Nhóm chổi đót tự lực 2 (xã Đoàn Kết): ​Gắn kết, tạo việc làm cho người khuyết tật

03/12/2017 07:03

​Gần 1 năm hoạt động, nhóm chổi đót tự lực 2 ở xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) trở thành địa chỉ gắn kết và tạo việc làm cho người khuyết tật địa phương vươn lên trong cuộc sống.

Đến thăm không gian lập nghiệp của người khuyết tật ở thôn 5, xã Đoàn Kết, chúng tôi được anh Lê Văn Thạch  - Trưởng nhóm chổi đót tự lực 2 giới thiệu về nhóm. Anh kể, năm 2016 trở về trước, anh thuộc diện hộ nghèo và khuyết tật nặng, được các tổ chức đoàn thể tỉnh hỗ trợ bò sinh sản, tặng nguồn vốn 10 triệu đồng tạo kế mưu sinh. Nhờ chăm chỉ làm lụng, phát huy nguồn vốn giúp đỡ ban đầu, đời sống gia đình của anh có bước khởi sắc.

Anh nói: Đôi chân tôi bị liệt di chuyển rất khó khăn, nhưng có sự giúp đỡ của các cấp, nên cuộc sống đời thường đã tốt hơn. Tôi có nguyện vọng muốn làm tình nguyện viên gắn kết những người khuyết tật khác tại địa phương. Biết tâm nguyện của tôi, UBND xã Đoàn Kết đã ủng hộ, thành lập nhóm gồm 15 thành viên và phân công tôi làm trưởng nhóm.

Anh Thạnh (người đội mũ) và các thành viên nhóm chổi đót tự lực 2 đang miệt mài làm việc. Ảnh: M.T

 

Theo anh Thạch, hầu hết thành viên của nhóm đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Quá trình sinh hoạt cùng nhau, ai cũng mong muốn học nghề, hoặc tìm được việc làm phù hợp để cải thiện cuộc sống hàng ngày.

Thế rồi may mắn cũng đến, giữa năm 2016, thông qua dự án “Hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đa dạng hóa thu nhập” do thành phố Kon Tum triển khai, anh và các thành viên được hướng dẫn, gợi mở định hướng làm kinh tế gia đình phù hợp thực tế.

Cũng trong thời gian này, địa phương tiếp tục có dự án “Nâng cao năng lực cho người khuyết tật” được thực hiện, với mục đích tạo cơ hội cho người khuyết tật học nghề, hòa nhập cộng đồng. Nhận thấy mô hình làm chổi đót mang tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện sức khỏe, anh và các thành viên đề xuất học nghề làm chổi đót.

Đến tháng 11/2016, sau khóa học nghề kết thúc, có 10 thành viên của nhóm người khuyết tật xã Đoàn Kết biết làm chổi đót thành thạo đề xuất thành lập nhóm lập nghiệp với nghề này. Anh Thạch đứng ra xin thành lập “Nhóm chổi đót tự lực 2” ở thôn 5, xã Đoàn Kết. Riêng thành viên tham gia nhóm, anh đều khuyến khích, liên hệ với người khuyết tật các xã khác ở thành phố Kon Tum đã biết nghề có thể gia nhập nhóm.

Sau khi thành lập nhóm nghề tự lực này, anh Thạch tiếp tục nhờ các mối quan hệ vốn có qua lớp học nghề của dự án để giữ mối cung ứng nguyên liệu đót lâu dài. Đối với đầu ra, anh tự tìm đến các cửa hàng buôn bán nhỏ khắp thành phố Kon Tum, đến từng tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Kon Tum và qua kênh bạn bè khuyết tật ở các địa phương khác ngoài Kon Tum để giới thiệu. Mỗi sản phẩm làm ra có giá bán sỉ từ 17 - 20 ngàn đồng/cây chổi tùy loại (cán chổi bằng nhựa, hoặc chít bằng dây nhựa), anh trả công làm cho thành viên 12 - 15 ngàn đồng/sản phẩm hoàn thiện và phần còn lại thu hồi nguồn vốn chi phí ban đầu.

Trong nhóm có anh A Giao ở thôn Rơ Wăk (xã Đăk Năng) bị khuyết tật nặng vẫn thường xuyên đạp xe đến chỗ làm, dù ngày nắng hay mưa. Anh chia sẻ, bản thân bị bệnh thần kinh không thể làm việc nặng nhọc, nên công việc gia đình phần lớn vợ phụ trách. “Từ khi đi làm, tôi có thu nhập 1,2 - 1,4 triệu đồng/tháng. Bản thân thấy tự tin hơn, đầu óc cũng thoải mái, nên bệnh tật có phần thuyên giảm” - anh Giao tâm sự.

Chung cảnh ngộ khuyết tật với mình, A Giao đã giới thiệu A Quắc bị tật đôi tay ở xã Đăk Năng ra làm cùng. Ban đầu A Quắc chưa biết đan chổi, các thành viên trong nhóm đều nhiệt tình hướng dẫn. Đến nay, anh Quắc đã làm ra sản phẩm cho thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Anh còn hỗ trợ anh Thạch trong việc đưa hàng hóa đi bỏ mối tại các cửa hàng trong, ngoài thành phố Kon Tum.

 “Điều được nhiều hơn cả là người khuyết tật đã không còn mặc cảm mà dần hòa nhập cuộc sống” - anh Thạch phấn khởi khi nói về kết quả bước đầu của nhóm.

Mai Trâm 

Chuyên mục khác