Những hiểm họa trên đường phố

10/09/2024 06:17

Những hố ga bị sụt, lún hay những miệng cống mất nắp đậy không được sửa chữa kịp thời đã và đang là những hiểm họa khôn lường cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Sáng 4/9, chị D.T điều khiển xe ô tô chở con tới trường. Khi đi qua giao lộ Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Kon Tum), do mưa lớn và đông người qua lại, bánh trước xe ô tô của chị rơi xuống hố ga bị sụt, lún. Chiếc xe chồm lên, chồm xuống rồi vượt qua hố ga trong tích tắc nhưng hậu quả là lốp xe bị cứa rách 2 miếng lớn.

Chị D.T cho biết: Sáng nay trời mưa to nên tầm nhìn bị hạn chế, cộng với đúng vào giờ đi làm và đi học của học sinh nên đoạn đường này rất đông người qua lại. Hơn nữa, hố ga lại nằm thấp hơn mặt đường và bị rác che chắn nên không nhìn thấy”.

Hố ga bị sụt, lún thấp hơn mặt đường tại giao lộ Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: DN

 

Khi thấy chị D.T không thể di chuyển vì xe xẹp lốp và trời mưa to, một người dân sống gần khu vực đó đã tới hỗ trợ thay lốp phụ đi tạm để chị đưa con tới trường và có thể di chuyển tới gara gần nhất thay lốp. Anh thông tin, hố ga này bị sập lâu rồi mà chưa thấy được xử lý. Mưa, nắng gì cũng rất nguy hiểm. Hôm rồi có một học sinh đi xe đạp qua đây không để ý cũng bị sụp hố ga, trầy xước tay chân.

Trước đó vài ngày, chị N.T.K.D. điều khiển xe ô tô đi từ nhà ở đường Lạc Long Quân tới khúc cua Phạm Ngọc Thạch và Hoàng Thị Loan, do sơ sẩy, bánh xe ô tô của chị cũng bị lọt xuống một hố ga bị sụp. Những cây sắt sắc nhọn ở nắp hố ga đã cứa rách lốp xe ngay tức khắc. Hậu quả là chị D. phải tốn tiền thay lốp mới.

Chị D. bày tỏ, người lớn đôi khi còn không để ý do khuất tầm nhìn hay trời mưa rác đọng che mất hố ga chứ đừng nói trẻ con. Những hố ga bị sụp thường là có những thanh sắt hay những miếng bê tông vỡ sắc nhọn, rất nguy hiểm cho ai không may ngã xuống.

Cứ mỗi lần mưa lớn, lại nghe đâu đó câu chuyện người này bị ngã do cống mất nắp đậy, người kia bị hỏng xe do sập hố ga. Còn nhớ cách đây vài năm, cũng chỉ vì mất tấm đan đậy đường rãnh thoát nước trên đường Ngô Quyền, mà một học sinh đã bị dòng nước cuốn trôi do trượt chân rơi vào dòng chảy của đường rãnh nước dẫn đến tử vong. Hay một người dân đi đường rơi cả người và xe máy xuống hố ga vì nước mưa che mất vị trí hố ga bị sập. Rất mừng là ngay sau đó, đoạn đường “tử thần” vào mỗi lần mưa lớn này đã được cơ quan chức năng khắc phục, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.

Một số hố ga, miệng rãnh thoát nước bị mất nắp đậy, không có cảnh báo trên đường Lê Hồng Phong (thành phố Kon Tum). Ảnh: D.N

 

Không khó để nhìn thấy cảnh hố ga mất nắp trên một số tuyến phố chính của thành phố Kon Tum và các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên điều đáng nói là không ít vị trí trong số này chỉ được che đậy một cách sơ sài, tạm bợ; một số nơi không được che đậy, cảnh báo, tạo nên những cái “bẫy” nguy hiểm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hố ga sụt lún, miệng cống không có nắp đậy, như do công trình đang thi công; nắp hố ga, tấm đan vỡ, nứt, sụt lún; kẻ xấu trộm cắp. 

Trước mắt để bảo đảm an toàn cho chính mình, mọi người khi tham gia giao thông cần tập trung quan sát, chủ động tránh những vị trí hố ga, miệng cống không có nắp hay hư hỏng, không an toàn. 

Về phía cơ quan chức năng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ tài sản chung vì sự an toàn của chính mình và những người thân; phản ánh ngay với cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương nơi sinh sống khi phát hiện tình trạng hư hỏng của các công trình giao thông. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý thật nghiêm khắc với những đối tượng có hành vi trộm cắp nắp đậy hố ga, miệng cống hay phá hoại tài sản công.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng được giao quản lý, vận hành cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, để kịp thời phát hiện, sửa chữa, khắc phục, thay thế khi các thiết bị bị hư hỏng, mất mát.            

Dương Nương

Chuyên mục khác