Những người “bắt mạch” các dòng sông

23/03/2019 06:25

​Quanh năm suốt tháng nghe chuyện con nước, cắt lũ đo lưu lượng, đo dòng chảy, đoán định “sức khoẻ” của các dòng sông; họ lặng lẽ, âm thầm thu thập số liệu phục vụ cho các bản tin dự báo thời tiết mỗi ngày. Đó là câu chuyện của những người làm công tác quan trắc thuỷ văn trên các dòng sông của tỉnh.

Công việc của những người làm nghề “đoán gió, đo mưa”, “bắt bệnh ông trời” lâu nay vốn là công việc thầm lặng của những người làm công tác quan trắc thuỷ văn trên các dòng sông. Quanh năm suốt tháng họ gắn bó với sông nước; các dòng sông “vừa là bạn”, vừa là “cái nghiệp” mà họ theo đuổi bấy lâu nay. Dẫu ngày hay đêm, mưa lũ, bão tố, dẫu mùa đông hay mùa hè… họ đều bám trụ trên các mặt sông đo từng thông số cung cấp về đơn vị chức năng để phân tích cho ra các thông tin dự báo thời tiết nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, công tác kiến thiết, xây dựng...

Với mong muốn được  “mục sở thị” việc làm của các anh, tôi được các nhân viên của Trạm Thuỷ văn Kon Tum cho theo chân thực hiện một ca quan trắc trên dòng sông Đăk Bla.

Để đo lưu tốc dòng chảy, lượng phù sa, biên độ dao động của mực nước... các cán bộ của Trạm phải mang máy đo lên chiếc thuyền được neo với một sợi dây cáp bắc ngang sông.

Chèo thuyền ra đến giữa dòng, anh Nguyễn Tất Tý – nhân viên của Trạm Thủy văn Kon Tum bật nắp hầm lấy một khối sắt rỗng đúc hình con cá mà những người trong ngành thường gọi: “cá sắt”. Khi “cá sắt” được thả xuống, dòng nước sẽ làm chiếc chân vịt của thiết bị đo đạc quay, tùy vào lưu tốc mà chân vịt quay nhanh hay chậm. 4 người trên thuyền, mỗi người một việc, người giữ ròng rọc, người vào buồng máy ghi chép số liệu...

Các nhân viên Trạm Thuỷ văn Kon Tum thực hiện thao tác thả cá sắt xuống sông lấy số liệu. Ảnh: T.H

 

Giữa dòng Đăk Bla, chiếc thuyền chòng chành, lúc quay dọc, lúc quay ngang giữa dòng nước, tôi không khỏi lo lắng khi trót ngồi trên thuyền cùng các anh. 

“Yên tâm đi nhà báo, thế này đã là gì, vào mùa mưa lũ, nước sông Đăk Bla chảy cuồn cuộn, hung hãn vô cùng, anh em chúng tôi phải liên tục chèo thuyền ra giữa dòng để lấy số liệu. Càng vào lúc lũ lên thì tần suất đo càng dày và mức độ nguy hiểm càng lớn. Thế mà 5 anh em vẫn nguyên vẹn cả này!” - anh Tý tếu táo rồi nở nụ cười tươi nhằm giúp tôi an tâm hơn.

Lên đến bờ, tôi thở phào bụng bảo dạ: “có lẽ đây là một thách thức không dành cho những người yếu tim”. 

23 năm làm nghề quan trắc thuỷ văn và đã có gần 20 năm lặng lẽ “bắt mạch” dòng Pô Kô, anh Nguyễn Quang Hướng – quan trắc viên của Trạm Thuỷ văn Đăk Mốt trải lòng: Ngần ấy năm gắn bó và quan sát từng “nhất cử nhất động” của dòng Pô Kô, tôi “thuộc nằm lòng” tính cách của dòng sông này, như hiểu về chính bản thân mình vậy. Con sông này, mùa khô nhìn “hiền lành” như một dòng suối với con nước êm đềm xuôi chảy; nhưng mùa lũ thì nó “trở tính, trở nết” vô cùng dữ dằn, hung tợn. Mỗi khi mưa xuống, nước sông lên rất nhanh. Khi có lũ, dòng nước cuồn cuộn, chảy xiết, lúc nào cũng như “chực chờ để nuốt chửng” những ai dám bén mảng đến gần.

