Những người du kích năm xưa

28/04/2019 13:01

Là căn cứ thuộc H16 của tỉnh Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng vùng Bắc Tây Nguyên với nhiều chiến công của những người du kích anh dũng, góp phần giải phóng Kon Tum, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tự hào với truyền thống hào hùng, những người du kích Xơ Đăng bình dị ngày ấy giờ đây càng ra sức xây dựng quê hương Đăk Ui anh hùng.

Đã ngoài 80 tuổi, sự nhanh nhẹn, tinh anh của già A Xê ở làng Văng Tó, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà khiến nhiều người trầm trồ. Dẫn đầu nhóm nghệ nhân về phục dựng lò rèn truyền thống của người Xơ Đăng nhánh Tơ Đrá tại Bảo tàng tỉnh, người xã đội trưởng, trung đội trưởng Trung đội du kích Đăk Ui năm xưa để lại dấu ấn đậm nét trên một loại hình sản xuất độc đáo có lịch sử lâu đời, đã đồng hành cùng quê hương qua những chặng đường dựng xây gian khó.

Tham gia cách mạng từ năm 1958, những tháng ngày sôi nổi và ý nghĩa nhất của chàng trai A Xê gắn liền với đồng chí, đồng đội du kích Đăk Ui anh hùng. “Đăk Ui mình có vị trí quan trọng lắm ở vùng căn cứ của tỉnh, nên địch rình rập, âm mưu đánh chiếm. Lính ngụy ở Tân Cảnh tháng nào cũng đổ bộ vào. Quân Mỹ mang biết bao nhiêu là vũ khí, dùng cả xe tăng, máy bay đánh phá. Pháo 105 ly, 120 ly của chúng đặt trên đồi cao bắn xuống vùng căn cứ,  khu dân cư ở lòng chảo nơi đây. Cho nên, trong kháng chiến, Đăk Ui khó khăn lắm, gian khổ lắm. Du kích không bảo vệ dân thì làm sao bà con yên tâm đi sản xuất. Du kích không đánh địch thì làm sao giữ được căn cứ cách mạng...” - nguyên Trung đội trưởng Trung đội du kích xã Đăk Ui - A Xê nhớ lại.        

Lịch sử Đảng bộ huyện Đăk Hà ghi nhận: Tháng 4 năm 1960, đội du kích xã Đăk Ui chỉ với 3 anh em, do A The chỉ huy đã phục kích một trung đội địch ở làng Tăm Năng, diệt 3 tên địch, thu 3 súng. Năm 1962, xã đã gây dựng và phát triển được một trung đội du kích. Lực lượng du kích ngày càng lớn mạnh, trực tiếp tham gia chiến đấu, tiêu diệt địch; giữ vững vùng căn cứ, làm bàn đạp cho quân ta giải phóng thị xã Kon Tum, góp phần giải phóng miền Nam. Giai đoạn 1968-1972, xã Đăk Ui chỉ với hơn 550 người dân, đã có 65 du kích; cứ trong 8 người dân thì có 1 người là du kích. Trong kháng chiến gian khổ, ác liệt; xã đã hình thành được tổ hợp tác, tập hợp bà con chung sức không chỉ sản xuất, tăng gia; mà còn làm hầm chông, bẫy thò… đánh địch. Từ năm 1967 đến năm 1970, toàn xã đã vót được trên 1,6 triệu cây chông, làm 422 hầm chông, 114 bẫy thò… Giai đoạn 1968-1973, đồng bào địa phương tự rèn 450 chiếc rựa, 300 cái niếc… Du kích xã đánh 289 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 885 tên địch, diệt 5 xe tăng, bắn rơi 6 máy bay, thu nhiều súng đạn của địch.

Nhắc đến nghề rèn truyền thống góp phần kháng chiến, ông A Xê tự hào: Ngày ấy khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Có cái lò rèn, mới làm được con dao nhọn vót chông, làm thò đánh giặc; làm cái cuốc, cái rựa để phát rẫy trồng mì trỉa lúa, trỉa bắp; lấy cái ăn cho dân làng, lấy lương thực nuôi bộ đội bám đất, bám dân...

Từ xa xưa, đồng bào Xơ Đăng (Tơ Đrá) ở Đăk Ui đã nổi tiếng với nghề rèn truyền thống. Lò rèn của người Xơ Đăng nơi đây gồm các bộ phận chính: lò nung, ống dẫn hơi, cối bễ. Nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng (Tơ Đrá) ở Đăk Ui độc đáo không chỉ ở cách cấu tạo, vận hành của lò rèn với bễ thụt hơi được làm bằng da con mang; mà còn bởi nguyên liệu để làm ra nông cụ, vật dụng từ quặng tự nhiên. Trong kháng chiến gian khổ và ác liệt, những người du kích kiên cường cũng là những thợ rèn mạnh khỏe đã khéo léo và kiên trì làm từng con dao, cái rựa, cái cuốc, cái chỉa... để đi rừng làm rẫy, dùng sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt hơn là góp phần quan trọng phục vụ chiến đấu.

Vắng bóng đã lâu, nghề rèn của người Xơ Đăng Tơ Đrá mới được phục dựng nhằm giới thiệu lại nghề thủ công truyền thống độc đáo, nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Xơ Đăng.

Ông A Xê (trái) làm ống lò rèn. Ảnh: TN

 

Đáng chú ý, trong số 3 người điều khiển hoạt động của lò rèn được phục dựng, hai người nguyên là du kích Đăk Ui năm xưa là ông A Néo và ông U Đé.

Ông A Néo là đội viên du kích năm xưa duy nhất ở Đăk Ui hiện còn giữ được chiếc kéo làm nghề rèn truyền thống trong kháng chiến. Năm 1962, ông tham gia du kích địa phương và năm 1969, bị thương. Ông A Néo cũng là du kích duy nhất từng tham gia dạy chữ cho đồng bào ở Đăk Ui trong những ngày xã mở lớp bổ túc văn hóa, trên mảnh đất quê hương còn bom đạn.

Ông U Đé ở thôn 6, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) - nguyên đội viên du kích xã Đăk Ui anh hùng say sưa kể về công việc đào hầm, đặt chông vô cùng vất vả nhưng ai nấy đều hăng say, nhiệt tình bất kể ngày, đêm. “Làm hầm chông tưởng đơn giản, nhưng cũng phải cẩn thận để tránh nguy hiểm cho mình, mà bẫy được quân địch. Chông làm bằng nứa, hầm cũng bằng nứa, vì nứa lợi hại lắm…”- ông U Đé nói.  

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều khoảnh rừng, đồi núi ở vùng căn cứ kháng chiến Đăk Ui đã được quy hoạch, bố trí khai hoang để trồng mì, trồng bắp; sau chuyển sang trồng cây công nghiệp như cà phê, bời lời… mang lại thu nhập cao hơn, góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào tại chỗ. Tuy vậy, nứa, tre một thời dùng làm hầm chông, bẫy thò đánh giặc vẫn luôn được sử dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Điều đặc biệt là hơn 40 năm sau ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, tổ hợp tác đan lát tre nứa ở xã Đăk Ui đã ra đời. Và hầu hết trong số 11 thành viên cao tuổi của tổ hợp tác đều là du kích năm xưa. Họ đã và đang góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, góp sức xây dựng quê hương Đăk Ui ngày một phát triển.

Thanh Như

 

Chuyên mục khác