09/04/2025 13:25
Nếu không tình cờ nhìn thấy Nguyễn Văn Sơn, một thanh tra viên mẫn cán ngành xây dựng, sắp xếp lại những tấm giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện rồi cẩn thận cất vào tủ hẳn là tôi sẽ không biết Sơn từng nhiều lần hiến máu tình nguyện như vậy.
Nhưng khi hỏi chuyện thì cậu ta chỉ cười hiền: “Em cũng không nhớ là hiến bao nhiêu lần, nhưng giấy chứng nhận thì có hơn chục tấm”. Tôi lấy ra đếm, đúng 15 giấy.
“Khi nào có đợt phát động hay hoạt động hiến máu, hoặc có thông tin cần máu để cấp cứu cho bệnh nhân là anh ấy tham gia liền. Nhiều lần có giấy chứng nhận, nhưng cũng có những lần hiến máu cho bệnh nhân cấp cứu ở bệnh viện xong là “chuồn” luôn, nên không có giấy- vợ Sơn “kể” giúp.
Em có tham gia các câu lạc bộ, nhóm hiến máu tình nguyện. Thành viên nào cũng có “thâm niên” hiến máu tình nguyện cả. Người ít thì dăm bảy lần, người nhiều thì trên chục lần- Sơn kể.
|
Cũng theo Sơn, hiến máu tình nguyện “cũng không phải là chuyện gì ghê gớm cả”. Mỗi người có nhóm máu của riêng mình, nhưng tất cả đều chung một dòng máu đỏ của người Việt Nam. Khi quanh mình là những con người ở ranh giới sự sống và cái chết thì không được phép do dự.
Vâng, ngắn gọn thôi, nhưng đã nói lên ý nghĩa cao đẹp nhất của hiến máu. Ấy là trao sự sống.
Trân quý biết bao những người hiến máu tình nguyện, càng khâm phục và nể trọng những người hiến máu tình nguyện nhiều lần. Bởi khi hiến máu, họ đang chia sẻ một phần sự sống của mình cho người khác.
Kể từ ngày 24/1/1994, khi lễ phát động Ngày hiến máu nhân đạo lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, phong trào hiến máu nhân đạo, nay là hiến máu tình nguyện, đã trải qua hành trình 30 năm.
Và ngày 7/4 năm nay, chúng ta kỷ niệm tròn 25 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện, kể từ năm 2000, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 7/4/2000 về vận động, khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện; đồng thời lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.
Sự kiện này đánh dấu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cả xã hội với phong trào hiến máu tình nguyện; là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của người dân về hiến máu.
Kể từ đó đến nay, hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào lớn, đầy sức sống, thành nét đẹp văn hóa, mang đậm tình yêu thương, lan tỏa rộng khắp trong các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 25 năm qua, cả nước đã có gần 22 triệu đơn vị máu được hiến tặng. Lượng máu tiếp nhận năm 2024 cao gấp 7,4 lần năm 2000, tỷ lệ hiến máu tình nguyện từ 30% đã tăng lên 98%.
|
Ở tỉnh ta, trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp ở tất cả các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng; trở thành hoạt động thường niên, trở thành nét đẹp văn hóa.
Hiện nay, toàn tỉnh có 10 ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ tỉnh đến cơ sở; 7 câu lạc bộ hiến máu với hơn 500 thành viên hoạt động thường xuyên, sẵn sàng tham gia hiến máu khẩn cấp.
Nhiều hoạt động hiến máu tình nguyện được tổ chức thành công, hiệu quả, như Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, Hành trình Đỏ, Lễ hội Xuân Hồng, Chủ nhật Đỏ.
Trước đây, người hiến máu hầu hết là thanh niên, sinh viên thì hiện nay mở rộng mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo.
Trước đây, người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay bị kỳ thị thì nay được tôn vinh, ủng hộ, động viên. Nhiều gia đình trở thành gương sáng trong hiến máu nhân đạo, khi các thành viên đều tích cực tham gia.
Như gia đình anh Ngô Long Trọng và chị Hoàng Thị Xuân Tâm (tổ dân phố 8, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà). Đến cuối năm 2024, anh Trọng đã hiến máu 35 lần, còn vợ anh, chị Hoàng Thị Xuân Tâm đã hiến máu 27 lần. Và tất nhiên, cả hai anh chị không có ý định dừng lại.
Chỉ tính riêng năm 2024, đã có 4 tập thể, 26 gia đình và 319 cá nhân điển hình, được UBND tỉnh tôn vinh, khen thưởng trong phong trào hiến máu nhân đạo.
Năm 2024 toàn tỉnh đã tổ chức được 41 đợt hiến máu tình nguyện, vận động trên 9.400 lượt người tham gia đăng ký hiến máu, kết quả tiếp nhận được 6.158 đơn vị máu vượt chỉ tiêu kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện giao.
Ngay trong sáng 7/4 năm nay, lễ phát động Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện đã thu hút sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; các đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, trường học; Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh và các huyện, thành phố cùng hơn 320 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên và người dân.
Buổi lễ đã nhận được 317 đơn vị máu cung cấp cho các bệnh viện trên địa bàn. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu vận động 6.800 đơn vị máu; riêng trong tháng cao điểm hưởng ứng “Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện” phấn đấu vận động 1.600 người đăng ký tham gia và tiếp nhận ít nhất 1.020 đơn vị máu.
Nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng từ hoạt động hiến máu tình nguyện mà công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh được kịp thời.
Xin được nhắc lại lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Chương trình tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023 (được tổ chức tháng 7/2023): Máu là vô giá. Một giọt máu cũng quý, cũng cần được trân trọng. Hiến máu không chỉ là một thuật ngữ y tế, mà còn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng gieo thêm những hạt giống tình người trong cuộc sống và tô đẹp thêm truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.
“Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Hiến máu tình nguyện không chỉ là cho và nhận đơn thuần, mà là trao sự sống.
Hồng Lam