Những “nhà giáo đặc biệt”

19/08/2023 13:04

Vào ngày 19/8, kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, chắc chắn rằng tôi sẽ rất áy náy nếu như không viết được ít dòng về những người mà tôi rất trân trọng và quý mến. Đó là những cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh- còn được biết đến với danh xưng “nhà giáo đặc biệt”.

Suốt cả tuần nay bà Tư như thành người khác, ban ngày đứng ngồi không yên, chẳng làm được việc gì cho ra việc. Ban đêm thì không ngủ được, cứ trằn trọc suốt.

Nhìn bà như thế, ông Tư sốt ruột quá gắt um lên. Nhưng thỉnh thoảng thấy ông ngóng lên cuốn lịch, đêm khuya nghe tiếng ông trở mình, bà biết, dù không nói ra, ông cũng đang nóng lòng chờ đến ngày con trai của ông bà được trở về đoàn tụ với gia đình.

Nghĩ đến chuyện này, bà Tư không nén nổi tiếng thở dài!

Vậy mà đã hơn 5 năm trôi qua, kể từ ngày T- con trai bà vướng vòng lao lý vì một phút bốc đồng của tuổi trẻ. Mới học xong cấp 2, T. bỏ ngang, đi phụ xe, được ít năm thì chán, về nhà “bám” bố mẹ, chơi bời lêu lổng.

Ông bà Tư lo lắm, đã tính đến việc gửi cậu con trai đi học nghề gì đó cho bớt lông bông, nhưng chưa kịp thì xảy ra chuyện. Hôm ấy, T. cùng mấy đứa bạn trong xóm rủ nhau đi “lai rai” chút đỉnh ngoài phố. Ở xã vùng ven thành phố này, bọn thanh niên thường như vậy.

Rượu vào lời ra, một người trong nhóm của T. gây gổ với một nhóm thanh niên khác, sinh ra ẩu đả. Trong lúc hỗn loạn, T. đã dùng ghế đánh trúng đầu một người… Tòa xử 7 năm về tội cố ý gây thương tích.

Hơn 5 năm qua, con trai chấp hành án phạt tù ở trại, ông bà cũng sống những ngày tháng khó khăn về tinh thần, nhất là bà Tư. Cứ ngỡ bà đã quỵ hẳn, cũng may được bà con lối xóm, họ hàng đùm bọc, động viên nên bà đã vượt qua cái đận khó khăn ấy. Cũng hơn 5 năm ròng rã, cứ đến ngày hẹn là ông bà lại lặn lội bắt xe đến trại thăm con.

Trong những lần thăm nom ngắn ngủi ấy, bà Tư thấy mừng vì cuộc sống của con trai trong trại không gian khổ như bà lo nghĩ; dần dà nó không còn sợ sệt, sống co mình như trước nữa.

Điều quan trọng hơn, nó đã nhận rõ về lỗi lầm đã phạm phải, và luôn nỗ lực cải tạo tốt để sớm có ngày được trở về với đời sống tự do, với bố mẹ.

Rồi tin vui cũng đến, trong lần thăm cuối tháng 7, nó khoe với bà là đã có tên trong danh sách đặc xá đợt này. Vừa thông báo nó vừa khóc. Bà cũng khóc. Những giọt nước mắt của vui mừng, hạnh phúc.

Giờ lao động của can phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Ảnh: TH

 

Trong các cuộc trò chuyện, T. kể nhiều với bà về những cán bộ quản giáo ở trại. Đó là những người đã gần gũi T. hàng ngày, động viên, giáo dục, giúp T. nhận ra lỗi lầm của mình. Các anh còn dạy T. và những can phạm nhân khác biết lao động và quý trọng sức lao động.

Cũng chính các anh khơi dậy trong T. ý thức trách nhiệm với bố mẹ, với xã hội; sửa được cái tính nóng nảy và ham chơi.

Trên chuyến xe trở về nhà, bà Tư cứ như đang đi trên mây, và khi về nhà, bà đã thức trắng đêm để dự tính chuyện tương lai cho con. T. nói, khi trở lại với đời, em sẽ cố gắng làm việc để  kiếm tiền cho cha mẹ đỡ khổ.

Trong thâm tâm, bà vui cho con bao nhiêu thì biết ơn các cán bộ quản giáo bất nhiêu. Bởi các anh đã đem lại cho ông bà niềm vui và niềm tin vào cuộc sống khi tuổi xế chiều.

Không chỉ có bà Tư, mà tôi tin rằng, có nhiều, rất nhiều gia đình, nhiều con người có được niềm vui như gia đình bà Tư và như T.

