nhiêu học sinh phải khổ vì cái "ngày xưa" của các ông bố, bà mẹ rồi- tôi nghĩ, nhưng không dám nói vì sợ anh giận.

Khi vực trước điểm thi bắt đầu đông người hơn. Rối sau đó chen chúc những người là người, trong đó nhận ra không ít người quen, đều một biểu cảm căng thẳng và hồi hộp.

Không nghi ngờ gì nữa, cha mẹ cũng chính là những “thí sinh” không vào phòng thi vất vả nhất mỗi kỳ thi.

Dù rằng, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia bây giờ đã bớt căng thẳng vì cách thức thi; thí sinh được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng xét tuyển nên khả năng đậu đại học khá cao. Đặc biệt, bố mẹ và con không còn phải dắt díu nhau về các thành phố lớn thi đại học.

Đứng trước cổng, anh vẫn dặn dò con từng chút, dù tối qua và sáng sớm nay đã dặn đi dặn lại. Thấy vậy, tôi lắc đầu: Anh để cháu nó vào, dặn nhiều quá nó rối. Anh cười, vẻ có lỗi: Biết vậy, nhưng lo quá, không dặn dò không được. Đó, cậu không thấy ai cũng vậy à.

Nhưng những điều đó là chưa đủ để các "thí sinh” không vào phòng thi bớt đi sự vất vả, lo toan. Tiết trời hôm nay khá nóng, nhưng rất đông  phụ huynh vẫn chịu khó, chịu khổ đứng trước cổng trường chờ con hoàn thành bài thi.

Bên cạnh, một người mẹ còn lôi ra phần ăn sáng bắt con phải ăn hết để làm bài không bị đói. Thậm chí có người mẹ còn muốn theo con vào tận... phòng thi để động viên. Lẽ tất nhiên, lực lượng bảo vệ không thể đồng ý, và thế là chị đứng mãi ở cổng trường, nhìn theo cậu con trai trai cao lớn đã khuất sau cánh cổng.

Tôi giục anh về, nhưng anh không chịu: Thôi, ông về trước, tôi ngồi đây chờ, dù cháu nó không nhìn thấy, nhưng nó biết bố đang chờ ở ngoài cổng nên thêm vững tin, sẽ có động lực để cố gắng hoàn thành bài thi thật tốt, mà mình cũng yên tâm.

Khi đứng, lúc ngồi, vạ vật dưới gốc cây, quán nước; khuôn mặt, ánh mắt không giấu nổi vẻ lo lắng, sốt ruột xen lẫn niềm hy vọng là hình ảnh quá quen thuộc của phụ huynh đưa con đi thi.

Muốn hiểu lòng cha mẹ, hãy cứ đến cổng trường những ngày thi. Ảnh: TH

 

Nhiều bậc cha mẹ chia sẻ, chỉ có tự mình đưa con đi thi, hàng ngày tự tay chăm lo, trò chuyện với con thì mới yên tâm. Người Việt vẫn thường nói “con lo một, bố mẹ lo mười”.

Khi con cái vào phòng thi, ở bên ngoài, cha mẹ cũng đang tự động viên mình: Hãy thả lỏng nào. Hít một hơi thật sâu. Chờ con bước ra với nụ cười"!

Khi thí sinh bước ra khỏi phòng thi, bao giờ cha mẹ cũng là người đầu tiên hỏi có làm được bài không? Ước chừng được mấy điểm.

Tuy nhiên, cũng vì vậy mà rất có thể, cha mẹ vô tình tạo thêm áp lực cho con trong ngày thi.

Nhiều ý kiến cho rằng, bước vào kỳ thi, sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng, sự quan tâm và động viên của phụ huynh là "chìa khóa" giúp các sĩ tử vượt qua kỳ thi quan trọng.

Nhưng trong giai đoạn thi cử cha mẹ không nên sốt ruột, lo lắng thái quá, hoặc tỏ ra kỳ vọng quá nhiều. Và đặc biệt, phụ huynh nên lưu ý không nên bày tỏ cảm xúc, thất vọng dù con có làm được bài hay không.

Bởi thí sinh đi thi vốn đã quá căng thẳng, đôi khi bài làm chưa tốt, nhưng khi nhìn ánh mắt thất vọng của bố mẹ sẽ khiến thí sinh thêm áp lực, hay gọi cách khác là “áp lực chồng áp lực”.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con mình để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải tỏa được những áp lực về học tập, thi cử.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tập trung đảm bảo cho con mình chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ giúp con có sức khỏe và tinh thần tốt để tự tin vượt qua các kỳ thi một cách tốt nhất.

Thành Hưng

Chuyên mục khác