Những cách làm sáng tạo trong hoạt động từ thiện

22/07/2023 13:08

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động thiện nguyện được triển khai với những cách làm sáng tạo, độc đáo đã tạo sự lan tỏa và trở thành phong trào tốt đẹp, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Qua đó, xây dựng một cộng đồng từ thiện và tình nguyện bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Với mục tiêu sẻ chia vì cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận, nhiều tổ chức, nhóm tình nguyện đã được thành lập để quy tụ những người có chung đam mê làm từ thiện. Các hoạt động từ thiện của các nhóm thiện nguyện này hướng đến giải quyết những vấn đề đa dạng của xã hội, chủ yếu là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội có thêm điều kiện, động lực để vượt qua nghịch cảnh. Để giải quyết các vấn đề cộng đồng, xã hội rất đa dạng hiện nay, các đội, nhóm tình nguyện luôn không ngừng nỗ lực, đổi mới trong tư duy, cách làm để đảm bảo các hoạt động thiện nguyện diễn ra sôi nổi, hiệu quả, thu hút được ngày càng nhiều các đối tượng tham gia và tạo hiệu ứng xã hội nhanh, có sức lan tỏa mạnh, nhưng vẫn giải quyết được bền vững, triệt để các vấn đề của xã hội.

Thay vì những cách làm thông thường như trước đây, chỉ quy tụ, kêu gọi các thành viên trong nhóm tham gia khi phát hiện hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, những thực trạng bức xúc cần tham gia của cộng đồng- nghĩa là ít nhiều mang tính thụ động, thiếu định hướng, thì hiện nay các đội nhóm tình nguyện có sự chủ động và định hướng lâu dài cho những hoạt động, dự án của mình.

Các thành viên của nhóm Thiện Tâm An Lạc thu gom phế liệu gây quỹ. Ảnh: H.T

 

Đó có thể là một câu lạc bộ tình nguyện dạy học miễn phí cho trẻ em vùng sâu vùng xa, một đêm nhạc gây quỹ đầy ý nghĩa, một buổi workshop hay thu hút nhiều người đến xem và ủng hộ, một cuộc thi gây quỹ hoặc mô hình thu gom những món đồ đã qua sử dụng để bán gây quỹ. Nhưng tất cả những hoạt động đó đều được lên kế hoạch, được định hướng từ trước và phân công các thành viên tham gia triển khai một cách bài bản, cụ thể đến từng nội dung nhỏ nhất nhằm đem đến hiệu quả cao nhất trong từng hoạt động. Và, dù ở mô hình nào các hoạt động đều hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp, tạo sự lan tỏa để huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, nghĩa là các hoạt động “khơi mào” sẽ được tiếp nối, phát triển liên tục, lâu dài; công tác truyền thông để tạo hiệu ứng xã hội cũng được các nhóm thiện sử dụng mạng xã hội phát huy triệt để.

Anh Trần Văn Cao Sang- Chủ nhiệm Câu lạc bộ I Love Kon Tum (thành phố Kon Tum) chia sẻ: “Trải qua thời gian dài hoạt động, chúng tôi luôn đổi mới để phù hợp và hiệu quả hơn, sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp, kêu gọi sự chung tay giúp đỡ cộng đồng với nhiều phương thức khác nhau. Gần đây chúng tôi tổ chức một số mô hình gây quỹ tạo hiệu ứng cộng đồng cao như mô hình bơi gây quỹ, đêm nhạc từ thiện. Để tăng tính lan tỏa cho chương trình, chúng tôi đăng tải các bài viết, video về các hoạt động này trên mạng xã hội, huy động thành viên chia sẻ trên nhiều nền tảng khác nhau như Tiktok, Facebook, Youtube, Zalo. Qua đó nhận được sự ủng hộ của rất nhiều tổ chức, cá nhân”.

Để có nguồn quỹ “sạch” và bền vững cho các hoạt động, nhiều câu lạc bộ tình nguyện không ngừng thay đổi cách thức hoạt động, tìm kiếm và phát hiện những mô hình hay để gây quỹ hiệu quả, nhận được nhiều ủng hộ và sẻ chia từ cộng đồng.

Những ngày qua, hình ảnh những anh, chị của nhóm Thiện tâm an lạc đi thu gom phế liệu cho mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ, bảo vệ môi trường” dần trở nên thân thuộc với nhiều người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum. Bất kể thời điểm nào trong ngày, khi nhận tin có phế liệu có thể thu gom được từ người dân, các thành viên chia nhau đi thu gom và quy tập về một mối và đem bán gây quỹ từ thiện.

Chị Trương Thị Nhung- Trưởng nhóm Thiện Tâm An Lạc cho biết: “Nhận thấy những phế liệu trong sinh hoạt hàng ngày như vỏ lon, chai nhựa sau khi sử dụng thường được vứt bừa bãi, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường, chúng tôi nảy ra ý tưởng thành lập mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ, bảo vệ môi trường” và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Với nguồn quỹ từ mô hình, cộng với sự ủng hộ của cộng đồng, chúng tôi tiến hành kết nối và tổ chức rất nhiều hoạt động để hỗ trợ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”.

Nhiều câu lạc bộ thiện nguyện ở các huyện vùng sâu, vùng xa cũng có những việc làm sáng tạo, ý nghĩa.

Có thể kể đến Câu lạc bộ Kơ Nia 28 (huyện Đăk Glei), với việc phát huy tác dụng của mạng xã hội trong kết nối, chia sẻ và thực hiện các hoạt động thiện nguyện.

Anh Trần Tiến Thuận- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kơ Nia 28 cho biết: “Để có nguồn lực cho các hoạt động của câu lạc bộ, bên cạnh huy động sự đóng góp của các thành viên, nhà hảo tâm, chúng tôi chú trọng đến truyền thông trên mạng xã hội để được nhiều tổ chức, cá nhân biết và chung tay ủng hộ. Qua đó, chúng tôi kết nối được rất nhiều dự án thiện nguyện với nguồn lực lớn từ các tổ chức uy tín, hỗ trợ trẻ em, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn tỉnh”.

Chúng ta hy vọng, với những cách làm hay, sáng tạo của các nhóm thiện nguyện sẽ góp phần đem đến “hơi ấm tình thương” cho những mảnh đời bất hạnh, lan tỏa và đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.     

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác