05/01/2025 19:13
Vậy là ông đã về “cõi sử thi”, về với núi rừng, về với sông suối, để lại cho đất và người Kon Tum niềm thương tiếc xen lẫn tự hào về người con ưu tú nhưng cuộc đời bình dị, khoáng đạt như sông, như suối; vững chãi, kiên trung như núi, như rừng.
Giờ ngồi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ như in dáng ngồi quắc thước, nhớ như in nụ cười hiền hòa khi tôi hỏi chuyện.
Khi bắt đầu theo nghề báo ở Báo Kon Tum, tôi đã nghe nhiều chuyện kể về ông. Những câu chuyện ấy, với nhiều phiên bản dần mang tính “truyền kỳ”, rất chân thật, mang màu sắc vui vẻ, đầy tiếng cười và tinh thần lạc quan cách mạng.
Lần đầu tiên gặp ông ở phòng làm việc của anh Hà Xuân Vinh (lúc bấy giờ là Thư ký Tòa soạn, đã mất nhiều năm nay) là khi ông sang chúc mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1999. Tôi khá run, và hẳn là bất cứ cậu trai trẻ nào cũng vậy, khi đứng trước đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
|
Trong khi tôi lắp bắp chào ông rồi tính “rút êm” thì ông lại vẫy tôi vào hỏi chuyện. Khi biết tôi mới ở Bắc vào, ông kể rất nhiều chuyện về những tháng ngày tập kết ra Bắc và học tập tại Trường Học sinh Miền Nam (3/1955 - 8/1960), Trường Bổ túc Văn hóa Dân tộc Trung ương Hà Nội (9/1960 - 8/1964); rồi Trường Bổ túc văn hóa Công nông Trung ương, Trường Y khoa Hà Nội (9/1964 - 12/1969) cho đến khi lên đường đi B (3/1970).
Toàn chuyện vui cả. Ngắm ông kể chuyện, nghe ông cười, anh em làm báo quây quần xung quanh cười nói rôm rả, tự dưng tôi thấy không có chút khoảng cách nào giữa đồng chí lãnh đạo cao nhất tỉnh với anh em.
Sau này tôi mới biết, con người ông là vậy. Vui vẻ, gần gũi, bình dị và phóng khoáng như núi, như rừng.
Hôm ấy, ông tặng quà và căn dặn chúng tôi luôn phải rèn luyện, phấn đấu cả về nghề và đức. Phải giữ “lòng trong bút sắc”, phải xứng đáng là người làm báo cách mạng, làm báo vì dân chứ không chỉ vì “miếng cơm manh áo”.
Chuyện đã xa mà vẫn ngỡ mới hôm qua! Như vẫn nghe tiếng cười phóng khoáng của ông đâu đây.
Sau này, thỉnh thoảng tôi được đi công tác cùng ông, nhưng không có điều kiện tiếp xúc nhiều. Chỉ khi ông về hưu, tôi mới thường xin được gặp ông để phỏng vấn vào các dịp lễ, tết. Và ông luôn sẵn lòng chào đón, trò chuyện cởi mở , thân mật như con cháu trong nhà.
Có lần, vào dịp Tết năm 2008, khi tôi đến nhà ông (tổ 4, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), thấy ông ngồi ở cửa, ánh mắt nhìn xa xăm, về hướng núi đồi, sông suối. Ông chỉ về một hướng, nói làng của ông- Nú Vai- ở phía ấy.
Nơi ấy, phía núi đồi chập chùng và sông suối vây quanh, ông đã sống qua tuổi thơ dữ dội, qua tuổi trẻ mưa bom bão đạn. Và rồi, tai tôi đã nghe mê mải, trí óc tôi đã hiện lên những hình ảnh qua lời kể run run của ông.
Hồi ấy, ông được gọi là A Tăng. Mồ côi cha từ nhỏ. Vì nhà nghèo nên ngày ngày cậu phải vào rừng đào củ để lấy cái ăn; đóng khố, ở trần.
