Những bác sĩ người DTTS tận tâm với nghề

28/02/2023 06:38

Thời gian qua, cùng với đội ngũ nhân viên y tế toàn tỉnh, nhiều y, bác sĩ là người DTTS không ngừng phấn đấu nâng cao “y đức, y nghiệp”. Tuy mỗi người làm ở một đơn vị, đảm đương những nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả đều chung một phẩm chất ngời sáng là, hết lòng vì công việc, tận tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nói đến bác sĩ Chuyên khoa (CK) II A Bên- Phó Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), đồng nghiệp và nhiều bệnh nhân đều bày tỏ sự trân trọng, quý mến; bởi anh luôn phấn đấu không ngừng nghỉ trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh.

Sinh ra và lớn lên ở xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông), từ nhỏ A Bên đã ấp ủ ước mơ sau này sẽ được làm bác sĩ để cứu người, nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết tâm thi vào ngành Y nhằm hiện thực hóa ước mơ.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Đai học Quân y, A Bên xin vào làm việc tại Khoa Ngoại Chấn thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Suốt 13 năm qua, bác sĩ A Bên luôn tận tụy với công việc chăm lo, chữa trị người bệnh và được nhiều bệnh nhân tin tưởng.

Ông Phạm Văn Tuynh (Tổ 10, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) cho biết: Năm 2019, tôi bị tai nạn dập nát chân phải, tưởng phải cắt bỏ, nhưng may nhờ bác sĩ A Bên tận tình chữa trị, nên sau một thời gian điều trị, tôi đã đi lại được bình thường. Đợt này, tôi lại bị thoái hóa khớp háng và bác sĩ A Bên đã giúp tôi thay khớp. Tôi vô cùng biết ơn bác sĩ A Bên, vì anh đã giúp tôi “giữ được cái chân phải”.

Bác sĩ A Bên luôn là chỗ dựa tin cậy cho bệnh nhân. Ảnh: TH

 

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, bác sĩ A Bên tích cực tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu, học hỏi từ các đồng nghiệp ở các bệnh viện tuyến trên những kỹ thuật y học mới. Thời gian qua, anh cùng các đồng nghiệp đã đưa vào triển khai, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao: Phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối, phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối bằng phẫu thuật nội soi và các tổn thương xương khớp mức độ nặng… Nhờ đó, bệnh nhân được phẫu thuật kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và không vất vả lên tuyến  trên.

Bác sĩ A Bên còn làm tấm gương sáng về nghị lực vượt lên nghịch cảnh của bản thân, không ngừng phấn đấu vươn lên.

A Bên cho biết: Năm 2015 khi đang ôn thi bác sĩ CKI thì phát hiện mình bị ung thư vòm họng; nhưng tôi vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, vừa điều trị ung thư, vừa ôn thi. Tôi thi đỗ và học xong CKI năm 2017. Sau đó, dù sức khỏe có phần hạn chế, nhưng từ năm 2018-2021, tôi vẫn cố gắng tiếp tục theo học CKII với mong muốn có chuyên môn vững vàng để cống hiến nhiều hơn cho công việc”.

Sự tin tưởng, yêu quý của bệnh nhân có lẽ là thước đo chính xác nhất về năng lực và y đức của bác sĩ A Bên.

Không trực tiếp làm công tác điều trị, nhưng mỗi khi địa phương xảy ra dịch bệnh thì những bác sĩ dự phòng luôn phải là người đi đầu trong “trận chiến chống dịch”, xông pha vào điểm nóng. Bác sĩ CKI A Ái- Khoa Kiểm soát Bệnh tật HIV/AIDS (Trung tâm y tế huyện Đăk Hà) là người như vậy, luôn năng nổ, nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Bác sĩ A Ái chia sẻ: Công tác y tế dự phòng được ví như “cánh cửa” của ngành y, phòng tốt thì sẽ hạn chế dịch bệnh bùng phát, lây lan; giảm áp lực cho công tác điều trị. Xác định rõ tính chất công việc nên tôi luôn cố gắng bám địa bàn, liên hệ với cơ sở theo dõi, giám sát tình hình để kịp thời tham mưu lãnh đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh.

Công việc y tế dự phòng khá lặng lẽ, nhưng không kém phần quan trọng. Đặc biệt, trong trận chiến chống dịch Covid-19, bác sĩ dự phòng luôn ở tuyến đầu, vất vả và đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Bác sĩ A Ái tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: TH

 

A Ái kể, cứ nghe thông tin có trường hợp nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ là phải tức tốc lên đường bất kể ban ngày hay ban đêm, nắng hay mưa; chỉ khi nào phải truy vết xong thì mới được nghỉ. Mấy năm chống dịch, tôi và anh em trong đơn vị gần như lúc nào cũng ở trạng thái “trực chiến”, với tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” và gần như luôn “giấu mình” trong bộ đồ bảo hộ kín mít, sẵn sàng đối diện với việc bản than bị lây nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào.

Và, trải qua tất cả, A Ái vẫn yêu và luôn tự hào về công việc mình làm.

Công tác ở trạm y tế, bác sĩ Y Út- Phó Trưởng trạm Trạm y tế xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum) luôn phải “đóng nhiều vai”, vừa thăm khám sức khỏe, điều trị ban đầu cho bệnh nhân, vừa thực hiện công tác dự phòng, đôi khi còn là một tư vấn, tuyên truyền viên sức khỏe ở cơ sở…

Bác sĩ Y Út cho biết: Trạm chúng tôi chỉ có 5 người mà phải đảm nhiệm rất nhiều công việc từ tiếp đón, thăm khám cho bệnh nhân hằng ngày; thực hiện tiêm chủng mở rộng; tổ chức phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, giám sát các bệnh không lây nhiễm; tuyên truyền, vận động về công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình…

Mặc dù hằng ngày phải đi về quãng đường gần 20km, lại có con nhỏ, nhưng Y Út trưa bao giờ đến muộn hay trễ nải trong công việc.

Công việc ở trạm tuy bận rộn, nhưng bác sĩ Y Út vẫn luôn tận tâm, tận lực. Ảnh: TH

 

“Bản thân là bác sĩ, lại là cán bộ quản lý của Trạm y tế nên tôi nhận thấy trách nhiệm của mình phải cao hơn, phải gánh vác nhiều hơn. Mặt khác, tôi nghĩ người dân đã tin tưởng tới Trạm y tế thì sự cố gắng, tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ ở đây sẽ giúp bệnh nhân đỡ phải đi xa hay phải xin lên tuyến trên”- bác sĩ Y Út bộc bạch.

Dù làm việc ở bất kỳ đơn vị công tác nào (trạm y tế, trung tâm y tế hay ở bệnh viên), nhưng chúng ta có thể thấy, các bác sĩ kể trên luôn góp phần làm ngời sáng phẩm chất “Lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc. Họ luôn dành nhiều tâm huyết cho nghề y, tận tụy với công việc để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thiên Hương

Chuyên mục khác