19/06/2019 06:12
5 phút với Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Lần đầu tiên tôi được gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào ngày 4/11/1993 tại Lễ khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Yaly (tỉnh Gia Lai). Đoàn xe công vụ của Chính phủ vừa tới hiện trường, Thủ tướng bước xuống xe với phong thái đĩnh đạc, đi chậm rãi từng bước và bắt tay chào hỏi từng người dân trước khi lên lễ đài chuẩn bị các nghi thức của Lễ khởi công.
Ngày hôm sau 5/11, đoàn công tác Chính phủ lên thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum tại Hội trường Ngọc Linh (thành phố Kon Tum). Đến giờ nghỉ giải lao buổi sáng (15 phút), tôi mạnh dạn xin phép Thủ tướng hỏi về cảm nghĩ khi lần đầu tiên ông tới thăm và làm việc tại Kon Tum. Ông dành cho tôi một cuộc phỏng vấn ngắn vỏn vẹn chỉ có 5 phút nhưng đã nói lên được tổng quan một cách ngắn gọn về vùng đất và con người Kon Tum.
Khi phát biểu kết luận sau một ngày làm việc căng thẳng với tinh thần trách nhiệm cao, ông nói chậm rãi, phân tích từng vấn đề. Giọng nói ấm cúng, rõ ràng từng chữ, từng câu một, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, những thuận lợi, khó khăn, những giải pháp trọng tâm... để lãnh đạo tỉnh Kon Tum quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng ở địa phương.
|
Hai ngày ở quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều 4/10/2013, đọc tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần tại Hà Nội, nước mắt tôi đã rơi trên chiếc máy tính xách tay. Tôi tiếc thương một vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam đã mãi mãi ra đi về cõi vĩnh hằng, dù chưa một lần được gặp ông bằng xương bằng thịt.
Là người học chuyên ngành môn lịch sử ở đại học, tôi đã đọc nhiều cuốn sách ông viết cũng như nhiều tác giả khác viết về ông. Vì thế, tôi hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp, đức độ, một thiên tài quân sự, một tướng lĩnh tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày 12-13/10/2013, tôi được cơ quan cử tham gia đoàn công tác của tỉnh ra Quảng Bình dự Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn công tác của tỉnh đã về quê hương đại tướng - làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình - thăm căn nhà cũ của gia đình khi ông sống những năm mới chào đời. Căn nhà đơn sơ với hàng dâm bụt thẳng tắp; trong nhà còn giữ lại những đồ dùng sinh hoạt cổ xưa....
Điều đọng lại trong tôi của chuyến đi này là tận mắt chứng kiến tình cảm chân thành của người dân quê hương đối với đại tướng. Trong suốt gần 10 ngày tang lễ, nhà nhà đều treo cờ rũ, ai ai cũng tỏ lòng thương tiếc sự ra đi của người con quê hương Quảng Bình nghĩa nặng tình sâu.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Hội trường Tỉnh uỷ Quảng Bình cùng lúc tại thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong Lễ truy điệu, hàng trăm con người ai ai cũng khóc, tiếc thương vị Đại tướng.
Tại Lễ an táng chiều 13/10 hôm ấy, người dân đứng chật 2 bên đường ra vào sân bay Đồng Hới để đón di hài của Đại tướng từ Hà Nội đưa vào bằng đường hàng không. Khi đoàn xe đưa di hài Đại tướng đi từ sân bay về an táng ở khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, người dân quê hương Quảng Bình và người dân của nhiều tỉnh khác kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt vị tướng lĩnh tài ba đã về nằm lại vĩnh viễn trong lòng Đất Mẹ - Quảng Bình quê hương ông.
Một buổi với nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn
Cũng như nhiều người dân Việt Nam khác, tôi say mê và yêu nhạc Trịnh từ thuở cắp sách đến trường. Mãi đến năm 1997, tôi mới có cơ hội gặp người nhạc sĩ tài ba họ Trịnh.
Buổi sáng hôm ấy, tôi cùng một số văn nghệ sĩ ở Kon Tum đi đón ông và các thành viên từ Thành phố Hồ Chí Minh bay ra sân bay Pleiku. Đoàn lên nghỉ tại Khách sạn Đăk Bla. Ngoài Trịnh Công Sơn, trong đoàn có các nhạc sĩ và ca sĩ khác như Thế Hiển, Từ Huy, Khắc Triệu - Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thuỷ Tiên, Tam ca Áo Trắng... Đoàn chỉ biểu diễn ở Kon Tum một đêm duy nhất tại sân vận động cũ của tỉnh.
Chúng tôi vinh dự được ngồi trò chuyện với nhạc sĩ ở Khách sạn Đăk Bla suốt buổi chiều hôm ấy. Trịnh Công Sơn ăn ít. Ông thích nhâm nhi từng ly rượu rồi tâm sự với chúng tôi về chuyện đời, chuyện tình yêu, chuyện sáng tác nhạc, chuyện nhân tình thế thái... Tôi thấy ở con người nhạc sĩ toát lên sự trải nghiệm của cuộc đời, những ưu tư về cuộc sống, lòng yêu nước thương dân, quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Và tôi đã hiểu vì sao người nhạc sĩ tài hoa này lại có những ca từ thể hiện trong hàng trăm, hàng ngàn ca khúc làm say đắm lòng người với nhiều thế hệ đến như thế.
Với tôi, những kỷ niệm ấy luôn là niềm tự hào và sẽ còn đọng lại mãi mãi trong tâm trí không bao giờ quên.
Quang Định