Những nữ thanh niên xung phong:​ Ngày ấy - bây giờ

29/04/2017 19:23

Gởi trọn tuổi thanh xuân nơi chiến trường bom đạn để phá đá mở đường; sau giải phóng các chị lại xung phong lên những vùng đất khó cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương đất nước; rồi khi trở về với cuộc sống đời thường, các chị vẫn tiếp tục là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đó là câu chuyện của bà Cao Thị Thái (ở thôn 4A, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) và bà Nguyễn Thị Kim Đồng (thôn 1, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô).

Dũng cảm thời chiến, đảm đang thời bình

Sinh ra ở vùng đất lửa Quảng Bình, năm 1972, cô gái Cao Thị Thái lúc bấy giờ mới vừa tròn 18 tuổi đã xin gia nhập thanh niên xung phong, được biên chế ở đơn vị 759, Tiểu đoàn 119 – đơn vị Quyết Thắng. Đơn vị của chị lúc đó được giao nhiệm vụ xẻ đá, vá đường, dẫn đường cho các đơn vị bộ đội đi qua trên tuyến đường 12 đoạn từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình.

Bà Thái chia sẻ: Hồi đó, tôi đang là học sinh cấp 3, cuối năm 1971 đăng ký đi bộ đội, nhưng vì thấp bé nhẹ cân nên đành phải ở lại. Sau đó hơn 1 tháng, có đợt tuyển thanh niên xung phong, tôi đăng ký và được gọi lên đường ngay tháng 2/1972. Ngày đó, máy bay của địch đánh phá rất ác liệt vào tuyến lửa Quảng Bình - Quảng Trị với mục tiêu cắt đứt con đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đường sá bị phá hỏng nặng nề. Vậy là, cứ sau mỗi đợt địch bỏ bom, đoạn đường nào bị phá, chị em chúng tôi lại đến san ủi, lấp hố bom, đảm bảo thông tuyến cho các chuyến xe đi qua vào chiến trường.

Sống ở trong rừng heo hút, hiểm trở, đói rét, thiếu thốn trăm bề, tính mạng luôn bị đe dọa, vậy nhưng tôi cũng như các chị em trong đội vẫn quyết tâm “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “tiếng hát át tiếng bom”. Không ít người đã ngã xuống vì bom đạn, vì sốt rét ác tính, nhưng những người còn lại vẫn động viên nhau bằng những dự định tươi đẹp sau ngày giải phóng.

Chiến tranh kết thúc, cô thanh niên xung phong Cao Thị Thái được chuyển ngành sang làm công nhân Công ty thuỷ lợi huyện Tuyên Hoá. Năm 1976 bà kết hôn với chồng cũng là một người lính đã đi qua thời lửa đạn.

Năm 1980, bà theo chồng vào Kon Tum và trở thành người lính trên mặt trận làm kinh tế khi được phân vào làm công nhân quốc phòng Trung đoàn 701. Những năm tháng vào lập nghiệp trên quê hương mới, cuộc sống biết bao khó khăn, chật vật, nhưng với quyết tâm không thể để đói nghèo đeo bám được; hằng ngày sau công việc ở đơn vị, về nhà bà lại tranh thủ khai hoang đất đai trồng bắp, trồng mì, nuôi heo...

Bây giờ lớn tuối bả Thái lại gắn bó với vườn ươm cây giống. Ảnh: T.H

 

Sau này, có chút vốn liếng, bà mua thêm đất để trồng cà phê, bà trồng được hơn 2ha cà phê, tiếp tục nuôi heo, gà... Với ý chí vượt khó, kinh tế gia đình bà khấm khá lên từng ngày, bà có điều kiện nuôi 3 người con học hành, có việc làm ổn định. Khi các con trưởng thành, bà chia vườn cà phê cho 2 người con trai lớn, bà lại chuyển sang buôn bán vật tư nông nghiệp, thu mua cà phê, làm vườn ươm, nuôi gà... Bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình còn thu về 250 – 300 triệu đồng.

Bà Thái chia sẻ:  Dù bây giờ chẳng còn thiếu thốn, năm nay cũng 63 tuổi rồi, chẳng còn khoẻ như trước nữa, nhưng vốn tính quen làm lụng rồi, nghỉ là thấy khó chịu. Một ngày của tôi bắt đầu từ khoảng 5h sáng, dậy hái nấm rồi bỏ cho các quán ăn, sau đó về đến nhà là bắt tay vào cho gà ăn, ra vườn ươm, tưới nấm... Đến mùa cà phê thì công việc gần như không có giờ giấc. 

Bận rộn là thế, vậy mà bà vẫn tham gia làm rất nhiều việc của thôn mà thiên hạ vẫn hay gọi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, đó là làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 4A, Chủ nhiệm Câu lạc bộ người cao tuổi thôn 4A, Ủy viên Ban chấp hành Cựu thanh niên xung phong thị trấn Đăk Hà.

Trưởng thành từ trường học lớn

Không chỉ đóng góp công sức, trí tuệ, máu xương và cống hiến cả tuổi thanh xuân cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, rất nhiều nữ thanh niên đã có mặt tại các vùng khó khăn, chiến trường xưa để thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế.  

Năm 1975, trong Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Tây Nguyên lúc bấy giờ có bà Nguyễn Thị Kim Đồng, sinh năm 1958, ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Bà được biên chế vào nông trường Quang Trung, có nhiệm vụ khai hoang, phục hoá xây dựng kinh tế ở khu vực chiến trường cũ Đăk Tô - Tân Cảnh.

Bà Kim Đồng cắt cỏ cho bò ăn. Ảnh: T.H

 

Bà Kim Đồng nhớ lại: Hồi đó, nơi đây là “rừng thiêng nước độc”, thanh niên xung phong mắc nhiều chứng bệnh, tàn tích chiến tranh còn nhiều nên chuyện gặp phải bom mìn khi lao động là bình thường. Nhiều người đã ngã xuống, không ít người không vượt qua được thử thách đã xin về quê; thế nhưng, tôi thì nghĩ, người khác ở được thì mình ở được, khó mấy cũng phải vượt qua. Lúc đó, đúng là sức trẻ, ăn thì toàn độn mì, bắp, rau rừng, ở thì tạm bợ trong các lán, trại; lao động cực khổ, vậy mà vẫn cứ hăng say phát rừng, nhặt nhạnh những tàn tích của chiến tranh để trồng nên những bãi mía, bãi mì xanh ngút ngàn. Tôi thấy mình đã thực sự trưởng thành từ trường học lớn- thanh niên xung phong. Ở đó, tôi được rèn luyện tinh thần vượt khó, về sự bền bỉ và tình yêu với mảnh đất vốn là chiến trường khốc liệt đang dần thay da đổi thịt nhờ bàn tay lao động của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong chúng tôi.

Sau này khi rời Tổng đội, bà quyết định gắn bó với vùng quê Đăk Tô - Tân Cảnh. Vẫn mang trong mình tinh thần của một thanh niên xung phong, hằng ngày hai vợ chồng bà cần mẫn khai hoang từng mảnh đất rồi trồng mì, trồng rau, đào ao nuôi cá, nuôi bò... Ngày thì làm rẫy làm vườn, tối đến bà lại soi đèn cắt rau để sáng ra chợ bán cho người ta.

“Lúc đầu chỉ mong làm đủ ăn, nhưng sau đó có chút dư giả, tôi lại bàn tính với chồng chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp. Vậy là, hai vợ chồng lại cần mẫn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng cao su, cà phê, chăn nuôi bò lai cho hiệu quả kinh tế cao... Cứ lấy ngắn nuôi dài, bây giờ nhà tôi có cả thảy 4ha cao su, 1,3ha cà phê, 2 ao cá và 2 con bò sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Mấy năm nay, sức khoẻ tôi yếu đi, nhưng ngồi không thì khó chịu nên tôi lại quyết định mở cửa hàng tạp hoá, còn rẫy, vườn thì thuê người ta làm cho đỡ cực”- Bà Kim Đồng tâm tình.

Với bà Kim Đồng, hạnh phúc lớn nhất chính là bà đã nuôi được 4 người con học hành đến nơi đến chốn, ai cũng đều có công việc ổn định...

Có thể nói, với bà Thái, bà Kim Đồng nói riêng và tất cả những nữ thanh niên xung phong nói chung dù ở hoàn cảnh nào, thời chiến hay thời bình, các bà, các chị vẫn là những người phụ nữ dũng cảm, giỏi giang, trung hậu...

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác