Những kỷ niệm không thể nào quên

13/10/2017 13:02

Tôi vào Báo Kon Tum khi cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh được thành lập hơn một năm. Báo Kon Tum được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định thành lập ngày 14/10/1991, nhưng phải gần 3 tháng sau, ngày 1/1/1992, mới xuất bản số đầu tiên.

Cùng với các anh Võ Tấn Long, Lê Văn Thiềng, Bùi Quang Vinh, Hoàng Nhật Hằng, Hà Xuân Vinh, vốn được cơ quan cũ phân công lên Kon Tum xây dựng tờ báo mới, tôi và một số đồng nghiệp nữa được Báo tuyển dụng, được xem là những “tân binh” ngay từ những ngày khởi đầu tạo dựng cơ nghiệp của Báo.

Làm báo hồi đó rất cực khổ, thiếu thốn trăm bề. Cơ quan có mấy dãy nhà cấp 4 cũ kỹ. Một số phòng dùng để làm việc; một số phòng dùng làm chỗ ở tập thể cho cán bộ, phóng viên và nhân viên trong cơ quan. Tài sản cơ quan chỉ có một chiếc xe ô tô cũ 4 chỗ, một chiếc xe Honda, một máy đánh máy chữ, hai máy chụp ảnh và vài bộ bàn, ghế, tủ được trang bị cho các phòng làm việc.

Phóng viên đi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Q.Đ

 

Chuyện phóng viên tác nghiệp hồi đó cũng cực kỳ khó khăn. Đi làm việc với các cơ quan trong thị xã, chủ yếu là đi bộ. Mỗi khi đi công tác ở huyện, phóng viên phải đi bằng xe đò. Lâu lâu mới mượn được xe máy của cơ quan để đi tác nghiệp ở huyện. Phải đến vài năm sau, một số phóng viên tiết kiệm lắm mới sắm được chiếc xe đạp để đi làm.

Có nhiều kỷ niệm đáng nhớ làm báo thời đó, nhất là những năm 1992-1994. Một lần, tôi được Ban Biên tập phân công đi công tác huyện Đăk Glei cùng với đồng chí Sô Lây Tăng - Bí thư Tỉnh ủy giai đoạn đó. Khi lên huyện tác nghiệp, tôi lấy quyển sổ công tác ghi chép những điều mắt thấy, tai nghe. Tôi ghi chép liên tục khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với lãnh đạo huyện, cả khi đi kiểm tra công việc thực tế.

Một lúc sau, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến bên tôi vỗ vai hỏi: “Cháu Định làm báo mà không có máy chụp ảnh à?”. Tôi lí nhí đáp: “Thưa bác, cháu chưa có máy ảnh. Phòng Phóng viên chỉ có một máy ảnh nên người khác mượn đi làm rồi ạ!”. Thú thật, lúc đó tôi thấy tủi thân lắm, vì làm báo mà chưa mua sắm được cho mình phương tiện đi lại và công cụ hành nghề.

Cũng trong giai đoạn đó, một lần khác, tôi được lãnh đạo cơ quan cử đi công tác huyện Kon Plông (cũ) cùng với đồng chí Nguyễn Hồng Quang – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Ở xã Hiếu ba ngày, tôi cảm nhận được tình cảm chân thành của người dân địa phương dành cho cá nhân chú Quang. Trong các buổi gặp mặt, nhiều người ôm chú Quang khóc, kể lại những kỷ niệm cũ. Nếu lúc đó có máy ảnh, ghi lại những khoảnh khắc thân thương, tình cảm đáng trân trọng ấy thì hay biết chừng nào.

Chú Quang kể chuyện với tôi rằng ông hoạt động cách mạng ở vùng này từ thời thiếu niên, những năm 1950-1975. Sau khi đất nước thống nhất, vì bận nhiều việc ở tỉnh nên ông chưa có dịp về thăm bà con. Mãi đến 23 năm sau, tức là đầu năm 1993, ông mới có dịp trở lại nơi này.

Sau chuyến công tác này, nhận thấy cuộc sống của người dân vùng căn cứ cách mạng còn quá khó khăn, chú Quang bàn với các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ. Thế là, Tỉnh ủy chỉ đạo cho Ban Định canh định cư - Kinh tế mới của tỉnh chọn làng Vi Kơ Lơng (xã Hiếu) làm thí điểm.

Ban đã vận động nhân dân dời làng ra gần đường Quốc lộ 24 làm nhà ở, xây dựng vườn rau xanh, hướng dẫn bà con canh tác lúa nước, xây dựng một thủy điện nhỏ... Làng Vi Kơ Lơng có được như ngày hôm nay là nhờ chủ trương hồi ấy của Tỉnh ủy, trong đó có công lao của chú Nguyễn Hồng Quang.

Qua một năm thí điểm, thấy mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, đầu năm 1993, Tỉnh ủy tổ chức các đoàn công tác về các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện khó khăn nhất của tỉnh để tìm hiểu thực trạng, tình hình kinh tế - xã hội, đưa ra các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ các xã này phát triển.

Ngoài huyện Kon Plông, Tỉnh ủy tổ chức hai đoàn đi khảo sát việc này. Một đoàn do đồng chí Ka Ba Tơ – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu tiến hành khảo sát 7 xã vùng khó khăn thuộc huyện Đăk Tô (cũ). Một đoàn do đồng chí Nguyễn Thanh Cao – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu khảo sát các xã khó khăn thuộc huyện Đăk Glei. Tôi may mắn được cơ quan cử đi công tác cùng hai đoàn khảo sát này nên hiểu rõ các vấn đề cần làm.

Sau đợt khảo sát đó, Tỉnh ủy họp bàn và quyết định hỗ trợ cho 3 huyện Kon Plông, Đăk Glei, Đăk Tô – mỗi huyện một tỷ đồng để giải quyết những khó khăn trước mắt. Về lâu dài, cần có một chủ trương đúng đắn, dài hơi nhằm giúp các xã khó khăn phát triển một cách cơ bản, bền vững hơn.

Và chủ trương đó ra đời bằng Chỉ thị số 10/1994/CT-TU, trong đó Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh nhận đỡ đầu, giúp đỡ một xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm 1996, Chỉ thị số 10 được nâng lên thành Nghị quyết số 01/NQ-TU của Tỉnh ủy, và hiện nay là Nghị quyết số 04/NQ-TU của Tỉnh ủy khóa XV.

Nhân dịp Báo Kon Tum tròn 26 tuổi (14/10/1991 – 14/10/2017), xin được kể một vài kỷ niệm trong cuộc đời làm báo và gắn bó với Báo Kon Tum để hiểu hơn về chặng đường xây dựng và phát triển của tờ báo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Quang Định    

Chuyên mục khác