Đứng trên bờ sông những ngày tháng 3 nước kiệt, nhìn thấy cả đáy sông, tôi không thể hình dung được chỉ cách đây mấy tháng thôi, con sông này đã “dành tặng” cho các anh em trong Trạm Thuỷ văn Đăk Mốt một “món quà” nhớ đời.

“Hôm ấy là ngày 23/7/2018, sau 2 ngày trời mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về ầm ầm, cây củi lao vun vút. 17h, 4 anh em của Trạm lên thuyền ra sông đo lũ. Ai ngờ, khi chuyển xong số liệu, chèo thuyền vào bờ thì không hiểu sao thuyền không thể di chuyển được. Chiếc thuyền mong manh chỉ được níu giữ bằng một sợi dây cáp, trong khi dòng sông thì cứ gầm lên hung hãn. Mọi nỗ lực vào bờ không thành công, chúng tôi phải cầu cứu đến lực lượng quân đội, công an, nhân dân trên địa bàn. Mãi đến tận 1h sáng ngày 24/7, chúng tôi mới được giải cứu. Hôm ấy, có lẽ chỉ cần một chút sơ sẩy thì có lẽ mấy anh em đã là làm mồi cho hà bá rồi!” – anh Hoàng Văn Hiên - Trưởng Trạm thuỷ văn Đăk Mốt chia sẻ.

Anh Hướng còn kể thêm cho tôi nghe câu chuyện về trận lũ lịch sử năm 2009, càng làm tôi khâm phục công việc thầm lặng nhưng vô cùng vất vả, nguy hiểm của những người “lính quan trắc”.

Anh Hướng nhớ lại: Trong trận lũ năm ấy, nước sông Pô Kô dâng cao nhất và cũng dữ dội nhất mà tôi từng biết trong suốt mấy mươi năm làm việc ở đây. Khi đó, anh em cũng đang thực hiện ca đo đạc trên sông, nhìn vào thì thấy cả khu nhà làm việc đổ ập xuống giữa dòng nước đang dâng lên cuồng nộ. Người ta thì tìm nơi trốn, tránh lũ, còn anh em chúng tôi thì thấy lũ là phải lao ra giữa sông để làm, càng lũ yêu cầu bắt buộc là phải chuyển số liệu về cho đơn vị chủ quản càng phải liên tục để phục vụ cho bản tin dự báo. Nhưng lúc đó, máy móc bị trôi sạch, điện mất, không có cách nào liên lạc được, người thì đói, lạnh, nhưng anh em vẫn phải chạy khắp nơi hỏi thăm những người có điện thoại di động để nhờ chuyển số liệu.

Toàn tỉnh hiện có 4 trạm thuỷ văn với 15 cán bộ, nhân viên đang ngày đêm làm công việc bắt bệnh cho các dòng sông: Đăk Bla, Pô Kô và Đăk Tờ Kan. Công việc tuy đầy vất vả, hiểm nguy, thế nhưng những quan trắc viên vẫn yêu sông, bám trụ với nghề.

Không ồn ào, vội vã, nhưng hàng ngày, hàng giờ, họ vẫn cứ âm thầm, cần mẫn đo độ vơi đầy của các dòng sông để có được những con số chuẩn xác nhất cung cấp cho đơn vị chức năng, góp phần tích cực vào công tác dự báo bão, lũ lụt, dự lường độ phù sa đổ về để các ngành như giao thông, thủy lợi, xây dựng làm căn cứ xây dựng các công trình...      

          Thiên Hương

Chuyên mục khác