Những “hạt mầm” định kiến giới

22/10/2024 06:14

Chúng ta vừa tưng bừng mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam. Ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ công sở, khu dân cư đến gia đình, đâu đâu cũng thấy hoa, quà và tiệc mừng ngày của phụ nữ với những lời chúc “có cánh”. Nhưng phía sau đó, những “hạt mầm” định kiến giới vẫn âm thầm bám rễ.

Cách đây không lâu, tôi cùng vài đồng nghiệp được đưa đến thăm một số phụ nữ nông thôn từng được học nghề may ở mấy xã vùng ven thành phố.

Nghe giới thiệu rằng, những phụ nữ này có thể may thành thạo và tự tạo thu nhập thêm cho mình sau khi được học nghề, chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng trước sự thay đổi tích cực mà việc học nghề đã mang lại cho những phụ nữ này và gia đình họ.

Các chị khoe rằng, từ ngày có việc làm (nghề may), có thu nhập, mình mới có tiếng nói rõ ràng hơn trong gia đình. Cán bộ xã đi cùng chúng tôi cũng nhìn nhận, việc làm giúp các chị cải thiện thu nhập và nâng cao quyền tự chủ trong gia đình, cộng đồng.

Nghề may giúp một số chị em tạo được thu nhập ổn định, mà không phải đi làm xa nhà. Như vậy có nghĩa là họ vẫn có thể trông nom con cái và lo việc gia đình- anh vui vẻ nói.

Vẫn tồn tại định kiến nội trợ, chăm con là công việc của phụ nữ. Ảnh: HL

 

Tuy cũng rất vui, nhưng chúng tôi lại hơi băn khoăn về sự tồn tại của suy nghĩ “phụ nữ kiếm việc làm phù hợp để vẫn có thể hoàn thành trách nhiệm chăm sóc gia đình”.

Một khi định kiến đòi hỏi phụ nữ phải làm việc ở nhà và “giỏi việc nhà” không thay đổi thì khó có thể nào giúp phụ nữ phát huy quyền của mình và phát triển đầy đủ tiềm năng kinh tế và xã hội của họ, dù có được hỗ trợ từ chính quyền hay các dự án xã hội tốt như thế nào đi nữa.

Không thể phủ nhận rằng, nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ đã tiến bộ rất đáng kể. Những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả.

Như tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; tăng cường hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tăng tỷ lệ đi học của trẻ em gái; xóa bỏ hủ tục; khắc phục định kiến giới. Trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ ngày càng cao, ngày càng hiệu quả.

Nhưng phía sau đó, những “hạt mầm” định kiến giới vẫn âm thầm “bám rễ” và “nảy mầm” trong cuộc sống, cản trở những nỗ lực phấn đấu cho bình đẳng giới.

Trong cuộc tranh luận vui giữa những người bạn về những điều gọi là định kiến giới, một người đã đưa ra loạt dẫn chứng để chứng minh rằng, có nhiều định kiến vẫn tồn tại.

Ví dụ, đàn ông bẩn một chút, lười làm việc nhà một chút vẫn có thể được thông cảm, nhưng phụ nữ như vậy thì sẽ bị lên án, hay thành “thảm họa” trong mắt mọi người.

Hay là, nhiều người vẫn nghĩ rằng “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đây là suy nghĩ không còn phù hợp, vì dù là nam hay nữ thì ai cũng có thể là trụ cột gia đình, miễn sao vai trò đó phù hợp với từng người và được những người còn lại thừa nhận, tôn trọng.

Vẫn tồn tại bạo lực gia đình, lối tư duy nội trợ, chăm con là công việc của phụ nữ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn khá phổ biến, khi không ít nam giới vẫn cho rẳng, chỉ có mình mới làm được những công việc nặng nhọc, độc lập cao; ngược lại, phụ nữ yếu đuối, thụ động, phải dựa dẫm.

Mà một khi “hạt mầm” định kiến “bám rễ” trong tư tưởng, trong suy nghĩ rồi thì nó sẽ dẫn mình đi lạc đường, có hành động sai.

Định kiến giới, hiểu một cách đơn giản, là những nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.

Dù là nam hay nữ thì ai cũng có thể là trụ cột gia đình. Ảnh: HL

 

Theo các chuyên gia, các định kiến giới thường theo xu hướng nhìn nhận ít tích cực, không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng cá nhân dẫn đến việc làm sai lệch và hạn chế những điều mà một cá nhân nam, nữ có thể làm, cần làm hoặc nên làm.

Có thể “điểm mặt” một số định kiến giới vẫn phổ biến hiện nay như “Nam giới giỏi kỹ thuật, nữ giới giỏi nấu nướng”; “Phụ nữ là phụ thuộc, yếu đuối, thụ động, nam giới là độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và là người ra quyết định”; “Nội trợ là công việc của phụ nữ, không phải là việc của đàn ông”; “Nam giới là trụ cột, quyết định các việc lớn trong gia đình, nữ giới nuôi dạy con cái, nội trợ, quản lý chi tiêu”.

Ngay cả trong phân công lao động cũng tồn tại “định kiến giới”. Từ năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có quy định 77 loại công việc mà phụ nữ không được làm nhằm “bảo vệ phụ nữ trước các công việc được cho là nguy hiểm”. Hay phụ nữ trẻ thường không được khuyến khích công tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, vì “phù hợp” hơn với nam giới.

Những định kiến đó rõ ràng là làm giảm cơ hội của phụ nữ và ngăn cản phụ nữ khai thác hết tiềm năng của mình và tham gia vào thị trường lao động một cách bình đẳng với nam giới.

Như vậy, để xây dựng một xã hội công bằng với cả nam và nữ, những định kiến giới cần được giải quyết. Tất nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền hay các nhà hoạch định chính sách mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội và mỗi người.

Muốn thay đổi, cần phải nhận biết, chấp nhận và tôn trọng, đề cao vai trò của cả hai giới cũng như từng cá nhân, không phủ định giới này để khẳng định giới kia.

Chúng ta vừa tưng bừng mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam. Ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ công sở, khu dân cư đến gia đình, đâu đâu cũng thấy hoa, quà và tiệc mừng ngày của phụ nữ với những lời chúc “có cánh”.

Nhưng điều tôi hy vọng nhất là sớm xóa bỏ được những định kiến giới vẫn âm thầm bám rễ, để cùng nhau phấn đấu cho một xã hội công bằng với cả nam và nữ.  

Hồng Lam

Chuyên mục khác