Những ngày đầu về nơi ở mới

11/04/2019 13:04

Giống như mọi ngày, sáng sớm sau khi thức dậy, anh A Khoa và vợ lại cùng nhau vào bếp thổi cơm để mang theo ăn bữa trưa và chuẩn bị dụng cụ đồ nghề để ra Nông trường 4 của Công ty CP Đầu tư Phát triển Duy Tân học cạo mủ cao su. Anh chị phấn khởi lắm, vì từ khi lấy nhau đến bây giờ mới được học một cái nghề và sắp tới có được một công việc cùng thu nhập ổn định. Gần 1 tháng nay, kể từ khi về nơi ở mới, trong căn nhà mới, ngày nào, gia đình anh chị cũng rộn rã tiếng cười vui.

Những ngày đầu…

Cũng giống như gia đình anh A Khoa, 13 gia đình khác ở điểm dân cư 64, thôn Ia Dơr, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai cũng có người đang theo học lớp cạo mủ cao su ở Nông trường 4. Họ là những hộ dân của xã Sa Bình và xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) chuyển đến đây sinh sống từ ngày 7/3/2019 theo Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư theo Quyết định số 285 ngày 23/3/2018 của UBND tỉnh.

Ngoài việc được học cạo mủ cao su, trước khi về nơi ở mới, mỗi hộ dân ở đây còn được cấp 1 căn nhà có diện tích 56m2 được xây dựng từ khoản tiền Công ty hỗ trợ các hộ dân vay (30 triệu đồng/căn) cùng nhu yếu phẩm và một số vật dụng sinh hoạt khác.

Cùng với việc học cạo mủ, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, gia đình anh A Khoa và 13 hộ dân nơi đây tất bật sửa soạn, cơi nới nơi ở của mình. Mọi người làm thêm gian bếp, làm khu tắm rửa, lắp thêm vài bóng điện… Ai nấy đều hân hoan. “Anh em xa không bằng láng giềng gần”, mọi người nhanh chóng hòa hợp, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ thế, đến nay, 14 hộ dân gần như đã ổn định nơi ăn chốn ở của mình. 

Ngồi dưới căn nhà 2 gian, gồm 1 phòng khách và 1 phòng ngủ, anh A Khoa chia sẻ, từ khi chuyển về thôn Ia Dơr ở đến nay, anh và các hộ dân ở đây thường xuyên được lãnh đạo tỉnh và địa phương đến thăm, động viên và tặng quà. Được quan tâm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như được biết những kế hoạch, chính sách sắp tới dành cho các hộ di dân, anh và mọi người đều rất yên tâm.

“Trước kia ở thôn Khúc Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, gia đình 4 người của tôi không có nơi ở, phải ở chung với họ hàng trong căn nhà tạm. Hàng ngày, vợ chồng tôi đi làm rẫy thuê kiếm sống qua ngày. Khi qua đây, chúng tôi được cấp nhà mới, được học nghề và sắp tới được nhận làm công nhân cạo mủ cao su, rồi có thu nhập ổn định để nuôi gia đình, tôi vui lắm” - anh A Khoa nói.

Cách nhà anh A Khoa không xa là nhà của chị Vi Thị Xuyên. Trước đây, gia đình chị Xuyên ở xã Rờ Kơi. Chị Xuyên cũng giống anh A Khoa, không có nhà phải ở chung với gia đình anh ruột, thu nhập gia đình phụ thuộc vào tiền đi làm rẫy thuê của chị. Tuy nhiên, chị Xuyên còn hoàn cảnh hơn, vì một mình chị đang phải nuôi 2 con nhỏ.

Trong đợt di dân đầu tiên của điểm dân cư 64 này, chỉ có gia đình chị Xuyên là ở xã Rờ Kơi, 13 hộ gia đình còn lại đều ở thôn Khúc Na, xã Sa Bình. Những ngày đầu về nơi ở mới không có hàng xóm, láng giềng cũ, nhưng chị lại được mẹ ruột mình sang ở cùng, bên cạnh đó, hàng xóm mới cũng rất quan tâm, chia sẻ nên chị cũng bớt tủi thân hơn.

Nhờ sự quan tâm thường xuyên của các cấp chính quyền địa phương, chị Vi Thị Xuyên đã nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới. Ảnh: ĐT

 

Khác những ngày thường, hôm nay, nhà chị Xuyên rộn ràng hẳn lên. Chị Xuyên cho biết, nhân dịp hoàn thành mái hiên trước nhà và gian bếp, chị cùng mọi người làm mâm cơm cúng tổ tiên để khánh thành nhà mới.

