Những kết quả trong thực hiện Chính quyền số

03/09/2023 13:29

Qua việc triển khai thực hiện Chính quyền số, các cấp chính quyền ở tỉnh dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin, trong đó trọng tâm là về cơ sở dữ liệu (CSDL) và dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, tạo ra những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), góp phần xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp.

Đến nay, việc thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (Hệ thống) tỉnh đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư và kết nối, chia sẻ dữ liệu với 15 Hệ thống của các bộ, ngành Trung ương. Theo đó, đã cấp cho công chức, viên chức, nhân viên truy xuất CSDL quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC tại 3 cấp chính quyền và các trường học của tỉnh để phục vụ tuyển sinh đầu cấp 1.483 tài khoản.

Hệ thống tỉnh được tái cấu trúc, đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định “về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”. Đồng thời, triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC thông qua tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR code qua Zalo... và cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế-xã hội nhanh chóng, hiệu quả.

Cán bộ Bộ phận một cửa huyện Kon Rẫy giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: T.V.P

 

Tính đến đầu tháng 7/2023, toàn tỉnh có 1.730 TTHC. Trong đó, triển khai 1.052 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chiếm 60,81%; 207 dịch vụ công trực tuyến một phần, chiếm 11,97%; còn lại 471 dịch vụ công không đưa lên trực tuyến, chiếm 27,23% tổng số TTHC. Đồng thời, cung cấp, tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.052 dịch vụ, đạt 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện. Theo đó, người dân và doanh nghiệp đăng ký 6.566 tài khoản để nộp hồ sơ trực tuyến; trong đó, 6.451 tài khoản của người dân và 115 tài khoản của doanh nghiệp.

Tổng số hồ sơ giải quyết trực tuyến thông qua Hệ thống tỉnh từ đầu năm đến ngày 15/6/2023 là 26.590 hồ sơ, đạt 26,14%. Đồng thời, số hóa hồ sơ và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử ở cấp tỉnh cơ bản đạt gần 100% (trừ ngành Tài nguyên và Môi trường), cấp huyện 53%, cấp xã 21%.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh (LSGP) đã thực hiện kết nối với 13/21 dịch vụ của các bộ, ngành theo yêu cầu của Chính phủ. Theo đó, tổng số giao dịch thực hiện qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) từ đầu năm đến ngày 13/6/2023 khoảng 134.000 giao dịch chính thức.

Việc triển khai các CSDL tạo nền tảng Chính phủ điện tử của tỉnh được nâng cao. Trong đó, CSDL về bảo hiểm Trục kết nối chia sẻ dữ liệu LGSP kết nối và chia sẻ dữ liệu với CSDL về Bảo hiểm xã hội. Nhiều cơ sở y tế đã ứng dụng “VssID - BHXH số” trên điện thoại thông minh để sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trong ứng dụng thay cho thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy để đi khám chữa bệnh tại các đơn vị y tế tỉnh, như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh và trung tâm y tế các huyện Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Glei, Kon Plông.

Cán bộ Bộ phận một cửa huyện Sa Thầy giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: TVP

 

Cơ bản hoàn thành CSDL đất đai tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Tô, đồng thời triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao đến các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện và thành phố phục vụ công tác xây dựng, quản lý, khai thác CSDL đất đai.

Công an tỉnh thu nhận 20.192 hồ sơ căn cước công dân, 14.220 tài khoản định danh điện tử, thực hiện kết nối chia sẻ từ CSDL quốc gia về dân cư với Hệ thống tỉnh 174 tài khoản. Nền tảng hóa đơn điện tử ngành Thuế có 100% số doanh nghiệp của tỉnh đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử.

Hệ thống thông tin nguồn (https://kontum-ttn.lcsa.vn) triển khai kết nối 17 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông của các xã và 3 bảng tin điện tử công cộng, đồng thời kết nối thông suốt với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Ngoài ra, Kho học liệu số giáo dục các cấp học của tỉnh triển khai 2.508 video bài giảng và 167 đồ dùng dạy và học liệu số cấp tiểu học, 173 video bài giảng cấp mầm non, 425 bài giảng E-Learning cấp trung học phục vụ học sinh và giáo viên có thể tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, triển khai cập nhật dữ liệu cho 18.416 công chức, viên chức, nhân viên các địa phương, đơn vị của tỉnh; thực hiện chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính nhập CSDL về giá, tài sản công, tài sản hạ tầng đường bộ, công trình nước sạch nông thôn.

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh chú trọng đến công tác Chính quyền số. Nhờ đó, các hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn, hoạt động hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.  

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác