Những nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra

16/11/2018 16:53

Theo số liệu thống kê về tai nạn giao thông năm 2017 của ngành chức năng, trung bình mỗi ngày trong cả nước xảy ra khoảng 55 vụ tai nạn giao thông, làm nhiều người tử vong, bị thương. Tai nạn giao thông không chỉ gây ra hậu quả mất mát, tang thương cho gia đình có người tử vong và sức khỏe, tương lai của nạn nhân bị thương do tai nạn mà còn để lại hậu quả nặng nề cho toàn xã hội…

Riêng ở tỉnh ta, theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2018, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 55 người và để lại thương tật suốt đời hàng chục người. Điều đó đồng nghĩa với việc ngần ấy gia đình phải chịu nỗi đau mất mát; hàng chục người bị thương do tai nạn phải gánh chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần và ngay cả gia đình, người thân của họ cũng bị ảnh hưởng. Không ít gia đình rơi vào cảnh nghèo đói, con cái phải bỏ học, cũng chỉ vì hệ lụy của việc trong gia đình có người bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.    

Hơn 10 năm là phóng viên được phân công theo dõi, tuyên truyền về lĩnh vực giao thông, tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông cũng như biết được những nỗi đau xé lòng đằng sau những vụ tai nạn giao thông ấy.

Ban ATGT tỉnh thăm gia đình thân nhân có người tử vong do TNGT ở thị trấn Đăk Hà. Ảnh: V.P

 

Mới đây, tôi cùng lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh đi thăm hỏi chia sẻ với thân nhân gia đình có người tử vong do tai nạn giao thông. Chúng tôi, đến thăm gia đình của anh Nguyễn Thành Sơn và chị Cao Thị Mến (ở tổ dân phố 10, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) - cả 2 vợ chồng bị tử vong do tai nạn giao thông, thấy cảnh hai cháu nhỏ Nguyễn Cao Thanh Ngọc (3 tuổi) và Nguyễn Cao Thành Nam (1 tuổi là con của 2 vợ chồng anh Sơn, chị Mến) ngơ ngác nhìn người khách đến thăm mà các cháu chưa hiểu gì cả, tôi và những người cùng đi đều không cầm lòng được trước hoàn cảnh của các cháu. Nhìn bà Phùng Thị Lan - bà nội các cháu - bế cháu nhỏ Nguyễn Cao Thanh Nam trên tay, miệng cháu ngậm bình sữa, tôi cảm thấy thật sự xót xa, cám cảnh.

Một ngày đầu tháng 7, vợ chồng anh Sơn và chị Mến chở nhau đi cạo mủ sớm kiếm tiền nuôi con, ai ngờ hai vợ chồng anh ra đi vĩnh viễn sau vụ tai nạn,  để lại hai cháu nhỏ. Con của 2 anh chị còn quá thơ dại mà đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà nội của các cháu năm nay đã 60 tuổi đành gánh vác việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Rồi đây, số phận 2 đứa trẻ chưa biết ra sao khi bà nội ngày càng già yếu…

Vừa bế đứa nhỏ trên tay, bà Phùng Thị Lan vừa nói trong nước mắt: Mấy đứa nhỏ thỉnh thoảng lại hỏi ba mẹ đi đâu lâu về thế, tôi chỉ biết ứa nước mắt, chỉ biết nói với cháu ba mẹ đi làm kiếm tiền mua sữa, nuôi cháu ăn học…

Hay trường hợp đau lòng khác là hai vợ chồng anh Trần Đình Tuyên và chị Dương Thị Hiền (ở xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei) bị tai nạn khi đi mô tô từ thành phố Kon Tum về huyện Đăk Glei, khi đến huyện Ngọc Hồi thì va chạm với một chiếc xe tải chạy ngược chiều và 2 anh chị tử vong tại chỗ. Vợ chồng anh chị mất đi không những để lại nỗi đau mất mát to lớn với 2 người con còn nhỏ mà còn để lại nỗi ám ảnh tinh thần mà không một liều thuốc nào có thể trị được. Giờ đây, chúng phải sống trong cảnh mô côi, phải tự lo toan cho cuộc sống của mình mà không có sự dìu dắt, chỉ bảo của cha mẹ như những đứa trẻ khác…

Cũng cùng cảnh mất người thân, em Nguyễn Thị Yến (ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) mất cả cha, mẹ vì tai nạn giao thông. Mẹ Yến chết trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn đặc biệt nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh tại xã Đăk Hring huyện Đăk Hà năm 2015. Còn cha của Yến cũng mất trước đó 10 năm cũng do tai nạn giao thông. Từ khi cha mẹ mất, do không được sự chăm sóc của người thân và có lẽ nỗi đau tinh thần quá lớn đã gây ra sang chấn tâm lý nên Yến khá rụt rè khi tiếp xúc với người lạ và ít nói…

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông ở Đăk Hà. Ảnh: V.P

 

Những trường hợp mà chúng tôi nêu ở trên cũng chỉ là một số hoàn cảnh cụ thể trong hàng trăm trường hợp gia đình rơi vào hoàn cảnh tang thương sau những vụ tai nạn giao thông. 

Tai nạn giao thông mang đến sự mất mát, tang thương và đớn đau tột cùng cho gia đình và những hệ lụy khác của xã hội. Vì vậy, hưởng ứng ngày “Thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” mỗi người dân hãy hành động, chung tay sẻ chia nỗi đau, mất mát với những nạn nhân và người thân có người bị tai nạn giao thông.

Để không còn những nỗi đau xé lòng do hậu quả tai nạn giao thông để lại, mỗi người hãy nêu cao ý thức bằng chính hành động ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, cùng nhau xây dựng một xã hội an toàn, góp phần hạn chế những đau thương, mất mát do tai nạn giao thông gây ra…

Văn Phương 

Chuyên mục khác