Những người gieo mầm cách mạng trên vùng đất Bắc Tây Nguyên

24/09/2024 13:01

Ngày 21/11/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành Quyết định số 1884/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Các chiến sĩ cách mạng bị địch giam giữ tại ngục Kon Tum cũng chính là những người đã gieo hạt mầm cách mạng của Đảng trên vùng đất Bắc Tây Nguyên bằng việc thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại tỉnh Kon Tum cuối tháng 9/1930 và tổ chức cuộc đấu tranh Lưu huyết của những người tù chính trị tại ngục Kon Tum cuối năm 1931.

Từ cuối năm 1929, thực dân Pháp bắt đầu đưa tù chính trị từ các tỉnh đồng bằng lên giam giữ tại ngục Kon Tum.Trong những năm 1930-1934, hàng trăm tù chính trị đã bị đày lên giam giữ tại đây.

Tháng 6/1930, thực dân Pháp đưa đồng chí Ngô Đức Đệ lên giam tại ngục Kon Tum. Đồng chí Ngô Đức Đệ sinh năm 1905, trong một gia đình yêu nước ở xã Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 01/01/1930, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt giữ tại Hà Tĩnh. Đồng chí bị địch giam ở nhà lao Hà Tĩnh, ở lao Vinh (Nghệ An), sau đó bị địch đày lên giam ở ngục Kon Tum. Tại ngục Kon Tum, với bản lĩnh và sự khôn khéo của người chiến sĩ Cộng sản, đồng chí đã tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, vận động, cảm hóa, giác ngộ các cai, đội và binh lính trong Nhà lao Kon Tum như: Đội Phụng (Huỳnh Đăng Thơ), cai Cừ (Nguyễn Cừ), cai Liễu (Huỳnh Liễu),... và lần lượt thay mặt tổ chức, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Đồng chí Ngô Đức Đệ. Ảnh tư liệu

 

Cuối tháng 9/1930, khi điều kiện đã chín muồi, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Kon Tum, còn gọi là Chi bộ binh đã chính thức được thành lập với bốn đảng viên: Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ, Nguyễn Cừ, Huỳnh Liễu. Sau khi thành lập Chi bộ binh, đồng chí Ngô Đức Đệ đã tìm cách móc nối cơ sở và thành lập chi bộ đường phố ở Kon Tum (vào đầu năm 1931). Hai Chi bộ tích cực hoạt động, tuyên truyền trong binh lính và nhân dân thị xã Kon Tum về tội ác của thực dân Pháp đối với tù chính trị làm đường ở Đăk Pao, Đăk Pék; vạch rõ thủ đoạn gây chia rẽ người Kinh với người DTTS của thực dân Pháp. Sự ra đời và hoạt động của các chi bộ Đảng Cộng sản ở Kon Tum là kết quả của việc truyền bá tư tưởng cộng sản trong hoàn cảnh hết sức đặc thù và đã để lại dấu ấn sâu sắc về con đường đấu tranh cách mạng của Đảng trong các tầng lớp nhân dân Kon Tum.

Tháng 3/1931, hoạt động của Chi bộ binh và Chi bộ đường phố bị lộ. Trước tinh thần cách mạng anh dũng, kiên trung của các đảng viên Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ, thực dân Pháp sau khi tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, đành áp giải ba đồng chí này về Nhà lao Buôn Ma Thuột. Đến giữa năm 1931, cả hai Chi bộ tan rã, tuy nhiên ngọn lửa đấu tranh tiếp tục bùng cháy, đỉnh điểm là Cuộc đấu tranh Lưu huyết vang động núi rừng.

Tháng 7/1931, địch đưa đồng chí Ngô Đức Đệ ra giam giữ ở Lao ngoài. Tại đây, đồng chí Ngô Đức Đệ đã tiếp tục cùng với các đồng chí là những chiến sĩ Cộng sản yêu nước khác như Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Lê Viết Lượng đã thành lập một ban lãnh đạo chung do đồng chí phụ trách chung để hướng dẫn anh em tù đấu tranh. Ban lãnh đạo đã thành lập Đội cảm tử, quyết tử; tổ chức lễ truy điệu 150 tù chính trị đã hy sinh trên công trường làm đường 14; gửi kiến nghị cho viên Công sứ Pháp, yêu cầu cải thiện chế độ quản thúc tù nhân.

Đầu tháng 12/1931, ban lãnh đạo chung của tù nhân biết được tin địch chuẩn bị đưa tù nhân đi làm đường ở Đăk Pék. Tất cả tù nhân đã sẵn sàng đối phó, cuộc đấu tranh đã nổ ra vào sáng ngày 12/12/1931. Bọn địch đã điên cuồng nã đạn xối xả vào các anh em tù chính trị, tàn sát đẫm máu làm 8 người hy sinh, 8 người bị thương. Sáng 13/12/1931, số anh em tù còn lại đã tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Cuộc đấu tranh của anh em tù ngày càng sôi sục. Tù chính trị đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối bắn giết. Sáng 16/12/1931, thực dân Pháp một lần nữa nã súng và lựu đạn để đàn áp cuộc đấu tranh tuyệt thực, làm 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương. Cả hai đợt đấu tranh trực diện, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí.

Ngục Kon Tum - nơi giam giữ các tù chính trị năm 1930 - 1931. Ảnh tư liệu

 

Dù bị đàn áp dã man, song cuộc đấu tranh đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người; tạo cho dư luận trong nước và thế giới biết rõ hơn về chính sách cai trị lao tù của Pháp ở Đông Dương; đã lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” của bọn thực dân xâm lược. Cuộc đấu tranh thể hiện tinh thần quyết tâm sắt đá, là mệnh lệnh thiêng liêng của trái tim, khối óc của các chiến sĩ cộng sản trước vận mệnh sống còn của đất nước, của dân tộc.

Tuy cuộc đấu tranh bị bọn thực dân đàn áp đẫm máu, nhưng kết quả mang lại là rất to lớn, đã buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và từng bước nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị đưa ra. Và nhất là, từ bỏ việc xây dựng con đường 14 xâm lược, đóng cửa và giải tán bộ máy nhà Ngục Kon Tum vào năm 1934 đã chứng minh sự thừa nhận thất bại của thực dân Pháp trước tinh thần đấu tranh quyết tử của tù chính trị và nhân dân các dân tộc nơi đây.

Sự ra đời của các chi bộ đảng và cuộc đấu tranh của những người tù chính trị tại ngục Kon Tum là biểu tượng của lý tưởng cách mạng cao đẹp, lòng yêu nước, bất khuất, kiên trung và tinh thần hy sinh anh dũng của người chiến sĩ Cộng sản. Mặc dù các chi bộ đảng ra đời và hoạt động trong thời gian ngắn; cuộc đấu tranh của những người tù chính trị cũng bị dập tắt, nhưng tinh thần đấu tranh của những chiến sĩ Cộng sản bị giam giữ tại ngục Kon Tum đã để lại dấu ấn đặc biệt, gieo mầm cách mạng trên vùng đất Kon Tum - Bắc Tây Nguyên, đặt nền móng quan trọng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Chính vì thế, ngày 17/3/2006, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum khóa XIII đã thống nhất chọn ngày 25/9/1930 là ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum và là Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Sau cuộc đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng tại ngục Kon Tum, truyền thống cách mạng của nhân dân Kon Tum tiếp nối trong dòng chảy lịch sử vẻ vang với những thành quả quan trọng: Cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến ngày toàn thắng; công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng phát triển từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay. Trong dòng chảy lịch sử ấy luôn có ánh sáng cách mạng của Đảng soi rọi, mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Kon Tum với bề dày 94 năm xây dựng và phát triển.              

Trần Thị Sáu

Chuyên mục khác