Những người hùng thầm lặng

03/03/2022 06:25

Tôi không biết với những người khác thì như thế nào, còn trong mắt tôi, các nhân viên y tế cơ sở chính là người hùng thầm lặng.

Trong số bạn bè của mình, tôi khá thân với một y sĩ công tác tại một trạm y tế xã vùng ven. Và như một lẽ tất nhiên, mỗi khi viết về đề tài y tế cơ sở, tôi thường lấy cảm hứng từ công việc hàng ngày của anh và đồng nghiệp, với niềm vui và nỗi buồn, nụ cười và mồ hôi, đôi khi là nước mắt.

Đôi khi, anh và đồng nghiệp trở thành “nguyên mẫu” trong một số bài viết. Khi đọc, anh chỉ cười.

Nhưng ngày 27/2 năm nay, tôi ngỏ ý muốn viết về anh- với tư cách là nhân vật chính, chứ không phải nguyên mẫu- và những vất vả, gian khổ đã trải qua trong những ngày chống dịch, thì anh gạt đi.

Hãy viết về những y bác sĩ trực tiếp điều trị cho người nhiễm Covid-19, hay những nhân viên y tế dự phòng ngày đêm truy vết, dập dịch kia kìa. Họ chính là những người hùng- anh xua tay rối rít.

Tôi đồng ý với anh rằng, trong cuộc chiến với Covid-19 đày cam go, quyết liệt kéo dài 2 năm qua, đội ngũ “chiến binh áo trắng”, nhất là những nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân, truy vết F, là người hùng. Họ đã không chọn việc nhẹ nhàng, mà sẵn sàng dấn thân gánh vác nhiệm vụ với trách nhiệm và lương tâm của thầy thuốc.

Nhưng với tôi, các nhân viên y tế cơ sở cũng là những người hùng, tuy thầm lặng. Không chỉ vì họ tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19 năng nổ và quyết liệt, mà còn vì cách họ vượt qua những khó khăn đời thường, những áp lực về cơm áo gạo tiền, khi đồng lương eo hẹp, phụ cấp còm cõi, để gánh vác gánh nặng nhiệm vụ được giao.

Bởi tôi biết, công việc của các anh không hề “đơn thuần chuyên môn” như nhiều người từng nghĩ.

Đội ngũ nhân viên y tế cơ sở nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ảnh: HL

 

Nói “theo sách”, trạm y tế cấp xã có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã. Cụ thể hơn là, thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cung ứng thuốc thiết yếu; quản lý sức khỏe cộng đồng và truyền thông, giáo dục sức khỏe; hướng dẫn về chuyên môn và hoạt động đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; thực hiện cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình theo phân tuyến và quy định của pháp luật...

Liệt kê ra như thế để bạn đọc có thể hình dung sơ lược về khối lượng công việc mà nhân viên y tế cơ sở đang phải “gánh”. Trên thực tế, rất nhiều nhiệm vụ “không tên” nhưng có “địa chỉ”- như cách gọi vui của anh.

Ví dụ như các chiến dịch tuyên truyền về dân số- kế hoạch hóa gia đình, đơn vị “cấp trên” về mở chiến dịch, nhưng sau đó “rút”, phần lớn công việc do nhân viên y tế cơ sở đảm nhận.

Hay mỗi khi người dân đau ốm, sinh đẻ, chấn thương…, trạm y tế là nơi thực hiện sơ, cấp cứu đầu tiên. Việc lặn lội đêm hôm, mưa gió, nắng nôi là bình thường; trong khi trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ thiếu thốn; chế độ chính sách còn nhiều bất cập dẫn đến thu nhập thấp, đời sống khó khăn.

Rất khó để thu hút bác sĩ mới tốt nghiệp về tuyến y tế cơ sở, nhất là vùng sâu vùng xa, không chỉ vì thu nhập thấp, mà còn vì cơ hội để cống hiến, để được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ rất hạn chế- anh chia sẻ.  

Nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 đến nay, bên cạnh việc hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn như khám, điều trị và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia..., nhân viên y tế cơ sở luôn ở tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.

Vừa tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng dịch, chấp hành nghiêm các quy định, nhân viên y tế cơ sở vừa tham gia truy vết F, tiêm vắc xin phòng Covid-19, theo dõi sức khỏe các đối tượng cách ly tại nhà cũng như tại các khu cách ly tập trung. Gần đây, còn được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại cộng đồng. Vì vậy, một bữa cơm gia đình luôn là niềm mơ ước- anh rủ rỉ.

Cường độ làm việc rất cao, thường xuyên trực 24/24h mà không được nghỉ bù, thậm chí còn phải làm liên tục cả ngày nghỉ, ngày lễ trong thời gian dài; áp lực của môi trường làm việc đầy nguy cơ, có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào... là những gì mà nhân viên y tế cơ sở phải vượt qua.

Tôi từng tham gia một chuyến truy vết với anh, nhưng phải bỏ cuộc giữa chừng, khi đứng thở dốc giữa con đường đất đỏ nắng cháy, xung quanh là bạt ngạt rẫy mì. Còn anh và đồng nghiệp đang cố gắng thuyết phục một thanh niên đeo khẩu trang và thực hiện khai báo lịch trình, dù thanh niên này tỏ thái độ bất hợp tác, có lời lẽ khó nghe.

Ở đây, nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ, phải thuộc lòng nguyên tắc: “mềm mỏng và hết sức kiên trì” - anh kể.

“Ở đây” mà anh nói là ngôi làng nằm ngoài bìa rừng, đàn ông đi làm rẫy kiếm tiền uống rượu và đong gạo. Mỗi khi có người ốm đau, nhân viên y tế phải năn nỉ để được chữa bệnh.

Nhân viên y tế cơ sở lặn lội đến từng khu dân cư tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: HL

 

Trong báo cáo hàng năm, “ở đây” không có những chuyến leo núi, băng rừng, lội suối hàng tiếng đồng hồ để vào làng tiêm vắc-xin. Không có những đêm mưa gió bão bùng lặn lội vào làng cấp cứu cho ca đẻ khó hay ngộ độc rượu. Càng không có những hắt hủi của người dân khi tuyên truyền, vận động sinh đẻ có kế hoạch.

Vì vậy, tôi thật sự vui mừng khi Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ rằng Bộ Y tế đang xây dựng nghị định trình Chính phủ mức phụ cấp 100% lương đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nếu được sự đồng thuận, mức phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở sẽ được nâng lên 100% mức lương (hiện nay đang là 40%, cao nhất 70%).

Nhưng trên tất cả, tôi vẫn mong dịch bệnh được khống chế, để những người hùng thầm lặng được ăn bữa cơm gia đình đúng nghĩa.

Hồng Lam

Chuyên mục khác