Nhớ về bộ đội Trường Sơn…

16/09/2019 13:05

Hơn 60 năm đã qua kể từ ngày ra đời con đường lịch sử mang tên Bác Hồ kính yêu, trong ký ức của những người lính đã từng “cùng hành quân đi giữa mùa Xuân” vẫn sống mãi những ngày tháng ác liệt của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh mà vô cùng anh dũng, tự hào.

Ông Trịnh Xuân Tính ở thôn 2, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum kể: Sau khi tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trở về quê hương Thiệu Giao, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, đầu tháng 4/1963, ông lên đường nhập ngũ, biên chế vào Sư đoàn 341. Giữa năm 1965, một bộ phận cán bộ chiến sĩ sư đoàn được tuyển chọn “Nam tiến”, chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 5/1959, đường Trường Sơn đã được mở trong gian nan, thiếu thốn và lửa đạn khốc liệt của quân thù. Gần 6 năm sau, đi bộ xuyên rừng, ông Tính và đồng đội mỗi người một cây gậy, ba lô trên vai gồm tư trang, đồ đạc, vũ khí và gạo; tổng cộng khoảng gần 50kg. Là lính quân y nên trong đội hình bộ binh, ông Tính luôn được chỉ định đi sau cùng với số anh em bị đau ốm, ông đủ sức vượt lên theo kế hoạch thời gian hành quân. Ở đó, những anh lính quân y không chỉ phải hỗ trợ mang vác ba lô, đồ đạc cho các chiến sĩ “bệnh nhân”, mà còn tận tình chăm lo thuốc men, cơm nước và nhất là động viên anh em kiên trì vượt qua khó khăn, cố gắng hồi phục. Vất vả, gian nan nhất là những lúc mưa dầm, di chuyển đã khó khăn, mà nhiều khi người còn đói lả.           

Xuất phát từ Quảng Bình, vượt qua bao đèo dốc, suối khe, rừng thẳm, núi cao trên đường Trường Sơn, đơn vị của ông Tính mất 6 tháng ròng rã mới vào đến Bắc Tây Nguyên, trên đường hành quân vào miền Đông Nam bộ. Một lần, đơn vị của ông Tính đã gặp phải sự oanh kích của địch ở địa bàn Đăk Tô - Tân Cảnh. Ông Tính còn nhớ: Theo lịch trình công tác, anh em được nghỉ chân mấy ngày. Hôm ấy, đang bình thường thì bỗng dưng xuất hiện máy bay “đầm già” của Mỹ đến oanh kích. Ban đầu, máy bay đảo mấy vòng trong khu vực quân ta đang “bí mật”, bắn xuống một “quả mù”, sau đó lao xuống, liên tục ném bom và bắn đại liên 12 ly7. Chừng 30 phút sau “khúc dọa” ban đầu, địch tiếp tục tăng cường thêm 4-5 máy bay nữa đến uy hiếp. Tuy vậy, nhờ đảm bảo kế hoạch hành quân nên đơn vị đã chủ động chuẩn bị hệ thống công sự, kịp thời trú ẩn, giữ an toàn tuyệt đối lực lượng để tiếp tục lên đường.

Ông Tính cùng người thân. Ảnh: TN

Ông Nguyễn Duy La ở thôn Plei Dơn, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum quê gốc Đồng Thịnh, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Cuối năm 1970, khi còn là chàng trai 17 tuổi, ông đã lên đường ra tiền tuyến. Nhiệm vụ của những người lính lái xe thuộc C5, D964, F571 của ông là vận chuyển hàng hóa vào miền Nam, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Cũng như mọi thanh niên ra trận, khẩu hiệu của những người lính lái xe chúng tôi bấy giờ là tất cả vì tiền tuyến, tất cả để giải phóng miền Nam. Trước khi lên đường, anh em đều được phổ biến, quán triệt yêu cầu nhiệm vụ, tinh thần chiến đấu. Biết rằng con đường phía trước vô cùng khó khăn, gian khổ, bom rơi đạn lạc, máy bay gầm rú, đi sang đất Lào thì biệt kích rình rập; song tất cả đều hăng hái, quyết tâm. Có thể đi 10, còn 3, chúng tôi vẫn vui, vẫn hăng hái lên đường…” - Ông Nguyễn Duy La chia sẻ.

Ông La kể, nhớ nhất là ở khu vực bờ Bắc vĩ tuyến 17, từ phà Long Đại đến làng Mỹ Đức, ngã ba Thạch Bàn thuộc tỉnh Quảng Bình, đâu cũng là “cao điểm”, là “cửa tử” vì địch bắn phá dữ dội. Có khi, chỉ khoảng 30 phút, 1 tiếng lại có đợt dội bom, bắn phá của địch. Bám theo “cái cọc tiêu màu trắng” hiên ngang của các nữ công binh anh dũng, xông pha nơi mũi đạn, những người lính lái xe mới có thể hành động chính xác - đi hay dừng - để đảm bảo an toàn.

Lấy hàng từ Ninh Bình, xuất phát từ Quảng Bình, qua phà Long Đại, đến ngã ba Thạch Bàn, rẽ vào dốc Thơm; sang đất bạn Lào, qua Sông Bản, rồi qua Attapư, đi theo cây số 52 đến Pờ Y - ngã ba Đông Dương; từ đây mới đi xuyên xuống tỉnh Quảng Nam…, hành trình gian nan vượt qua nhiều “cửa tử” bắn phá ác liệt, sau hơn 1 tháng bám đường, đoàn xe đã về nơi tập kết ở khu vực S9 điểm 5 thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam…

18 tuổi đi bộ đội, ông Nguyễn Văn Phúc người Hà Tĩnh hiện ở phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum đã góp mặt trong đội hình những người lính xăng dầu của đoàn 559, tháng 11/1972. Nhiệm vụ cụ thể của đơn vị ông là vận chuyển vật tư, nguyên liệu và lắp đặt tuyến đường ống xăng dầu để “tiếp lửa” vào Nam. “Mỗi đoạn ống nặng 45 kg, chúng tôi cứ vác trên mình như thế, băng qua suối qua đèo...” - ông Phúc kể. Ở những khu rừng rậm, nguyên tắc “trên kín, dưới quang” luôn được mỗi người lính đường ống thấm nhuần. Tức là, khi lắp đặt đường ống, phải đảm bảo đào sâu, chôn kín ở dưới đất để máy bay địch không thể phát hiện. Ngược lại, khu vực dưới mặt đất lại phải quang đãng, để tiện cho việc đi kiểm tra tuyến ống.

 “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa…” khó khăn, gian khổ không thể nào kể hết. Song, bằng sức trẻ và nhiệt huyết lên đường, những người chiến sĩ đường ống kiên cường đã góp phần làm nên tuyến đường xăng dầu 1.400km được mệnh danh là “dòng sông mang lửa”, tạo nên sức mạnh thần kỳ phục vụ giải phóng miền Nam cũng như “chi viện chiến lược” cho nước bạn Lào, Campuchia. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ thu dung tuyến đường ống từ Quảng Bình đến Bình Phước. Ông Phúc còn nhớ kỷ niệm sâu sắc nghĩa tình đồng đội. Đó là, sau khi giải phóng miền Nam, đơn vị ông tiếp tục đảm nhận thu dung tuyến đường ống xăng dầu đã lắp đặt trong những năm tháng chống Mỹ. Ba đồng đội của ông đã hy sinh, song chỉ có hai người được tôn vinh là liệt sĩ. Một trường hợp, không rõ vì sai sót gì, gia đình chỉ nhận thông báo “tử sĩ”. Nhiều năm, gia đình đau buồn vì mất mát, hy sinh chưa được nhìn nhận đúng. Gần đây, ông Nguyễn Văn Phúc và đồng đội cũ đã tập hợp nhau lại, trực tiếp hoàn tất thủ tục hồ sơ, đề nghị các bộ ngành chức năng giải quyết, công nhận liệt sĩ, cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho đồng đội. Đó là liệt sĩ Lê Xuân Phương ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Duy La và ông Nguyễn Văn Phúc. Ảnh: TN

 Với cựu thanh niên xung phong Cao Thị Phú ở Tổ 2, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum gần 50 năm đã qua, nhưng những ngày sống ở Trường Sơn vẫn là kỷ niệm sâu nặng nhất. 17 tuổi, bà Phú đi thanh niên xung phong vào Tiểu đoàn 12, Đoàn 559, phục vụ chiến trường. Còn nhớ, chuẩn bị cho trận đánh vào sân bay Cam Lộ (Nghệ an), hành quân 1 tháng; tuy vậy, mới đi được nửa đường, bà đã kiệt sức, được đồng đội cho vào võng, cáng đi trong suốt chặng đường còn lại về nơi tập kết. Còn nhớ, hai lần chứng kiến đồng đội hy sinh vì bom đạn của kẻ thù, nỗi đau thương khiến họ càng quyết tâm hơn.

Bà Cao Thị Phú. Ảnh: TN

Hơn 60 năm đã trôi qua. Đường Trường Sơn ác liệt đạn bom, thấm bao máu đào những chàng trai cô gái “hành quân ra mặt trận” giờ đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch kiêu hãnh của đất nước, tự hào mang tên Bác. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, hơn 1.000 hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vẫn ngày ngày lao động, công tác hăng say và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Bước vào nhiệm kỳ thứ hai kể từ sau Đại hội lần thứ nhất vào năm 2014, các cựu chiến binh Trường Sơn - Đường Trường Sơn năm xưa càng nhiệt huyết chung tay chăm lo cho mái nhà chung của hội, góp sức xây dựng địa phương ổn định, phát triển.

Thanh Như

 

 

 

                                           

 

Chuyên mục khác