Những người truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ

18/04/2020 13:03

Để gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, hàng chục năm qua, nhiều nghệ nhân đồng bào các DTTS tỉnh Kon Tum như Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ-Triêng... tham gia truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ với mong ước duy nhất là bản sắc văn hóa của dân tộc mình không bị mai một.

Tại làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), ông A Roi - 77 tuổi, dân tộc Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm) là một trong những nghệ nhân nổi tiếng của vùng, người đã truyền dạy cho thế hệ con em các bài chiêng tiêu biểu của người Mơ Nâm nhằm góp phần lưu lại cho các thế hệ mai sau.

Ông A Roi am hiểu đặc điểm tiết tấu và biết kỹ thuật chỉnh chiêng, thuần thục các kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cũng như nghệ thuật thổi tà vẩu - một nhạc cụ truyền thống đặc trưng của người Mơ Nâm. Không để thất truyền những vốn quý của văn hóa dân tộc, hàng chục năm qua, ông tham gia truyền dạy cồng chiêng cho gần 50 thanh thiếu nhi trong làng.

Cũng như ông A Roi, ông A Nuế - 69 tuổi, dân tộc Xơ Đăng (nhánh Xơ Teng) ở làng Đăk Trăng (xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông) dồn hết tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ từng kỹ thuật, kỹ năng đánh và diễn tấu cồng chiêng. Ông tâm niệm, những người biết đánh cồng chiêng sẽ không bị cuộc sống bon chen làm quên đi cội nguồn, truyền thống, bản chất mộc mạc của người Xơ Đăng.

Ông hiểu và nắm giữ tri thức, kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Xơ Đăng. Ông diễn tấu thành thạo cả hai loại chiêng: ching honh và ching s’tiang, nắm bắt rõ các bài nhạc chiêng tùy theo nhịp điệu của từng bài. Ông còn thực hành thuần thục các loại nhạc cụ truyền thống như đàn tơ rưng, đàn klong pút. Nhiều năm qua, ông đã truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống cho trên 20 người trong cộng đồng.

Các nghệ nhân huyện Đăk Glei truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Q.Đ

 

Vốn đam mê cồng chiêng, những năm qua, ngoài việc tham gia dàn dựng các bài chiêng xoang phục vụ các lễ hội, già làng A Jiul (42 tuổi), dân tộc Gia Rai ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) còn nhiệt tình truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho các thanh thiếu nhi trong làng với mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho mai sau.

Ông A Jiul cho biết, bộ cồng chiêng 12 chiếc ông mua trên 80 triệu đồng cách đây hơn 10 năm. Vài năm trước, có người hỏi mua trên 100 triệu đồng nhưng ông không bán vì muốn lưu giữ cho gia đình và cho cả cộng đồng. Mỗi khi làng có lễ hội, ông đem bộ cồng chiêng này ra nhà rông của làng cùng hòa nhịp cồng chiêng với bà con.

Tại huyện Đăk Glei, nhiều nghệ nhân ở làng Đăk Gô, Đăk Wât (xã Đăk Kroong), Măng Rao (Đăk Pék), Ri Mẹt (Đăk Môn)... cố gắng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Giẻ-Triêng. Ngoài các bài chiêng cổ, bài chiêng truyền thống đánh trong các dịp lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, hay các điệu chiêng buồn trong các đám ma chay, nghệ nhân A Đêch (62 tuổi) ở làng Đăk Gô còn sáng tạo, biến tấu nhiều bài chiêng khác nhau theo các điệu nhạc cách mạng sôi động, biểu diễn trong các lễ mừng công, báo công, hay các lễ cưới, đặc biệt là điệu “Bông rốp”. Hơn 40 năm qua, già A Đêch đã truyền dạy trên 60 thanh thiếu niên trong làng biết đánh cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ - Triêng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao- Du lịch và Truyền thông huyện Đăk Glei cho biết: Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, đến nay toàn huyện có 84 đội cồng chiêng, 85 đội văn nghệ quần chúng. Bà con DTTS ở địa phương tích cực tham gia vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng, múa xoang. Bên cạnh việc quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, những năm qua, chính quyền địa phương và ngành văn hóa đã chú trọng đến việc giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Giẻ - Triêng với bạn bè trong nước và quốc tế thông qua việc tham gia ngày hội văn hóa - du lịch được tỉnh tổ chức định kỳ 2 năm/lần, tham gia các hoạt động văn hóa tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành khác do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức hàng năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay: Việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ mà ngành rất quan tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Ngành đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và UBND các huyện, thành phố đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong một số trường học. Ngoài ra, ngành còn vận động một số nghệ nhân tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng cho các cháu thiếu nhi tại địa phương.

Đáng chú ý, thực hiện Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh về Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020”, từ năm 2016 đến nay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức được 25 lớp truyền dạy cồng chiêng cho trên 750 thiếu nhi DTTS.

Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của văn hóa cồng chiêng. Đáng nói hơn, việc làm này còn góp phần “bảo vệ” Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không bị mai một bởi sự du nhập của văn hóa hiện đại.

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác