Những lớp học cồng chiêng ở Tu Mơ Rông

26/11/2020 13:05

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng của dân tộc Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, mới đây, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch mở 2 lớp dạy cồng chiêng, xoang ở thôn Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông), thôn Pu Tá (xã Măng Ri) và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ bà con.

Chiều tà, sương mù buông xuống mỗi lúc một dày hơn. Già làng A Né (thôn Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông) khơi bếp lửa giữa nhà sàn. “Chiều nào tôi cũng tranh thủ nổi lửa sớm để mọi người đến học thấy ấm hơn. Ban ngày bà con đi làm, tối đến mới tập trung lại học cồng chiêng và  xoang” - già A Né rủ rỉ.

Đúng như lời già làng A Né nói, khi mặt trời vừa khuất sau núi, bà con trong thôn vội vàng về nhà tranh thủ cơm nước rồi tập trung đến điểm tổ chức lớp dạy cồng chiêng. Ai nấy đều phấn khởi, hào hứng như thể trước đó không phải là một ngày làm việc vất vả. 

Là một trong những học viên có mặt sớm nhất, chị Y Thu chia sẻ: Vì ban ngày ai cũng bận làm rẫy nên phải tranh thủ học buổi tối. Đi làm về, tôi tranh thủ lo cơm nước cho gia đình rồi mới đến đây. Rẫy khá xa nhà nên mất nhiều thời gian, cũng cập rập lắm. Nhưng vì mê cồng chiêng quá nên từ lúc lớp khai giảng đến nay, tôi chưa nghỉ bữa nào. Càng học tôi càng bị lôi cuốn bởi âm thanh cồng chiêng và các điệu múa xoang mà nghệ nhân truyền dạy.

Các học viên được nghệ nhân hướng dẫn tận tình. Ảnh: V.T

 

Cũng như chị Thu, anh A Phê rất hào hứng khi đến với lớp học. “Cả ngày đi làm tôi chỉ mong đến tối để được đi học. Không chỉ riêng tôi, ai ai cũng thấy hào hứng, tập trung theo dõi nghệ nhân biểu diễn, hướng dẫn kĩ thuật đánh cồng chiêng. Tôi nghĩ mình phải cố gắng học để sau này có thể truyền dạy cho con mình, góp sức lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa” - anh A Phê vui vẻ nói.

Anh A Liệu - cán bộ văn hóa xã Tu Mơ Rông cho biết: Lớp học có 22 học viên, do 3 nghệ nhân A Né, A Phương, A Dôn hướng dẫn. Trước đây, thôn đã có 1 bộ cồng chiêng (12 cái), vừa qua được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng thêm một bộ và 1 chiếc trống để thuận tiện hơn cho việc giảng dạy.

Lớp học ở thôn Pu Tá (xã Măng Ri) khai giảng vào ngày 18/10 với 20 học viên. Bận rộn với ruộng rẫy và việc nhà, nhưng những học viên đều có điểm chung là đam mê cồng chiêng, xoang.

Ông A Đan - một trong ba nghệ nhân đứng lớp cho biết: Lớp học bắt đầu từ 19h, có rất ít trường hợp đi muộn hoặc nghỉ học. Chính điều này trở thành động lực cho các nghệ nhân tiếp tục công việc “truyền lửa” đam mê cồng chiêng. Hiện mọi người đang tập hai bài chiêng, đó là “Mừng chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh” và “Dân tộc yêu Cụ Hồ”.

“Trước khi lớp học được mở, nhiều người nghĩ sẽ chẳng mấy ai mặn mà theo học đâu. Nhưng thật bất ngờ, học viên đăng ký đông, đi học đầy đủ, nên tôi rất vui. Cũng bớt đi nỗi lo cồng chiêng, xoang sẽ mai một” - ông A Đan phấn khởi chia sẻ.

Cũng như ông A Đan, nghệ nhân A Len vui mừng khi thấy bà con trong thôn vẫn giữ được tình yêu với cồng chiêng, xoang. “Tôi thấy vinh dự khi được truyền dạy cồng chiêng, xoang cho bà con, vì đây là một nét đẹp truyền thống của người Xơ Đăng. Thông qua lớp học này, chúng tôi dạy các kiến thức và kĩ năng cơ bản như tư thế cầm, góc, lực đánh đúng của dùi và cách ngắt, nhả âm - nghệ nhân A Len bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Đang - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao, du lịch và truyền thông huyện Tu Mơ Rông, 2 lớp học cồng chiêng, xoang do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở tại hai xã Tu Mơ Rông và Măng Ri đã góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông.

Văn Tùng

Chuyên mục khác