Gần nhà A Tăng có đồn Đăk Bung của Pháp. Người làng Nú Vai thường bị Pháp bắt lên đồn làm xâu. A Tăng tận mắt chứng kiến cảnh người làm xâu bị Pháp đối xử tàn tệ như thế nào. Từ đó, lòng căm thù giặc Pháp trỗi dậy trong tâm trí non ớt của A Tăng.
Sau này, theo nhà thơ Tạ Văn Sỹ, đồng chí Phạm Nhớ - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum (1965-1971), lúc hoạt động khu vực Đăk Glei, từng có bài thơ về cậu thiếu niên dân tộc Gié - Triêng trong bài thơ “Em Tăng”: “Em Tăng quê ở Nú Vai/ Mới mười bốn tuổi lòng say hận thù/ Đêm nay gió mát trăng lu/ Lặng nghe em kể hận thù làng em/ … Em lúc ấy mới mười bốn tuổi/ Nó bảo em cõng rượu lên đồn/ … Em thì còn bé tí ti/ Vai mang ché rượu mà đi xa đường...”. Và “em Tăng” ấy sau này chính là ông Sô Lây Tăng.
Cán bộ Việt Minh về làng đúng hôm A Tăng bị ốm nặng. Các anh đã khám, chữa bệnh cho cậu. Thấy vậy, dân làng Nú Vai không trốn nữa, quay về làng nghe Việt Minh nói lời của Đảng, của Bác Hồ, kể tội ác của giặc Pháp, kêu gọi mọi người theo Việt Minh đánh Pháp.
Và cũng từ đó, A Tăng dần được giác ngộ cách mạng, trở thành liên lạc cho bộ đội địa phương. Tháng 12/1952, cậu bắt đầu tham gia cài chông, mìn, phục kích đánh địch. Tháng 3/1953, A Tăng đã chính thức được tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Pek, Đăk Xút.
Tháng 3/1955 ông tập kết ra Bắc và học tập tại Trường Học sinh Miền Nam, sau đó học Trường Bổ túc Văn hóa Dân tộc Trung ương Hà Nội, rồi Trường Bổ túc văn hóa Công nông Trung ương, Trường Y khoa Hà Nội. Ngày 19/5/1962, đúng sinh nhật Bác Hồ, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 1/1970, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa, trở thành bác sĩ đầu tiên của dân tộc Gié - Triêng.
Tháng 4/1970, ông Sô Lây Tăng lên đường trở về miền Nam chiến đấu. Và kể từ đó, cuộc đời, sự nghiệp của ông gắn bó với vùng đất quê nhà.
|
Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến trước khi về hưu, ông Sô Lây Tăng gắn bó nhiều năm với ngành Y. Sau đó được bầu giữ các chức vụ quan trọng của tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Khi chia tách tỉnh, ông là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, rồi Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Sau đó làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến khi nghỉ hưu (tháng 6/2002).
Chuyện của ông trong giai đoạn này thì rất nhiều, và như tôi nói ở trên, đều mang màu sắc vui vẻ, hài hước và phóng khoáng. Lối nói chuyện của ông có sức lôi cuốn đặc biệt. Nhưng sau mỗi câu chuyện đều là một bài học sâu sắc về tầm nhìn, tinh thần gần dân, sát cơ sở, hết lòng vì việc chung, vì khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về địa phương, sau khi làm việc với chính quyền là ông xuống thăm dân, cùng múa xoang, đánh chiêng, hát hò, uống rượu, ăn cơm với bà con thâu đêm, suốt sáng. Vừa vui với bà con, ông vừa tranh thủ tuyên truyền, vận động làm cho bà con hiểu rõ hơn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Từng có “giai thoại” về ông rằng, khi bàn về làm thủy điện Ya Ly, ông đã từng nói trên diễn đàn Quốc hội rằng “nếu không làm được thủy điện Ialy, tôi sẽ... đóng khố đi họp”.
