Những bông hồng thép

02/01/2018 07:03

​Những nàng dâu Biên phòng được ví như những bông hồng thép, luôn mạnh mẽ với ý chí sắt và bản lĩnh kim cương. Vừa làm vợ, vừa làm mẹ, làm cha, dù công việc bận rộn, họ vẫn lo lắng chu toàn cho chồng yên tâm vững tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Chồng đi làm xa, mọi việc từ trong nhà đến xã hội đều một tay lo liệu, quán xuyến, đó là chân dung cuộc sống thường ngày của những nàng dâu Biên phòng.

Hậu phương của chồng

Là nữ quân nhân Biên phòng, đồng thời là dâu Biên phòng, hiểu được những gian nan của chồng nơi biên cương, dù vất vả, các chị luôn vui vẻ hoàn thành mọi việc, làm hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác. 

Những nàng dâu Biên phòng cùng nhau chia sẻ công việc, xây dựng tổ chức, đơn vị ngày càng vững mạnh. Ảnh: H.T

 

Chồng công tác ở Đồn Biên phòng Sa Loong (huyện Ngọc Hồi), Trung úy Nguyễn Như Hoa - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh một tay chăm 2 con từ lúc chào đời và lo liệu mọi việc trong gia đình. “Khi con còn nhỏ, nhận được nhiệm vụ đi tuyên truyền ở biên giới, tôi phải bế con theo. Nhiều lúc phải địu con trên lưng, vừa làm vừa dỗ dành” - chị Hoa nói.

Những ngày con còn nhỏ, vừa làm mẹ, làm cha, làm bạn với con, cả ngày chị Hoa không có đến một giây phút nghỉ ngơi. Những lúc 2 con cùng đau ốm rồi muôn vàn khó khăn trắc trở khác trong cuộc sống, chỉ mình chị loay hoay xoay xở.

“Có lần 12h đêm, con trai nhỏ bị sốt cao, tôi phải gửi cháu lớn sang cho hàng xóm rồi bắt taxi đưa con vào bệnh viện. Lúc đấy thực tâm rất cần chồng để sẻ chia nhưng cùng ngành nghề, hiểu trọng trách chồng đang gánh trên vai quan trọng hơn nên tôi tự lo, khi mọi việc ổn thỏa mới báo để chồng yên tâm” - chị nói.

Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại những tháng ngày một nách 2 con, đại úy Phạm Thị Hà - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vẫn không thể tin được rằng mình có thể vượt qua. “2 lần tôi sinh con đều không có chồng ở bên cạnh” -  chị Hà nhớ lại.

Chồng làm ở Đồn Biên phòng Sa Thầy, vì tính chất công việc, nhiều lúc cả 3-4 tháng mới được về, trước mọi khó khăn, chị Hà đều bình tĩnh sắp xếp, vượt qua để chồng yên tâm công tác.

“Khi chuẩn bị sinh đứa đầu tiên, tôi phải nhờ chị em trong cơ quan đưa ra bệnh viện. Đến cháu thứ 2, không thể sinh thường được, không có chồng, người thân ở cạnh, tôi phải nhờ hàng xóm kí vào giấy đồng ý mổ” – chị Hà kể.

Câu chuyện của thiếu tá Nguyễn Thị An - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khiến nhiều người khâm phục. Chồng chị làm ở Đồn Biên phòng Mô Rai, thường xuyên ở chốn rừng thiêng, nước độc, lại thêm nhiều lần bị sốt rét hành hạ nên không may bị hiếm muộn.

17 năm trời, không một lời than vãn, vừa nỗ lực trong công việc ở đơn vị, chị vừa động viên, lặng lẽ đồng hành với chồng trong hành trình tìm… con. “Sau những lần thụ tinh ống nghiệm, 2 con cũng chào đời. Để chồng không lo lắng, mình cố gắng lo cho các con vẹn toàn” – chị An tâm sự.

Một tay bồng, một tay bế, chị An luôn vun đắp tình cảm để các con được sung túc, đủ đầy, hạnh phúc. Đến bây giờ, dù chồng ở xa, chị vẫn lo cho 2 cháu học hành đàng hoàng, dạy dỗ con chăm ngoan, lễ phép với mọi người. “Mình luôn học hỏi cách nuôi dạy con thật tốt, để các con phát triển trí tuệ, tư duy, thể chất một cách toàn diện” – chị An chia sẻ.

Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Sáng sớm, ghé vào nhà trung úy Cao Thị Mai Phương - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chúng tôi thấy chị vừa bế con, vừa chuẩn bị đồ ăn sáng. 4 năm nay, kể từ ngày lấy chồng làm ở Đồn Biên phòng Sa Thầy, chị đã quen với việc tự lo cho bản thân, gia đình.

Một mình chăm 2 con nhỏ, thời gian đưa đón con đi học, làm việc nhà bận tối mắt tối mũi nhưng chị Phương vẫn làm một vườn rau sạch, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp.

Chia sẻ với chúng tôi, chị vui vẻ: Mỗi ngày mình dậy sớm hơn một tí, làm rau, lo bữa sáng đàng hoàng; khi con đi ngủ, mình tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ rồi ngủ sau. Dần rồi mọi việc cũng đi vào nền nếp.

Không có chồng ở cạnh, những đôi bàn tay yếu mềm trở nên rắn chắc, làm được tất cả mọi việc: sửa máng nước, sửa nhà cho đến nấu ăn, giặt giũ, chăm con.

Như chị Hà, vừa việc nhà, vừa việc đơn vị nhưng chị luôn sắp xếp thời gian, công việc khoa học để làm ổn thỏa. Với kế hoạch sẵn sàng, chị nuôi con giỏi, dạy con ngoan, vừa kinh doanh để kiếm thêm thu nhập trong gia đình.

Tháo vát mọi việc lại hoàn thành xuất sắc việc đơn vị, năm 2016, chị Hà được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Năm nay, chị cũng vinh dự là 1 trong 30 phụ nữ điển hình được tuyên dương tại Lễ tuyên dương Hoa tháng 10 và được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Không chỉ giỏi việc nhà, hoàn thành tốt công việc cá nhân, chị em phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh còn góp phần xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua: đạt giải A cấp Bộ Tư lệnh tham gia hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền trong Bộ đội Biên phòng, đạt giải Nhất toàn đoàn Hội thao cấp Bộ Tư lệnh; luôn đổi mới, duy trì chế độ nền nếp sinh hoạt, xây dựng Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh.

Dù ít được sẻ chia, luôn bận bịu với công việc nhưng không “đầu bù tóc rối”, các chị vẫn luôn tươi trẻ, dịu dàng. Các chị bảo: Cái duyên vợ chồng đã gắn chặt, chúng tôi tự động viên nhau cố gắng để chồng vững tin, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác