Nhớ ngày Giỗ Tổ

21/04/2021 06:03

Gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, như triệu triệu người dân trên cả nước, những người con đất Tổ hiện đang sinh sống tại huyện Đăk Hà lại tề tựu, dâng hương, hoa lên các Vua Hùng với tất cả lòng thành kính.

Đã hơn 30 năm trôi qua, kể từ ngày rời quê hương Vĩnh Phú vào Kon Tum sinh sống, ông Nguyễn Công Đê, tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà vẫn da diết nỗi nhớ quê nhà. Đặc biệt, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, nỗi nhớ quê càng thêm sâu đậm, ông luôn theo dõi, hướng về đất Tổ với tất cả nỗi niềm.

Ông kể, ngày trước, gia đình ông ở gần quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cứ độ cuối tháng 2, đầu tháng 3, ở quê lại rạo rực, rộn ràng. Từ ngày 1/3 âm lịch, người dân ở khắp các nơi về dâng hương, dâng mâm cỗ để tưởng nhớ đến công đức tổ tiên.

Hòa trong dòng người, ông cùng với người thân đến dâng hương, hoa, lễ vật tại Đền Tượng và tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian trong phần hội.

“Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại, ngày hội văn hóa của cả nước. Về Đền Hùng, mỗi người một lần nữa hiểu về nguồn cội cũng như có thêm động lực phấn đấu để giữ nước như lời Bác Hồ dặn” – ông Đê chia sẻ.

 
Thành kính dâng hương hoa lên Vua Hùng. Ảnh: Trọng Nghĩa

 

Cũng như ông Đê, rời quê hương Vĩnh Phú vào Kon Tum từ năm 1970, ông Nguyễn Hoàng Tân (70 tuổi), tổ dân phố 2B, huyện Đăk Hà xác định, đây là quê hương thứ 2, và là nơi ở đến cuối đời. Dù vậy, ông vẫn luôn nhớ về nét văn hóa, các lễ hội ở nơi chôn rau cắt rốn. Ông nhớ như in những nghi thức, lễ hội văn hóa trong dịp Giỗ Tổ. “Ở quê hương mới, vào dịp Giỗ Tổ, không có cơ hội trở về Phú Thọ tham dự lễ hội, tôi lại cùng với 41 thành viên trong Hội đồng hương Vĩnh Phúc – Phú Thọ ở huyện Đăk Hà tề tựu, chuẩn bị những nghi thức, mâm lễ để dâng lên vua Hùng. Ở xa cả nghìn kilômét nhưng không khí cũng rộn ràng lắm, ai nấy đều háo hức mong chờ. Với người dân Phú Thọ, Vĩnh Phúc chúng tôi, đây cũng là dịp để gia đình sum họp, đoàn viên, là dịp để giáo dục con cháu niềm tự hào về Vua Hùng, cội nguồn dân tộc”– ông Tân kể.

Các thành viên trong Hội đồng hương cho biết, trước đây, tại nhà bà Đỗ Tị Phượng ở tổ dân phố 4A, thị trấn Đăk Hà có lập 1 khóm thờ Vua Hùng. Mỗi năm, cứ vào đầu tháng 3 âm lịch, tất cả các thành viên cùng họp, bàn bạc để cùng tề tựu, lên kế hoạch thực hiện các nghi thức tưởng nhớ công ơn tổ tiên. “Chúng tôi chọn ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày họp Hội đồng hương. Vào ngày này, không chỉ gặp gỡ, thăm hỏi, tổng kết, đề ra phương hướng hoạt động, chúng tôi còn làm mâm lễ tri ân để dâng lên Vua Hùng” – ông Tân cho hay.

Năm nay cũng vậy, từ cuối tháng 2 âm lịch, ông Tân cùng với các thành viên trong Hội đồng hương tập trung, bàn kế hoạch thực hiện. Theo dự kiến, vào ngày Giỗ Tổ, mọi người sẽ cùng làm phông bạt in hình Vua Hùng tượng trưng, sau khi dâng lễ tại Chùa Táp Kỳ Quang, tất cả sẽ trở về nhà bà Phượng để cùng dâng hương hoa, mâm lễ cúng.

“Cũng như mọi năm, chúng tôi sẽ chuẩn bị bánh chưng, bánh trôi nước (thay cho bánh giầy), cơm tẻ, gà… Những sản vật tượng trưng cho âm dương, sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Trong mâm cúng còn có những món ăn, nước chấm tượng trưng cho trời đất, vũ trụ…” – ông Tân cho hay.

Teo lời ông Tân, vào ngày Giỗ Tổ, tất cả 42 hộ với khoảng 170 khẩu sẽ tựu tề thật sớm, vừa hỗ trợ chuẩn bị mâm lễ cúng, vừa kể lại những câu chuyện lịch sử để con cháu cùng hiểu về nguồn cội; những câu chuyện về các tấm gương vượt khó để tất cả nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống. Đến giờ, mọi người sẽ tập trung làm lễ. Ông Tân đại diện các thành viên trong Hội đồng hương, khấn tưởng nhớ Vua Hùng trước, sau đó lần lượt sẽ dâng hương. Xong phần lễ, chúng tôi sẽ tập trung vào phần hội với các hoạt động đơn giản: chơi trò chơi dân gian, hát hò…”.

Không cầu kỳ, hình thức, những người con đất Tổ hướng về, nhớ về cội nguồn với tất cả tấm lòng thành kính, niềm tri ân. “Chim có tổ người có tông, như cây có cội như sông có nguồn”, ai nấy đều ý thức về nguồn cội, cùng nhau đoàn kết để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, góp sức giữ gìn quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác