Những nữ y tá chiến trường ngày ấy

07/03/2018 13:03

​“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, trước vận mệnh lịch sử của quê hương, đất nước, những người phụ nữ chân yếu, tay mềm như bà Võ Thị Liên, Phạm Thị Liên… đã kiên cường, xông pha chiến trường để cõng, băng bó, cứu thương cho bộ đội... Những y tá chiến trường như họ đã góp một phần sức lực cho ngày dân tộc toàn thắng.

Bà Võ Thị Liên (tổ dân phố 1, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) năm nay đã bước sang tuổi 73. Ngược lại 53 năm về trước (năm 1965), bà theo học lớp y tá tại quê nhà (Tam Kỳ, Quảng Nam). Sau một năm học tập, khóa học kết thúc, tháng 2/1967, bà tham gia thanh niên xung phong, bỏ lại sau lưng quê hương, gia đình mình, đến với mảnh đất Kon Tum và trở thành y tá tại Bệnh xá Tỉnh đội Kon Tum (đóng tại H29, nay là huyện Kon Plông).

Hớp ngụm trà còn nóng hổi, với chất giọng rặt ri đất Quảng, bà kể rằng, khi ấy, bộ đội ta bị thương rất nhiều, cần phải được chữa trị, chăm sóc. Mặc dù phải làm việc trong điều kiện vật chất nghèo nàn, không ổn định, song các y tá, bác sĩ luôn cố gắng tận tâm, để có thể chăm sóc các thương binh tốt nhất có thể.

Vợ chồng bà Võ Thị Liên và chuyện thời chiến. Ảnh: A.T

 

“Gian khó, dụng cụ y tế thiếu thốn, không có đồ mới, phải dùng lại, nên nhiều hôm đến 7-8h tối, cả y tá và bác sĩ vẫn ngồi tại bờ suối để giặt bông băng, gạc cũ. Xà phòng thì không có, mà giặt nước thì không sạch, chúng tôi phải xin nước tiểu của bệnh nhân để ngâm cho ra vết máu, mủ trên băng, gạc. Một số chị em bị sốt đến bủn rủn tay chân, không đủ sức để giặt, phải cầm đá để đập thay cho sức tay” – bà Liên nhớ lại.

Bà Liên cho biết, từ năm 1970-1971, bà nhận nhiệm vụ tại H80. Thời điểm đó, nhiều trận đánh lớn lần lượt nổ ra, bộ đội thương vong nhiều. Đội ngũ y bác sĩ thiếu nên phải làm việc liên tục. Để đáp ứng khẩu hiệu “bệnh xá giảm giường” từ chỉ đạo cấp trên, mọi người nhiều khi không kịp ăn uống, ngủ nghỉ. Nếu có bệnh nhân vừa nhập, thì phải cố gắng chữa trị xong cho một bệnh nhân khác mới có thể xoay xở được chỗ nằm, tất nhiên sức khỏe bệnh nhân đó phải được đảm bảo ổn định, mới cho xuất viện. Một số y bác sĩ dù bị sốt rét đến run tay, vẫn đi bó bột cho bệnh nhân.

“Năm 1972, các chiến sĩ bị bỏng rất nhiều, thuốc men, dụng cụ trị bỏng còn rất ít. Vì thế chị em y tá lại phải chạy khắp nơi kiếm lá chuối rừng về tích trữ, để đắp lên vết bỏng cho những người bị thương” – bà Liên nhớ lại.

Công việc vất vả, ăn uống cũng rất kham khổ. Bà Liên kể rằng, mỗi suất ăn chỉ được một củ chuối. Có lần, phòng mổ có 8 y tá, bác sĩ trong ca trực nhưng đến bữa ăn chỉ được phát 5 củ chuối. Ấy vậy mà anh chị em vẫn vui vẻ, cười đùa, chia nhau ăn ngon lành.

Bà Phạm Thị Liên vẫn còn giữ kỷ vật thời làm y tá chiến trường. Ảnh: A.T

 

Vừa kể với chúng tôi, bà Liên vừa âu yếm nhìn chồng nói: Chiến tranh gian khổ là thế, nhưng cũng chính trong hoàn cảnh bom rơi đạn lạc đó, nhiều lúc cái duyên lại có cơ hội nảy nở. Hồi đó, tiểu đội trưởng thấy bác và bác trai đã qua tuổi thanh xuân nên mới giới thiệu, tác hợp để nên vợ nên chồng. Tính ra cũng gần hết một đời người rồi!

Tương tự như bà Võ Thị Liên, bà Phạm Thị Liên ở thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum cũng là một nữ y tá chiến trường.

Tháng 7/1971, sau khi học xong hết lớp 7, bà theo học lớp y tá tại Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trong vòng 9 tháng. Đến tháng 7/1972, bà tham gia thanh niên xung phong, đóng quân tại Ngã ba Đồng Lộc.

“Cứ đường vừa làm, vừa vá đến đâu là quân địch lại rải bom đến đó. Anh chị em trong đội người chết, người bị thương rất nhiều. Tôi phải trực tiếp ra chiến trường để băng bó, khiêng cáng đưa các thương binh đến các tuyến bệnh xá gần nhất, ca nào nặng thì mình phải đi theo. Nhiều lần tôi bị sức ép từ bom đạn, đất đá dội vào hầm, nhưng may mắn là chỉ bị thương. Hồi đó, mới 16 -17 thôi, thế mà chả sợ gì, vẫn cứ hát hò vui vẻ, thấy xe bộ đội mình là vẫy chào, hứa hẹn gặp nhau tại miền Nam ” – bà Liên nói.

Trong chiến tranh, y tá tại hậu phương đã cực nhọc, ở tuyến đầu còn vất vả hơn cả trăm lần. Vừa chịu áp lực từ bom đạn, vừa chịu áp lực từ cứu chữa những người đồng đội bị thương quá nhiều, nên gần như làm việc không nghỉ ngơi. Công việc thường ngày của bà Liên khi ấy là vừa chăm sóc thương binh tại bệnh xá, vừa cùng đồng đội sửa chữa đoạn đường hư hỏng do bom dội vào, cho xe bộ đội đi qua.

“Hồi đó, Ngã ba Đồng Lộc là cứ điểm chiến đấu ác liệt, chết rất nhiều người. Những thanh niên xung phong tại đó chủ yếu là nữ, có khi một hầm chết mười mấy chị em. Như xã của tôi đi 7 người, cuối cùng chỉ sống sót còn lại 2 người là tôi và một người bạn cùng xã. Có lần, hầm của tôi bị trúng bom. Một hầm 7 người thì đến 5 người hi sinh. Chính tay tôi đưa thi thể những người bạn của mình ra, vừa khóc vừa cầu khấn cho ai đó sống sót. Cuối cùng cũng có một người tuy bị thương nặng nhưng vẫn qua khỏi” – bà Liên nghẹn ngào nhớ lại.  

Đến tháng 3/1973, bà Liên nhận được lệnh đi B vào đất Quảng Nam và được phân công về C3 Đại đội 1 trực thuộc Công trường 2 tháng 9, Ban dân vận Quân khu 5 (bây giờ thuộc huyện Phước Sơn). Tại đơn vị mới, có hơn 100 người, nhiệm vụ của bà là y tá, chăm sóc anh chị em bị thương và chữa sốt rét, ngoài ra, còn ra chiến trường để mở tuyến đường từ ngã ba Làng Hồi đến sông Tranh khoảng 20km.

Mở đường gian khổ, ăn uống thì thiếu thốn. Anh chị em trong đội phải phân công nhau, người vào các làng kiếm củ mì, củ khoai, người đi hái rau rừng để có cái ăn qua bữa. Được hạt gạo nào đều để dành nấu cháo cho những người bị thương.

“Có lần anh chị em trong đoàn đang căng võng nằm ngủ dưới gốc cây, thấy pháo sáng, là phải mang võng chạy nhanh không địch phát hiện. Tại đây, một ngày cả chục người chết và bị thương vì bom đạn, dịch sốt. Nhớ nhất là vào một ngày của tháng 9/1973, khoảng 6h sáng, đơn vị tôi vừa ra đến tuyến đường đang làm, máy bay đã đến ném bom. Đợt đó đội của tôi chết 24 người, bị thương rất nhiều” - bà Liên trầm giọng kể.

Được hơn 1 năm, tháng 6/1974,  bà Liên được điều về làm y tá ở Bệnh xá Ban dân vận Quân khu 5. Ở tuyến đường mới mở, có một lần bị lộ mục tiêu, máy bay địch kéo tới ném bom ngày đêm, thậm chí là trong hầm vẫn không thể trú ẩn được. Bởi vậy những người khỏe phải cõng và dìu người bị thương để tìm nơi trú ẩn khác.

Đến năm 1975 chiến tranh kết thúc, bà về Bình Định một thời gian. Và từ năm 1991 đến nay, bà đã chọn mảnh đất Kon Tum để sinh sống.

Bà Võ Thị Liên, bà Phạm Thị Liên… cũng như những y tá chiến trường khác đã phơi phới tuổi thanh xuân đi vào chiến trường với lòng quyết tâm và nhiệt huyết bùng cháy. Để rồi, với những câu chuyện về cuộc chiến, về tình đồng đội, về phút giây sinh tử…, họ đã trở thành những nhân chứng sống, chứng kiến thời kì gian khó nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc. Nên lúc nào cũng vậy, họ luôn tự nhủ mình và con cháu, phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội, của thế hệ cha anh đi trước, với những tháng ngày oanh liệt đã qua.

An Thành

Chuyên mục khác