Những năm tháng không thể nào quên

04/04/2022 06:02

Chiến tranh đã lùi xa. Nhưng hàng năm cứ đến những ngày tháng 4 lịch sử, ông Phạm Cát – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trung Thành, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum lại bồi hồi nhớ về một thời hào hùng – chiến dịch Xuân-Hè năm 1972 tại chiến trường Đăk Tô-Tân Cảnh.

Bên tách trà chiều, ông Phạm Cát kể về cuộc đời, gia đình ông gắn bó với sự nghiệp của cách mạng. Ông sinh năm 1946, quê ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Cũng như bao thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, năm 1964 khi mới 18 tuổi, ông tham gia du kích xã Tam Dân. Năm 1965, tổ chức thấy ông nhanh nhẹn, can đảm, phân công làm giao liên khu vực phía Bắc thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ). Năm 1969-1970, ông được điều về Khu điều dưỡng Ban Tổ chức Khu ủy 5.  

Trước những diễn biến trên chiến trường miền Nam, cuối năm 1971, ông được Khu ủy 5 tăng cường cho tỉnh Kon Tum. Theo đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum đưa ông về H80 (Đăk Tô) công tác. 

“Trong những ngày tháng trước khi diễn ra Chiến dịch Xuân-Hè năm 1972, tôi cùng một số đồng chí trong đội công tác được phân công nắm bắt tình hình địch để báo cáo Huyện ủy H80. Đồng thời, tôi cũng như nhiều đồng chí đang công tác được chỉnh huấn, học tập chính trị và phối hợp với Trung đoàn 66 tham gia chiến dịch. Trước khi đánh vào căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh, ta chuẩn bị lương thực, thuốc men, dự kiến đánh địch trong nhiều ngày để tiêu diệt địch, giành quyền kiểm soát chiến trường”- ông Phạm Cát kể.

Tra lại Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum (tập I) ông cho tôi biết, sau khi thực hiện thành công kế hoạch nghi binh thu hút sự chống đỡ của địch, đêm 23 rạng ngày 24/4/1972, Sư đoàn 2 của ta được tăng cường Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công cùng Tiểu đoàn 304 của tỉnh Kon Tum và một bộ phận pháo binh, pháo cao xạ, xe tăng do Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và Chính ủy Lê Đình Yên chỉ huy đột phá cụm phòng ngự Đăk Tô-Tân Cảnh của địch.

Trước thế tấn công như vũ bão của quân ta, đặc biệt là sự xuất hiện của một lực lượng lớn bộ binh ta cùng với xe tăng và vũ khí lạ (tên lửa chống tăng) đã áp đảo, đè bẹp hoàn toàn sự chống cự của địch. Công sự trong căn cứ địch lần lượt bị sụp đổ, kho đạn nổ tung, kho xăng bốc cháy, khu trung tâm thông tin bị đạn pháo ta phá hủy; hầm chỉ huy Sư đoàn 22 và các công sự án ngữ ở các hướng bị đạn B72 của ta bắn sập. Lần đầu tiên, tên lửa chống tăng của quân ta xuất hiện trên trận địa làm cho quân địch bạt vía kinh hồn. Cố vấn Mỹ và chỉ huy của địch ở cụm phòng ngự Đăk Tô-Tân Cảnh vội vã dùng máy bay lên thẳng tháo chạy. Đại tá Tôn Thất Hùng, phái viên của Tư lệnh Quân đoàn 2 lên làm nhiệm vụ đốc chiến trên chiến trường cũng bám theo. Đại tá Lê Đức Đạt - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 22 của địch bị bắn chết tại chỗ; Đại tá, Sư đoàn phó Vi Văn Bình cùng phần lớn sĩ quan tham mưu của địch bị bắt sống.

“Trong cuộc quyết chiến chiến lược ấy, tôi đi với anh Dần – Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng với một số đồng chí trong đội công tác kêu gọi lính địch đầu hàng, khi ra đến ngã ba Đăk Tô (Khu tượng đài hiện nay) thì bị đạn từ máy bay địch bắn xuống bị thương ở ruột (lúc đó là 3 giờ chiều ngày 24/3) và được dân công khiêng vào tuyến sau để chữa trị, bác sỹ mổ nối ruột. Sau đó, chuyển về trại thương binh, giám định thương binh ¾”- ông Phạm Cát nhớ lại. 

Trong quá trình hoạt động cách mạng, kể từ khi rời gia đình lên chiến khu cho đến ngày giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, cuộc đời ông Phạm Cát đã bao lần đứng bên lằn ranh sinh tử như: Khi thì bị máy bay địch phát hiện quần thảo và xả đạn; khi thì bị nước lũ cuốn trôi; khi thì bị sốt rét rừng hành hạ… tưởng chừng không dậy được. Nhưng với niềm tin vào Đảng, tin vào ngày chiến thắng cùng với sự can trường và may mắn, ông đã vượt qua tất cả cho đến này thắng lợi cuối cùng.

Ông Phạm Cát giới thiệu về Bằng khen của thôn. Ảnh: VN

 

Ông Phạm Cát trao đổi với người dân trong việc xây dựng tuyến đường hoa tại thôn Trung Thành. Ảnh: VN

 

Trong những năm chiến tranh, dù được tổ chức phân công làm nhiệm vụ gì, ông cũng không nề hà và cố gắng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng giao. Ngay cả khi nghỉ hưu, mặc dù tuổi cao, sức khỏe không còn như xưa và trải qua nhiều nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ thôn, rồi bí thư kiêm trưởng thôn, nhưng ông vẫn luôn sâu sát công việc ở khu dân cư, được người dân, cấp ủy và chính quyền địa phương tín nhiệm. Đồng thời, thôn Trung Thành được Đảng ủy, UBND xã chọn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu để nhân ra diện rộng. 

Những ngày tháng 4 lịch sử - mùa hè đỏ lửa chiến trường Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972 lùi xa - nhưng dấu ấn về một thời hào hùng không thể nào phai trong lòng ông.                     

Văn Nhiên      

Chuyên mục khác