Những thay đổi quan trọng trong tuyển sinh 2018

18/03/2018 13:01

Điểm ưu tiên khu vực giảm một nửa, điểm thi được làm tròn đến hai chữ số thập phân, bỏ ngưỡng điểm sàn… là những thay đổi đáng chú ý trong quy chế tuyển sinh năm 2018 do Bộ GD&ĐT quy định.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã lần lượt công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Theo đó, có một số thay đổi quan trọng cần chú ý như sau:

Điểm ưu tiên khu vực giảm 50%

Đây có lẽ là thay đổi đáng chú ý nhất trong tuyển sinh 2018. Điểm ưu tiên khu vực giảm xuống còn một nửa với các năm khiến mức điểm chênh lệch trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp nhau chỉ còn 0,25 điểm.

Cụ thể, điểm ưu tiên KV1 sẽ giảm từ 1,5 xuống 0,75 điểm; KV2 giảm từ 1 điểm xuống 0,5 điểm và KV2- nông thôn còn 0,25 điểm. Bộ cũng quyết định bỏ quy định chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, hiện nay sự chênh lệch vùng miền không còn quá cao nên mức điểm ưu tiên được hạ xuống để phù hợp với sự phát triển của các vùng khó khăn.

Điểm thi làm tròn đến 2 chữ số

Cũng liên quan đến điểm thi, theo Thông tư sửa đổi, bổ sung, bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân (thay vì làm tròn đến 0,25 như các năm). Nói thêm về điểm mới này, đại diện Bộ GD&ĐT giải thích, ví dụ thí sinh được 4,99 điểm thì không được cộng tròn thành 5 mà sẽ giữ nguyên. 

Như vậy, điểm thi của thí sinh năm nay sẽ chi tiết hơn, bắt buộc các em phải cố gắng để giành từng điểm nhỏ. Điều này nhằm đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh giúp các trường thuận lợi hơn trong công tác xét tuyển...

Bỏ điểm sàn đại học

Năm nay, chì trừ các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT quy định bỏ mức điểm sàn, thay vào đó, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng...

Việc bỏ điểm sàn đồng nghĩa sẽ tạo điều kiện tuyển sinh cho các trường thuộc top dưới, gia tăng cơ hội trúng tuyển đại học cho các thí sinh.

 Đăng ký dự thi và xử lý vi phạm

Về hồ sơ đăng ký dự thi, Thông tư quy định thí sinh đã học hết chương trình THPT hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức kỳ thi phải có học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT (bản sao hợp lệ). Thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp đăng ký dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ nếu không có học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT thì phải có xác nhận của cơ sở GD-ĐT nơi  theo học về việc đã hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT; phải nộp bằng tốt nghiệp trung cấp (bản sao hợp lệ), không cần bằng tốt nghiệp THCS.

Việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi, Thông tư quy định huỷ kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; Sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.

Ngoài ra, Thông tư còn bổ sung những quy định về đối tượng được tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm trong hai năm gần nhất…

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ diễn ra từ 25-27/6

 

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ chính thức diễn ra trong các ngày từ 25-27/6 tới. Chậm nhất ngày 17/7, các Sở GD&ĐT phải công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Chậm nhất ngày 5/8, các Sở GD&ĐT gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT chính thức về Văn phòng Bộ GD&ĐT.

Hoài An

Chuyên mục khác