Có lẽ lâu nay, có không ít người có cái nhìn không mấy thiện cảm với những quản giáo, nhất là người thân của phạm nhân. Trong mắt họ, quản giáo chỉ đơn thuần là những người “cai tù”.

Nhưng họ không hiểu được những công việc thầm lặng hàng ngày của các quản giáo. Không chỉ giảng dạy chữ viết, văn hóa, nghề nghiệp, mà các anh còn là những “bác sĩ tâm hồn” đã và đang vực dậy những con người gần như mất đi niềm tin vào cuộc sống, những mảnh đời tưởng chừng như đang ở tận cùng của xã hội.

Bằng lòng bao dung, sự kiên trì, nhẫn nại, đức tính hy sinh của mình, các anh đã giúp nhiều người lầm đường lạc lối trở về đường sáng, xóa đi những vết bẩn, viết lại trang sách cuộc đời mình, trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

Tôi có một người bạn là quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Bạn bè thường gọi vui anh là “nhà giáo đặc biệt”, bởi vì anh được đào tạo nghiệp vụ công an bài bản chứ không hề có một ngày học nghiệp vụ sư phạm, chưa bao giờ đứng trên bục giảng.

Nhưng công việc hàng ngày của anh và đồng đội, ngoài nghiệp vụ chuyên ngành, bản lĩnh thép của một sĩ quan Công an nhân dân, còn đòi hỏi tất cả những tố chất cần có nhất của một nhà giáo: Kiên nhẫn, bao dung, hiểu biết, tâm lý, và cả… nghiệp vụ sư phạm.

Khi nói về nghề của mình, anh thường dí dỏm: Nếu coi người thầy đứng trên bục giảng nhà trường là “giáo dục đi”, tức là giáo dục đạo đức, văn hóa giúp hình thành nhân cách, trình độ cho con người thì những người “thầy” trong trại giam được coi là “giáo dục lại”.

Nhiệm vụ này cũng gian nan vô cùng bởi những người phạm tội đều là những đối tượng đã trưởng thành, có nhận thức, có va chạm xã hội, từng trải và phần lớn là có sự méo mó về nhân cách.

Mỗi đối tượng vào trại là một số phận, một mảnh đời và tính cách khác nhau. Vì vậy, cũng không có một giáo án chung nào cho những người thầy đặc biệt này, mỗi phạm nhân phải là một “bài giảng” riêng. Do vậy, những “nhà giáo đặc biệt” phải rất linh hoạt trong giáo dục, cải tạo can phạm phân, chủ động tìm hiểu nắm bắt tâm lý của can phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp.

Có trường hợp phạm tội do vô tình hay vì một phút bồng bột, song cũng có không ít đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, xảo quyệt. Có người một chữ bẻ đôi cũng không biết, có người là cử nhân, có người vô công rồi nghề, có người là ông chủ, là cán bộ, công chức. Khi vào trại tạm giam, có người sợ hãi, có kẻ bất cần, đi kèm theo là những hành vi hết sức phức tạp, bất thường.

Có những can phạm khi mới vào trại, vì không đồng tình với quyết định bắt giữ của cơ quan chức năng nên đã có những hành động chống đối nhiều ngày.

Những lúc này bằng chính cái tâm, cái tình của mình, cần có những biện pháp như động viên, kiên trì giáo dục từ từ để thuyết phục họ chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.

Có những đối tượng cộm cán, côn đồ không chịu cải tạo, những nhà giáo “đặc biệt” một mặt kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, mặt khác tìm cách gần gũi, tâm sự, khơi dậy phần lương thiện còn lại giúp họ nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình.

Từng có hơn 15 năm gắn bó với công việc ở trại giam và hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với hàng nghìn phạm nhân, anh bạn tôi là người đã cảm hóa được không ít người. Anh và đồng đội cũng đã nhiều lần được khen thưởng vì thành tích cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi.

Nhưng anh tâm sự: Không có phần thưởng nào quý bằng tình cảm của can phạm nhân dành mình, cũng như không có niềm vui nào lớn hơn việc đánh thức được mầm thiện trong tâm hồn họ, để họ làm lại cuộc đời mới.

Vì vậy, dù rằng không đứng trên bục giảng, không bảng đen phấn trắng, không có một giáo trình chuẩn nào, nhưng anh và đồng đội vẫn được kính trọng gọi bằng “thầy”.

Vào ngày 19/8, kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, xin dành ít dòng viết về họ- những người mà tôi rất trân trọng và quý mến.

Thành Hưng

Chuyên mục khác