Những người lưu giữ khoảnh khắc cuộc sống

29/01/2020 13:05

Không chỉ đơn thuần là đi và bấm, chụp như nhiều người nghĩ, những nghệ sĩ nhiếp ảnh phải trải qua không ít gian truân, vất vả trong sự nghiệp sáng tác. Để có những bức ảnh ưng ý, đòi hỏi họ phải có niềm đam mê nhiệt huyết, sự nhạy bén và cả may mắn để nắm giữ những “lát cắt” cô đọng, những khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc sống.

Theo đuổi đam mê

Trong một buổi sáng cuối năm se lạnh, tôi gặp anh Võ Duy Tuyên – hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hơn 20 năm đeo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật là bấy nhiêu năm anh gắn bó với các đề tài về con người và vùng đất Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Những tác phẩm của anh thể hiện được góc nhìn chân thực về đời sống, sinh hoạt của đồng bào DTTS; phản ánh được nét chân chất, hồn hậu, tự nhiên về con người cũng như cảnh quan, bản sắc của núi rừng Tây Nguyên... Nhiều tác phẩm của anh đã đạt giải cao ở trong và ngoài nước; trong đó có thể kể đến: Huy chương Vàng trong cuộc thi 1st International Exhibition of Photography “World System Photo 2019”, Huy chương Vàng trong cuộc thi nhiếp ảnh 4th Circular Exhibition of Photography “ACRUVIUM CIRCUIT 2019”...

Anh Tuyên chia sẻ: Đối tượng mà tôi thích nhất khi đưa vào tác phẩm của mình là những em bé và người già tại các buôn làng. Đối với người già, tôi có thể nhận thấy ở họ có một sức sống tiềm tàng và mãnh liệt của vùng đất mà họ sinh ra. Họ như được tôi luyện trong dòng thời gian, trải qua bao mùa dãi dầm nắng mưa của núi rừng, đã hình thành nên khí chất riêng mà không nơi đâu có được. Đối với các em bé người DTTS, tôi như bắt gặp chính bản thân mình trong các em. Ở đó, các em cũng trải qua những tháng ngày lam lũ, vất vả, thiếu thốn trong cuộc sống. Các em phải tự rèn bản thân mình cứng cáp, trưởng thành để có thể phụ giúp bố mẹ trong cuộc sống. Đó là một nét đẹp, mà chỉ khi thông qua các tác phẩm của mình, tôi mới có thể diễn đạt.

Nhiếp ảnh gia Võ Duy Tuyên (bên trái). Ảnh: TT

 

Anh Tuyên chia sẻ: Qua 20 năm cầm máy, được đặt chân đến mọi vùng miền của Tổ quốc, kể cả đi nước ngoài, tôi quen với nhiều người bạn mới, được cọ xát, nâng cao tay nghề và hiểu hơn về văn hóa các vùng miền, những cách ứng xử trong đời sống sinh hoạt của từng dân tộc trên những vùng đất khác nhau. Những chuyến đi ấy tôi tiếp thu được nhiều kiến thức quý giá, để bản thân có thêm cái nhìn bao quát, thực tế, chân thực hơn về mọi sự vật hiện tượng, qua đó giúp ích cho bản thân rất nhiều trong lĩnh vực sáng tác.

Nghề nhiếp ảnh mang vẻ bên ngoài hào nhoáng, thư thái là thế, nhưng ẩn sâu trong đó là mồ hôi, công sức và sự tâm huyết đam mê của người nghệ sĩ. Đó là những đêm trằn trọc suy nghĩ đề tài để có thể cho ra đời một tác phẩm mới. Là những ngày quên cả bữa ăn, giấc ngủ để đợi chờ một khoảnh khắc trong chớp nhoáng, hay đơn giản là dành thời gian để chăm chút cho máy móc và trang thiết bị như những “đứa con” của mình. Bên cạnh đó, để nuôi được đam mê, nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng luôn phải biết dành dụm tiền nong, bởi chi phí để sắm sửa đồ nghề là không hề nhỏ, mỗi một món thường là hàng chục triệu đồng, có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.

Dưới góc nhìn của một người đã lâu năm gắn bó với nghề, anh Tuyên tâm sự: Nếu để so sánh với những nghề làm kinh tế, thì nhiếp ảnh có chút thiệt thòi, bởi thời gian, công sức, tiền bạc đều dành hết cho niềm đam mê. Chưa kể có thời điểm khách đặt dịch vụ để chụp hình, mình lại từ chối để theo những chuyến đi sáng tác dài ngày. Trong mỗi chuyến đi đó, tốn không ít chi phí đi lại, ngủ nghỉ…; chưa kể thời gian dành cho gia đình cũng ít hơn. Tuy nhiên, dù có thiệt thòi thế nào, thì đây vẫn là niềm đam mê của bản thân mình, chỉ cần được theo đuổi đã là hạnh phúc rồi. Bởi nghề nhiếp ảnh đã cho tôi rất nhiểu thứ, nó cho tôi những người bạn tuyệt vời, cho tôi sự nhiệt huyết, một mục tiêu và một đam mê cháy bỏng để tiếp tục phấn đấu trong cuộc sống này.

Lưu giữ những “lát cắt” cô đọng

Dẫu biết con đường nhiếp ảnh là nhọc nhằn, vất vả, nhưng cũng như anh Võ Duy Tuyên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Minh Đức (hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) đã 30 năm đeo đuổi đam mê này. Và như một cái duyên, các tác phẩm của Minh Đức cũng mang đậm sắc màu không gian núi rừng Tây Nguyên. Nét riêng của anh là sự tìm tòi, hướng về cái khắc nghiệt của thời tiết, cái góc cạnh của những con người trải qua sự khắc khổ, vất vả trong lao động… Các tác phẩm của Minh Đức đi sâu lột tả vẻ đẹp tự nhiên, chân chất và thần thái của nhân vật, từ nếp nhăn, làn da, đôi mắt… gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Qua 30 năm gắn bó với nghề, anh cũng đã đạt được nhiều giải thưởng lớn, nhỏ; trong đó anh đã có 3 tác phẩm đoạt danh hiệu Xuất sắc quốc gia, Huy chương Vàng 34th Chinese YMCA International Salon of Photography 2009...

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức (người thứ 2 tính từ bên phải) cùng đồng nghiệp. Ảnh: TT

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Đức chia sẻ: Đối với mình, nghệ thuật nhiếp ảnh chính là đi tìm những khía cạnh, góc khuất trong cuộc sống, để có những “lát cắt” cô đọng nhưng sinh động. Trong đó mỗi bức ảnh phải là một câu chuyện, có mở đầu và kết thúc. Tất nhiên, câu chuyện ấy phải được thể hiện qua mỗi lát cắt, từng khoảnh khắc trong mỗi lần bấm máy. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh giỏi phải là người tạo ra được những tác phẩm có hồn, mang không gian và nhân vật trong tác phẩm đến gần hơn với người thưởng thức. Tuy nhiên, để làm được điều đó, anh phải có thời gian gắn bó, trải nghiệm đủ lâu với nghề để có thể cảm nhận những yếu tố về ánh sáng, bố cục, góc máy và đặc biệt là khoảnh khắc.

Theo anh Minh Đức, nghề nhiếp ảnh chịu sự chi phối của từng thời điểm trong năm. Trong đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh phải tìm ra được những cái đẹp gắn với mỗi mùa và không gian mà họ tiếp cận. Ví dụ như trong dịp tết đến xuân về, họ thường đi theo các đề tài về vẻ đẹp đắm say của thiên nhiên, của cỏ cây hoa lá, của vạn vật.

Có thể thấy, ẩn sâu sau những bức ảnh là bao mồ hôi, công sức và sự tâm huyết đam mê của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Vất vả nhọc nhằn với những đêm trằn trọc, những giờ phút ôm máy quên thời gian để đợi chờ một khoảnh khắc..., những nghệ sĩ Duy Tuyên, Minh Đức và bao nghệ sĩ nhiếp ảnh khác ở phố núi Kon Tum này không chỉ góp phần phát triển lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật của tỉnh, nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân mà còn quảng bá, đưa hình ảnh đất và người Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung đến với mọi miền đất nước và cả thế giới.

Tất Thành

Chuyên mục khác