Những ngày đầu về nơi ở mới, việc nhớ cuộc sống ở nơi cũ, nhớ người thân, nhớ hàng xóm, láng giềng là điều không thể tránh khỏi… Anh A Khuyết (từ thôn Khúc Na, xã Sa Bình chuyển đến) tâm sự, những ngày đầu tiên sang Ia Dơr ở, anh rất nhớ nơi ở cũ, nhưng được sự động viên của người thân, được sự quan tâm, hỏi thăm của các cấp chính quyền, đến nay đã quen dần với cuộc sống mới.

Hỗ trợ tối đa để người dân an cư lạc nghiệp

Ở nơi ở mới, đường, điện, trường học mầm non cũng được đầu tư bài bản. Vì được khảo sát trước nên nước sinh hoạt cho các hộ dân được cung cấp đầy đủ. Ông Chế Hồng Quyền – Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết, tạm thời ở đây, 2 gia đình đang dùng chung 1 giếng nước. Trong thời gian tới, nếu giếng nào có hiện tượng cạn nước, chúng tôi sẽ tiến hành đào giếng mới, cần thiết sẽ cho di chuyển các hộ dân không có nước sang vị trí có nguồn nước thuận lợi trong điểm dân cư 64 để sinh sống.

Ông Quyền cũng cho hay, để đảm bảo an ninh trật tự, xã Ia Tơi đã thành lập tổ công tác địa bàn, túc trực 24/24h gồm đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã làm tổ trưởng và các thành viên là Bộ đội Biên phòng, Công an xã, Dân quân xã, Trưởng thôn. Ngoài công tác nắm địa bàn và đảm bảo an ninh trật tự, tổ công tác còn có nhiệm vụ nắm tâm tư nguyện vọng, cũng như hỗ trợ các hộ dân khi cần.

“Chế độ chính sách Nhà nước cho các hộ dân cũng được quan tâm, việc chuyển hộ nghèo của các hộ dân sang nơi ở mới đang được thực hiện” - ông Quyền nói.

Ông Quyền cũng thông tin thêm, sắp tới, khi các hộ dân hoàn thành khóa học cạo mủ xong sẽ được Công ty CP Đầu tư phát triển Duy Tân phân lô để cạo. Bên cạnh đó, Công ty cũng hỗ trợ 40ha đất/14 hộ dân để canh tác, sản xuất nông nghiệp. Sắp tới, xã cũng sẽ lên kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, cung cấp cây giống, con giống cho các hộ dân.

Nơi ở mới của 14 hộ dân ở điểm dân cư 64, thôn Ia Dơr. Ảnh: ĐT

 

Bên cạnh đó, chuyện học cho con em của các hộ dân mới chuyển về cũng được ngành Giáo dục, địa phương quan tâm. Các thầy cô của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn và Trường Trung học cơ sở Trần Quốc Tuấn đã cùng nhau vượt hơn 60 cây số từ trung tâm xã Ia Tơi đến nơi ở của 14 hộ dân, cùng chính quyền xã vận động các phụ huynh cho các thầy cô được đưa 19 em (16 em bậc Tiểu học, 3 em bậc THCS) là con của các hộ dân về 2 trường ngoài trung tâm xã để nuôi ăn học.

Thầy Hà Ngọc Khanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, nắm bắt được hoàn cảnh các gia đình mới chuyển đến còn khó khăn, đều không có phương tiện đi lại, Ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô đã đến tận nhà vận động các phụ huynh để đón các em về trường nuôi ăn học. Nguồn kinh phí nuôi các em ăn học, được trường vận động từ các mạnh thường quân. Hiện tại, có 16 em ở nội trú (cả thứ Bảy và Chủ nhật), hầu hết các em còn rất nhỏ, đều đang học lớp 1 và lớp 2.

“Ngoài giờ dạy trên lớp, thầy cô nhà trường còn thay phiên nhau chăm sóc các em từ ăn uống, sinh hoạt, đến giấc ngủ. Những ngày đầu về ở nội trú, các em đều khóc nhớ nhà, nhớ bố mẹ, có em còn bị ốm. Các thầy cô đã động viên, ăn cùng, ngủ cùng các em. Đến nay, các em đã hòa nhập với các bạn học sinh khác, hòa nhập với nơi ở và môi trường học tập mới, không còn lạ lẫm và bỡ ngỡ như lúc mới về” - thầy Khanh chia sẻ.

Với sự quyết liệt từ chỉ đạo, thực hiện, cũng như quan tâm sát sao của các cấp, các ngành, 14 hộ dân đầu tiên về sinh sống tại điểm dân cư 64 đã nhanh chóng ổn định cuộc sống và yên tâm làm ăn ở nơi định cư mới, tạo tiền đề để huyện Ia H’Drai sẵn sàng đón nhận các hộ dân khác về ở, theo kế hoạch của Đề án di dân trong thời gian tới.

Đức Thành

Chuyên mục khác