Có lần, tranh thủ phỏng vấn bài báo Tết, tôi hỏi ông về chuyện này: Nếu hồi ấy dự án xây dựng nhà máy thủy điện Ialy bị “bể”, bác có “làm” thật không? Ông cười, tiếng cười vang và ấm quen thuộc, hiền lành như một già làng đang ngồi kể chuyện giữa con cháu.
Sau đó ông nói: Không biết được. Nhưng chắc chắn rằng nếu không có thủy điện Ialy, chưa biết đến bao giờ người dân Tây Nguyên có điện. Khi ấy, ông đang là Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum.
Một câu chuyện tôi vẫn nhớ rất lâu, về 3 tỷ đồng “vốn liếng” và sự chịu khó “đi xin Trung ương” lúc mới chia tách tỉnh của ông Sô Lây Tăng. Khi ấy, ông là Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.
Theo ông, khi “tách hộ”, toàn bộ vốn liếng mà chúng ta được chia là 3 tỷ đồng, chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu sửa chữa, dọn dẹp trụ sở làm việc của tỉnh, sở, ban, ngành, nói gì đến mở mang đường sá, khai phá đồng ruộng, xây dựng trường, trạm, điện, nước... tái thiết quê hương.
Thế là, tôi đích thân dẫn một “phái đoàn” đi... xin tiền Chính phủ. Chẳng ngại ngùng gì, bởi mình đi xin tiền về cho tỉnh mình, dân mình, chứ đâu phải xin cho cá nhân đâu mà ngại- ông kể.
Còn ông Ka Ba Tơ- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã về “thế giới người hiền” tháng 8/2024, cũng kể rằng, ngay sau khi tách, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum đã lựa chọn cho mình một hướng đi đúng, xác lập lộ trình thích hợp, xây dựng tiền đề cho bước phát triển kế tiếp vững chắc hơn. Những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai; bài toán phát huy tối đa nội lực dựa trên cơ sở khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng của địa phương và các nguồn lực khác được “giải” một cách hiệu quả.
Một trong những yêu cầu hàng đầu, luôn được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Sô Lây Tăng đặc biệt quan tâm chỉ đạo là cán bộ, đảng viên phải nắm chắc, bám sát cơ sở, phải nói dân tin, làm dân theo. Bởi Đảng bộ, chính quyền muốn có chủ trương đúng thì phải bám sát dân, phải đi cơ sở nhiều, lắng nghe dân nói. Nghĩ cho cùng, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải bắt nguồn từ cuộc sống.
Có thể khẳng định, cả quãng đời hoạt động cách mạng sôi nổi và nhiệt huyết, ông là một trong những đồng chí lãnh đạo tỉnh có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Kon Tum.
Bây giờ thì ông đã về với núi đồi, sông suối quê hương. Hẳn là tiếng chiêng của làng Nú Vai (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) đã nổi lên, nhưng không còn vang vọng những âm thanh náo nức, rộn rã mừng vui, mà trầm buồn, nỉ non nói lên sự tiếc thương vô vàn của dân làng.
Núi rừng Nú Vai vẫn rì rào ngày đêm, nhưng không còn những thanh âm phóng khoáng của đại ngàn, mà rì rào khe khẽ khúc hát tiễn đưa người con ưu tú mà gần gũi của làng.
Tôi cũng nhớ tiếng cười hào sảng của ông. Và trong sâu thẳm, tôi tin rằng, vào những lúc khó khăn nhất, tiếng cười ấy quý giá vô cùng. Bởi nó đại diện cho tinh thần lạc quan, ý chí mạnh mẽ và niềm tin vào ngày mai tươi sáng.
Ông đã ra đi, nhưng tên tuổi, cuộc đời ông vẫn sống mãi!
Lê Hải