Nhớ ngày Bác đi xa

01/09/2019 06:20

Ngày Bác Hồ vĩnh viễn đi xa, không thể nào diễn tả hết nỗi tiếc thương, đau đớn của toàn dân tộc. Triệu triệu con tim người Việt Nam, từ cụ già đến em bé đều bật lên tiếng khóc không kìm nén được.

Năm 1969, tôi 8 tuổi, học lớp 3 trường làng. Làng tôi thuộc Yên Thế Hạ, Phủ Lạng Thương xứ Kinh Bắc (nay là thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), là vùng Trung du Bắc Bộ. Ông bác tôi có chiếc đài bán dẫn vỏ bằng gỗ, thường chẳng bao giờ đủ pin để nghe. Ông chú rể làm ở HTX mua bán huyện, lâu lâu biếu ông bác đôi pin “Con Thỏ”, sẽ được dùng cho đèn pin đầu tiên, ban đầu là dùng 2 pin, đến khi pin yếu thì nối thêm 1 quả, rồi đến khi 3 quả pin cũng chỉ còn phát ra tia ánh sáng như con đom đóm thì mới chuyển sang dùng nghe đài. Khi năng lượng đã cạn kiệt, cũng chưa bỏ đi đâu, lại lột lớp vỏ giấy bên ngoài, rồi nối các điện cực ngâm vào nước muối pha đậm đặc duy trì dòng điện sử dụng tiếp, gọi là “pin muối”. Hồi đó ai quen mấy anh làm bưu điện, xin được mấy cục pin “chuyên dụng” cho máy điện thoại thải ra to bằng bắp tay mà chế “pin muối” thì cực sướng.

Bởi thế, chiếc loa công cộng bên bờ ao cổng làng là một vật vô giá, nơi dân làng và cánh thanh thiếu niên tụ tập hàng ngày nghe đài, vui đùa, bày ra đủ thứ trò chơi của trẻ con nông thôn.

Mùa thu năm 1969. Mồng 2 tháng 9, ngày Quốc khánh mà không khí im lìm, ảm đạm bao trùm, khác hẳn mọi năm. Trước đó cả tuần, Đài Tiếng nói Việt Nam (thời điểm đó miền Bắc chưa có truyền hình) đã có Bản tin đặc biệt hàng ngày thông báo về tình hình sức khỏe của Bác Hồ. Toàn dân hồi hộp, lo lắng theo dõi từng thông tin, không bỏ sót một lời của phát thanh viên. Từ tờ mờ sáng và chiều chiều, dân làng tập trung ở cổng làng ngóng cổ lên chiếc loa truyền thanh.

Rồi cái tin đau đớn nhất cũng đến: Bác Hồ đã vĩnh viễn đi xa. Không thể nào diễn tả hết nỗi tiếc thương, đau đớn của toàn dân. Ngày 9/9/1969, qua loa truyền thanh, khi nghe đồng chí Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng giọng nấc nghẹn, run run đọc Điếu văn truy điệu Bác, với điệp khúc 5 lần “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề…”, triệu triệu con tim người Việt Nam, từ cụ già đến em bé đều bật lên tiếng khóc không kìm nén được, nhiều người gào lên đau đớn như cha, ông mình vừa mất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên nông dân tích cực sản xuất. (Ảnh: Tư liệu)

 

Tất cả mọi người dân, nam, phụ, lão, ấu đều để tang Bác. Tôi còn nhớ, tang Bác hình bình hành, nửa trên đỏ, nửa dưới đen, được mọi người gài trên ngực trái, nơi trái tim mình. Người mất đi là một tổn thất vô cùng lớn lao không gì bù đắp được đối với cả dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Lời Điếu khắc sâu vào gan ruột, trái tim, khối óc mỗi người Việt Nam: “Hồ Chủ Tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa. Tổn thất này thật là lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!... Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta!”.

Sau này, trong thời gian học lên cấp 2, cấp 3, chúng tôi được học và hầu như mọi học sinh thế hệ chúng tôi đều thuộc lòng những bài thơ viết về Bác. Thơ văn ca ngợi Bác, cả của văn nghệ sỹ trong nước và các văn sỹ thế giới không thể thống kê hết, chỉ xin dẫn ra đây bài thơ chữ Hán của cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), một chí sỹ yêu nước, trước Cách mạng Tháng Tám  năm 1945 đã từng giữ chức Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ, nhưng được Bác Hồ hết sức tin tưởng, quý trọng về nhân cách, tri thức và tinh thần yêu nước, thương dân, sau Cách mạng Tháng Tám thành công được Bác mời tham gia Quốc hội, Chính phủ Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và từng được Bác giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước khi Người đi Pháp đàm phán năm 1946. Bài thơ có tựa đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh” (dịch):

“Tung hoành bể Sở với sông Ngô/ Đảm lược ai hơn Chủ tịch Hồ/ Mưa nắng dãi dầu bao tuế nguyệt/ Nước non gây dựng một cơ đồ/ Sen kia chẳng ngại nơi bùn lấm/ Tùng nọ bao nài trận gió xô/ Khắp cả ba Kỳ đều tín nhiệm/ Rộn ràng bốn biển tiếng hoan hô”.

Đặc biệt nhà thơ lớn Tố Hữu, lá cờ đầu của thi ca cách mạng, viết về Bác rất nhiều. Ngày 6/9/1969, ngay sau khi Bác mất, Tố Hữu đã nén lòng nhưng vẫn bật lên: Bác ơi! “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa!... Ơi Bác Hồ ơi những xế chiều/ Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu/ Ra đi, Bác dặn còn non nước/ Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều…/Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn/ Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn!”. Và trong Trường ca Theo chân Bác, Tố Hữu nhắc lại: “Xin nhớ từ đây, nhớ lại ngày/ Bác Hồ từ giã cõi hôm nay/ Bảy mươi chín tuổi Xuân trong sáng/ Vào cuộc trường chinh nhẹ cánh bay…”.

Ngày 30/4/1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Trong vỡ òa niềm vui chiến thắng, người Việt Nam ai cũng thầm ước ao “Giá như Bác còn…” và niềm ao ước ấy đã được thể hiện rất rõ ràng trong ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên viết và hoàn thành ngay trong đêm 30/4/1975, hay nhạc phẩm “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của nhạc sỹ Cao Việt Bách đã nói thay ước vọng thầm lặng của cả dân tộc…

50 năm đã trôi qua kể từ khi Bác “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin”, nhưng mỗi khi nhớ lại ngày Bác ra đi, lòng tôi lại trào dâng cảm xúc khó tả. Những ngày này, khi hồi tưởng lại thời gian, tôi không thể quên những tháng ngày đau buồn ấy của dân tộc. Nén nỗi đau thương, cả dân tộc từ Nam chí Bắc, quân với dân đã đoàn kết keo sơn thành một khối không gì chia cắt được để tiến lên, làm nên kỳ tích lịch sử 30/4/1975 thống nhất giang sơn về một mối.

Nhớ về Bác, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đạo đức sáng trong của Bác, thái độ không màng danh lợi, vinh hiển cho cá nhân, tinh thần hiến dâng cả cuộc đời vì hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập, tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc của Bác mãi là tấm gương soi cho mọi người dân Việt Nam học tập và noi theo.

Dương Bảo

Chuyên mục khác