Những “đại thụ” ở Đăk Glei

07/01/2021 13:01

Là một huyện biên giới với trên 82% dân số là đồng bào DTTS, thời gian qua các già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Đăk Glei tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và là tấm gương sáng trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Họ chính là những “đại thụ” của thôn, làng.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông A Hùng ở thôn Chung Năng - thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) là người có uy tín tiêu biểu được bà con trong thôn tin tưởng, quý trọng bởi sự gương mẫu, hiểu biết, hết lòng vì việc chung.

Đáp lại sự tin tưởng của người dân thôn Chung Năng, bản thân ông A Hùng và gia đình luôn đi đầu trong việc chấp hành  đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của thôn. Năm 2016, khi thị trấn Đăk Glei vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, gia đình ông cùng với nhiều hộ dân tham gia đóng góp nhiều ngày công và tự nguyện hiến đất vườn để mở rộng đường vào Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lý Tự Trọng.

Ông A Hùng cùng với các tổ chức đoàn thể trong thôn tích cực tuyên truyền vận động bà con phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhận thức của người dân từng bước thay đổi, những tập tục lạc hậu được xóa bỏ, người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình; quan tâm hơn đến phát triển cây công nghiệp như cao su, cà phê, bời lời; giúp nhau xóa đói giảm nghèo... Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể qua từng năm.

Già làng A Thông - “đại thụ” của người dân thôn Đăk Wất. Ảnh: Đ.V

 

Khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập và đổi tên các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh theo nghị quyết của HĐND tỉnh, bản thân ông A Hùng  đến từng hộ gia đình vận động tuyên truyền bà con chấp hành thực hiện tốt.

Với những đóng góp tích cực vì dân làng trong những năm qua, ông A Hùng đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen.

Ông A Hùng chia sẻ: Thôn Chung Năng được thành lập từ sự sáp nhập 3 thôn là Đăk Chung Trong, Đăk Chung Ngoài và Kon Năng. Ban đầu người dân ở các thôn không đồng tình với chủ trương sáp nhập này. Nhằm góp phần cùng với các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện chủ trương, tôi thường xuyên đến những hộ gia đình để tuyên truyền, giải thích, qua đó người dân đã hiểu và thống nhất cao.

Cũng với ông A Hùng, bà Y Phay ở thôn Đăk Giấc, xã Đăk Môn cũng là người có uy tín của thôn. Bà Y Phay luôn tích cực tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thay đổi quan niệm sinh đông con để sau này có người làm nương rẫy.

Thôn Đăk Giấc, xã Đăk Môn hiện có 128 hộ với trên 600 nhân khẩu. Ban đầu, việc vận động các cặp gia đình trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ ba của bà Y Phay gặp không ít khó khăn. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bà Y Phay thường xuyên đến từng hộ gia đình hướng dẫn chị em cách sử dụng các biện pháp tránh thai và giải thích cho họ thấy rõ những lợi ích từ việc sinh con có kế hoạch. Dần dần, các cặp vợ chồng trong thôn cũng thay đổi quan niệm sinh đẻ và áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình. Hiện nay thôn Đăk Giấc đã có gần 80 cặp gia đình đang ở độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. 

Với hơn 20 năm làm già làng, già A Thông ở thôn Đăk Wất, xã Đăk Kroong là một trong những già làng tiêu biểu được tuyên dương vì có đóng góp trong việc hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và gương mẫu, giúp đỡ người dân trong thôn phát triển kinh tế; gìn giữ, bảo tồn các nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Chuẩn bị bước qua tuổi 75, nhưng già làng A Thông vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Những năm trước đây, thấy được cuộc sống vất vả của bà con trong thôn, già A Thông bàn bạc với lãnh đạo các đoàn thể trong thôn tổ chức họp dân, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Già A Thông còn chủ động đăng ký làm việc với UBND xã, đề nghị mời cán bộ nông nghiệp về tận thôn để hướng dẫn bà con áp dụng khoa học, kỹ thuật cần thiết trong trồng trọt, chăn nuôi.

Sau đó, để làm gương cho bà con noi theo, già A Thông xung phong thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi do địa phương triển khai và động viên các con mình cùng làm. Thấy hiệu quả kinh tế mang lại, dân làng tìm đến nhà học hỏi và làm theo. Ông còn vận động những hộ khá giả hỗ trợ cây giống cho hộ nghèo. Nhờ đó, phong trào phát triển chăn nuôi và sản xuất ở thôn Đăk Wâk ngày càng được nhân rộng. Đời sống người dân trong thôn dần dần được cải thiện; nhà cửa được sửa sang, xây mới khang trang; số hộ khá giả chiếm đến 65%. 

Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi già A Thông còn truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Già A Thông tâm sự: tôi không nhớ đã truyền dạy được bao nhiêu lớp con cháu đánh cồng chiêng trong thôn, chỉ biết là bây giờ nhiều người trong số đó trở thành những nghệ nhân như A Thơ, A Nao, A Dí... và cũng đang tiếp tục cùng tôi truyền dạy cho các thế hệ trẻ trong thôn nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tận tâm với công việc, nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, những già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS ở huyện Đăk Glei đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự thay đổi diện mạo nông thôn, làm cho cuộc sống người dân ngày càng no đủ.

Đắc Vinh

Chuyên mục khác