06/03/2017 13:59
Đứa con của Bộ đội Biên phòng
Gặp chúng tôi, chị Y Xa Lâm ở thôn Chiên Chiết, xã Đăk Xú cứ rưng rưng nước mắt. chẳng kìm được sự xúc động. Chị nghẹn ngào: Chính Bộ đội Biên phòng Đăk Xú đã bắt tôi vào tù nhưng tôi biết ơn bộ đội lắm!
Không chỉ chị Lâm đâu mà chính chúng tôi, khi nghe về câu chuyện ấy cũng xúc động dạt dào.
Tháng 9/2011, chồng chị Lâm - anh Bùi Văn Thuần bị bắt vì sử dụng, buôn bán trái phép chất ma túy. Năm ấy, con trai đầu của chị mới 10 tuổi và con trai nhỏ cũng chỉ mới lên 7. Đến năm 2013, chị Lâm cũng bị Đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Đăk Xú phối hợp với Phòng Phòng chống tội phạm ma túy của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt tại nhà vì phạm tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. 2 vợ chồng chị đi tù, để lại 2 con thơ dại chênh vênh giữa đời.
|
Trước tình cảnh đó, không thể để 2 cháu nhỏ cù bất cù bơ, Đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Đăk Xú đã nhận đỡ đầu 2 cháu. “Hoàn cảnh nội, ngoại nhà Y Xa Lâm rất khó khăn nên ngay khi chúng tôi lên kế hoạch bắt Lâm, đội đã tham mưu với cấp trên sẽ nhận đỡ đầu, không để 2 cháu vì hoàn cảnh gia đình mà dở dang việc học cũng như suy sụp tinh thần” – Đại úy Phan Viết Duyến - Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Xú cho biết.
Và, ngày chị Lâm bị bắt, Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Đăk Xú liền đón 2 cháu về Đồn để nuôi dạy. Cùng với đó, Đồn cũng đến gặp gỡ nhà trường, nhờ nhà trường giúp đỡ, quan tâm đến việc học, động viên tinh thần để các em vượt qua.
Ngày ấy, vào trại, tâm chị Lâm không yên, ruột gan rối bời vì lo cho hai con không có ai chăm sóc. Rồi khi nghe gia đình báo tin hai con trai được Bộ đội Biên phòng Đăk Xú đỡ đầu, giúp đỡ đến trường, chị mừng lắm.
“Không biết nói sao để diễn tả cảm giác mừng rỡ của tôi khi ấy. Tôi vui mừng khôn cùng. Tôi đã yên tâm hơn rất nhiều và có thêm động lực để cải tạo thật tốt” – chị Lâm nhớ lại.
Trong suốt thời gian ở Đồn, con của chị Lâm được “những người bố trẻ” nuôi dạy, chăm sóc kĩ lưỡng từ việc ăn uống, sinh hoạt cho đến việc học hành. Đối xử, quan tâm nhau bằng tình cảm chân thành nên 2 cháu dần quý, dần thương, xem các chú bộ đội Đồn Biên phòng Đăk Xú như cha của mình vậy.
“Thấy các cháu còn nhỏ mà thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc của bố mẹ nên ai cũng thương. Chúng tôi xem các cháu như con mình vậy, chăm sóc rất tận tình. Được cái, các cháu rất nghe lời và hiền lành, chúng tôi thực sự rất vui mừng” – Đại úy Duyến chia sẻ.
Ở với Đồn được một thời gian, con chị Lâm được họ hàng đón về nuôi. Dù vậy, trong suốt hơn 2 năm vợ chồng chị Lâm ở trại cải tạo, ngoài việc thường xuyên động viên thăm hỏi, Đồn Biên phòng Đăk Xú còn đỡ đầu, hỗ trợ 200 ngàn đồng/tháng/cháu để gia đình lo việc học.
Năm 2015, chị Lâm được ra trại (khi ấy chồng chị Lâm bị bệnh và đã mất trong trại trước đó - PV), các cháu được ông bà nội đón về quê Bá Thước, Thanh Hóa nuôi. “Về nhìn thấy các con mà tôi mừng lắm! Đến nay cháu lớn học lớp 8 rồi, còn cháu nhỏ học lớp 6. Tôi biết ơn bộ đội nhiều lắm. Nếu bộ đội không bắt tôi, có lẽ tôi đã lún lầy vào con đường sai trái rồi. Và nếu bộ đội không cưu mang, giúp đỡ 2 con tôi, không biết bây giờ 2 con tôi sẽ thế nào, tôi cảm ơn lắm”- đôi mắt rưng rưng, chị Lâm chia sẻ.
Cải tạo tốt, được ra trại trước 2 tháng, chị Lâm được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Xú động viên tinh thần, vượt qua quá khứ để bắt đầu cho tương lai. Giờ đây, chị đã an tâm làm công nhân trong Nông trường Cao su thị trấn Plei Kần, mỗi tháng thu nhập cũng được 3-4 triệu đồng. “Mình sẽ cố gắng làm rồi đón các con vào lại đây. Mình sẽ nuôi dạy các con trưởng thành” – chị Lâm thủ thỉ.
Con nuôi của mẹ
Hôm ấy, nhìn thấy dáng áo xanh của đại úy Duyến bước vào, bà Y Dên - 90 tuổi ở thôn Đăk Long, xã Đăk Xú liền trở dậy, bước khỏi giường, nắm chặt tay anh Duyến. Lần nào cũng thế, thấy bộ đội Đồn Biên phòng đến, bà Dên cũng mừng rỡ như vậy.
Nhìn bếp núc lạnh ngắt, anh Duyến liền ra hiệu để đồng đội đi mua ít mì tôm, trứng về cho bà Dên. Rồi như đã thành việc thường làm, anh Duyến liền lấy thau nước, giặt khăn, ân cần lau mặt, lau tay cho bà. Còn bà Dên nhìn anh Duyến bằng đôi mắt đôn hậu rồi cười nụ cười hiền hòa đầy sảng khoái, hạnh phúc như người mẹ lâu ngày mới được gặp con.
“Sạch sẽ rồi, bà ngồi lên giường, đón mọi người đến thăm nhá” – Đại úy Duyến vừa nói vừa dìu bà lên giường ngồi. Không nói được tiếng Kinh nhưng ánh mắt bà Dên, nụ cười của bà nói lên niềm vui, niềm hạnh phúc khôn xiết.
C
|
Bà Dên neo đơn, không chồng không con nên tuổi già vẫn chỉ lui cui một mình. Năm 2009, ngôi nhà lụp xụp của bà cũng thành tro tàn khi bị “bà hỏa” vô tình “ghé thăm”. Biết đến hoàn cảnh của bà, Đồn Biên phòng Đăk Xú liền cùng với chính quyền xã góp tiền, mua tôn, lợp lại ngôi nhà cho bà.
Và cũng từ dạo ấy, thấy hoàn cảnh của bà tội nghiệp, Đội công tác địa bàn động viên anh em, góp tiền, giúp bà hàng tháng. “Ngoài việc mỗi tháng giúp bà 200 ngàn đồng thì cách một vài ngày, anh em chúng tôi lại nấu đồ ăn, đưa vào cho bà; thấy thiếu thứ gì, chúng tôi liền giúp. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đến khám sức khỏe cho bà nên bà quý, thương chúng tôi lắm” – đại úy Duyến nói.
Với bộ đội Đồn Biên phòng Đăk Xú, chẳng biết tự bao giờ, bà Dên đã như mẹ của mình. Một vài ngày không gặp, ruột gan nóng ran, mọi người lại tìm đến, xem bà ra sao. Bởi vậy, bà Dên cũng quý, cũng mến, cũng thương bộ đội như con của mình.
“Nay thấy bà khỏe mà ai cũng mừng. Năm 2010, khi mới nhận giúp đỡ bà, nhìn thấy bà thảm lắm, ốm yếu, tưởng chừng như không qua khỏi. Nay thì bà có thể đi lại, không nói được nhưng cứ thấy chúng tôi đến là phấn khởi đón từ xa và lần nào chào bà để về, bà cũng khóc. Thương lắm!” - đại úy Duyến kể.
Có riêng gì bà Dên, Đồn Biên phòng Đăk Xú cũng xem bà Y Vai, 61 tuổi ở thôn Kon Joi, xã Đăk Xú như người thân của mình. Bà Vai bị tâm thần, bà chỉ ở một mình nên đời sống rất khó khăn. Thấy hoàn cảnh của bà, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Xú thường xuyên xuống thăm hỏi, giúp bà 200 ngàn đồng mỗi tháng.
“Thấy người lạ đến bà hay chửi với trốn nên rất khó tiếp cận. Bởi vậy, chúng tôi phải đưa tiền cho con gái của bà để mua thức ăn cho bà” – Thiếu tá Hoàng Xuân Hân - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Đăk Xú cho hay.
Dù khó gặp gỡ nhưng hàng tháng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Xú cũng ghé thăm bà. Nhất là những ngày lễ, ngày tết, mọi người đều có mặt để động viên bà. “Chúng tôi cũng thăm khám sức khỏe cho bà thường xuyên. Việc chúng tôi giúp bà chẳng đáng kể đâu nhưng chúng tôi giúp bằng cái tâm và tấm lòng, chúng tôi muốn chia sẻ để bà có thêm niềm vui khi tuổi đã về chiều” - thiếu tá Hân bộc bạch.
Một ngày đến thăm Đồn Biên phòng Đăk Xú, chúng tôi có vô vàn xúc cảm. Tình thương yêu chân thành của các anh đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, giúp cho nhiều người vượt qua được những khó khăn, lầm lỗi để sống một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc.
Hoài Tiến