Nhộn nhịp “chợ lao động” ở Đăk Hà

27/11/2019 06:15

Vào mùa thu hoạch cà phê, người dân ở Đăk Hà chọn ngã tư thôn 5, xã Hà Mòn đi Ngọc Wang - địa điểm mà người dân gọi nôm na là “chợ lao động” để tìm thuê nhân công thu hái cà phê. Vào thời điểm này, hàng ngày không khí ở “chợ lao động” trở nên nhộn nhịp, hối hả. Sau vài phút thỏa thuận chớp nhoáng, nhân công hái cà phê lại theo chủ vườn lên đường để bắt đầu công việc thu hái cà phê.

Đang vào mùa cao điểm thu hoạch cà phê, vùng chuyên canh cà phê huyện Đăk Hà khá tấp nập, nhộn nhịp. Nhu cầu tìm người thu hái cà phê ở địa phương này là rất lớn. Vậy là, ngã tư thôn 5, xã Hà Mòn - Ngọc Wang trở thành điểm giao dịch việc làm của hàng trăm người lao động ở khắp nơi về đây với những chủ vườn cà phê ở Đăk Hà - những người đang cần nhân công thu hái cà phê.

Khoảng 5, 6 giờ sáng khi mà sương mù dày đặc, nhìn chưa tỏ mặt người thì khu vực ngã tư Hà Mòn đã có rất đông người tụ tập để tìm việc làm. Người lao động đến đây đi theo từng tốp. Tốp đông nhất là chừng 10 người, tốp ít thì thường 2 đến 4 người. Khác với mọi năm, năm nay, những người tìm về Đăk Hà thu hái cà phê chủ yếu là dân lao động đến từ tỉnh Quảng Ngãi và người dân ở thành phố Kon Tum.

Đúng 6 giờ sáng một ngày cuối tháng 11, chúng tôi có mặt tại ngã tư Hà Mòn, lúc này đã có hàng chục lao động đi xe máy biển số 76 của tỉnh Quảng Ngãi đứng chờ người đến thuê thu hái cà phê.

Hỏi ra, đa số họ từ huyện Sơn Hà và huyện Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi lên đây tìm việc. Trên những chiếc xe máy, từng cặp vợ chồng mang đầy đủ các vật dụng, kể cả nồi cơm điện sẵn sàng phục vụ cho chuyến lao động dài ngày. Một vài người cho biết, ở quê đang là nông nhàn nên họ tranh thủ lên đây đi hái cà phê thuê kiếm tiền về lo toan cho cuộc sống gia đình, giảm bớt gánh nặng kinh tế khó khăn.

Đang chờ người đến thuê, anh Phẩm Văn Chân (ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, vợ chồng anh lên đây được hơn 10 ngày nay; đã hái cà phê cho hơn 10 gia đình, mỗi ngày cũng thu được gần 700-800.000 đồng.

Người lao động chờ việc tại “chợ lao động” Hà Mòn. Ảnh: VP

 

“Hồi đầu tháng 11, biết được mùa thu hái cà phê bắt đầu, từ nửa đêm, hai vợ chồng đèo nhau cùng một số cặp vợ chồng khác đi xe máy vượt hơn 100 ki lô mét từ huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) lên Kon Tum. Vượt qua hai con đèo Vi Ô Lắc và Măng Đen quanh co trong màn đêm, sương mù bao phủ, đến 6h sáng mới tới được “chợ lao động” ở Đăk Hà. Đi xa, vợ chồng tôi nhờ ông bà nội chăm sóc 2 người con đang còn nhỏ tuổi; đứa nhỏ đang học lớp 1, đứa lớn lớp 3. Năm nào dịp này, vợ chồng tôi cũng lên đây đi thu hái cà phê cả tháng mới về. Biết là khổ, xa con cái, nhưng bù lại thu nhập cao hơn nhiều so với ở nhà. Hôm nay, vợ chồng tôi mới thu xong cho hộ gia đình ở Hà Mòn, giờ ra đây đứng chờ người đến thuê rồi đi làm tiếp” - anh Phẩm Văn Chân bộc bạch với chúng tôi.

Bà Đinh Thị Thi (ở huyện Sơn Hà, tỉnh quảng Ngãi) dẫn theo cháu trai là Đinh Văn Tài lên “chợ lao động” Hà Mòn để chờ người thuê hái cà phê. Theo bà Thi, ở quê không có việc, lại vào thời kỳ nông nhàn, hơn nữa, cơn bão vừa qua khiến nhà cửa của gia đình bị hư hại, nhà bà bị chết 3 con trâu nên cuộc sống khó khăn. Tranh thủ mùa thu hái cà phê, bà Thi cùng cháu trai lên Kon Tum tìm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “chợ lao động” Hà Mòn này hoạt động nhộn nhịp nhất là vào những buổi sáng; buổi trưa, buổi chiều cũng có người lao động chờ việc, nhưng chỉ lác đác vài người - họ mới hoàn thành xong việc thu hái cà phê cho một chủ vườn nên quay lại đây chờ việc. Cứ vậy, họ cứ làm hết nhà này đến nhà khác trong cả tháng. Số tiền thu nhập từ việc hái cà phê đủ người lao động mua sắm, lo toan cho cuộc sống gia đình, nhất là trong dịp Tết đang cận kề.

Theo quan sát của chúng tôi tại “chợ lao động”, hợp đồng miệng giữa người lao động và chủ vườn diễn ra khá nhanh, chỉ trong vài phút trao đổi ngắn gọn. Cuộc giao dịch chủ yếu là tìm đến sự thống nhất về giá và hình thức thuê. Nhiều chủ vườn muốn thuê công nhật, nhưng đa số người lao động lại thích nhận theo hình thức khoán, bởi điều đó sẽ giúp họ tận dụng thời gian tăng cường độ lao động để tăng năng suất nhằm có thu nhập cao hơn.

Khi đang tập trung chụp ảnh, tôi thấy một người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi đi từ phía xã Ngọc Wang ra “chợ lao động”. Ông ta vội vàng tới khu vực một số người lao động đang đứng đợi. Vừa ngồi trên xe, ông ta vừa nói chuyện với hai cặp vợ chồng đứng dưới lòng đường. Tôi chưa kịp tới bắt chuyện thì người đàn ông quay xe chạy về phía xã Ngọc Wang. Lúc đó, hai cặp vợ chồng người lao động cũng vội lên xe chạy theo người đàn ông kia. Cuộc ngã giá chỉ chớp nhoáng diễn ra trong vài phút đã mau chóng đi đến thỏa thuận giá cả, việc làm.

Cũng tại đây, trong khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi chứng kiến được nhiều cuộc thỏa thuận giá diễn ra nhanh chóng nhưng rất thành công. Và điều đó có nghĩa là số người lao động chờ việc ở chợ cũng vơi dần.

Là vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh, với hơn 9.000ha cà phê đang kinh doanh khai thác, vào vụ thu hoạch nên dịp này Đăk Hà cần hàng nghìn nhân công thu hái cà phê. Vì vậy, “chợ lao động” tại ngã tư Hà Mòn (huyện Đăk Hà) vào thời điểm này trở nên nhộn nhịp cũng là điều dễ hiểu.

Văn Phương

Chuyên mục khác